Sân cỏ Việt: “Đây là thời điểm thích hợp…”

VietTimes -- “VFF xét thấy từ mùa giải 2021 là thời điểm phù hợp để tăng số đội ở giải hạng nhất, điều chỉnh số lượng đội hạng nhì theo hướng cả ba hạng đầu của giải Vô địch quốc gia đều là 14 đội” Phó chủ tịch VFF Cao Văn Chóng chia sẻ. 
Tổ hợp sân vận động Hàng Đẫy trong tương lai. Ảnh HNFC.
Tổ hợp sân vận động Hàng Đẫy trong tương lai. Ảnh HNFC.

Phải mất 9 năm, VFF mới “khôi phục” lại được sơ đồ hình ống về số lượng các đội bóng của 3 giải đấu do mình quản lý. Còn để phát triển đúng hình tháp như các quốc gia khác, chắc chắn phải tốn thêm thời gian nữa, dù chúng ta tự cho mình khoác chiếc áo chuyên nghiệp 20 năm nay.

Gập ghềnh các giải đấu

Công bằng mà nói VFF đang quản lý tương đối ổn V.League dù còn rất xa nữa nó mới đúng nghĩa chuyên nghiệp. Cách đây đúng 20 năm, chúng ta “khởi động” V.League 2000 với 10 đội bóng, sau đó 3 năm số lượng tăng lên con số 12. Theo lộ trình thi V.League 2006 chúng ta sẽ có 14 đội thì đùng cái mùa giải hạng nhất 2005 CLB Ngân hàng Đông Á dính vào vụ án hối lộ trọng tài nên phải đến V.League 2007 chúng ta mới có 14 đội tham gia và giữ nguyên từ đó đến nay.

Tiền các ông chủ đổ vào sân bóng ngày càng nhiều. Ảnh HNFC
Tiền các ông chủ đổ vào sân bóng ngày càng nhiều. Ảnh HNFC

Với hạng Nhất, lượng khán giả quan tâm không nhiều, nên gần như sống lay lắt và số lượng CLB thay đổi theo hứng của các ông bầu. Nhưng năm đầu thì số lượng đội hạng Nhất còn duy trì từ 12-14 đội, nhưng đến 2013, số lượng các đội hạng Nhất còn 8 đội, đến mùa giải 2017 thậm chí thì chỉ còn lại 7 đội. 

Việc VFF quy định tiêu chí các “CLB chuyên nghiệp hạng Nhất” không khắt khe về cơ sở hạ tầng sân bãi, các tuyến trẻ và vốn liếng, nên các ông bầu “khi vui thì đậu, khi buồn thì bay”. Việc thành lập, chuyển giao và giải thể các đội bóng giai đoạn này là điều chả mấy khó khăn, cũng không nhiều người quan tâm.

Có những người am hiểu nội tình còn cho rằng, nếu quy định VFF chặt chẽ thì số phận các giải hạng nhất có khi chả hơn gì bóng đá nữ. Nên mới có chuyện Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sau khi lên V.League mới vội lo đi mua đèn về lắp và cải tại sân bãi.

Thực ra, trước đây khi công tác đào tạo trẻ ít được chú ý, nếu có tăng thêm số đội, thì cũng chả có cầu thủ mà đá. Đáng lý hạng nhì, hạng nhất là nơi để các cầu thủ trẻ cọ xát thì nhiều đội, đó lại là sân chơi “dưỡng già” của các cầu thủ V.League. Số phận các đội hạng nhì các bi đát hơn, thậm chí khán giả còn chả biết đội bóng nào đá hạng nhì, truyền thông cũng lãng quên luôn giải đấu này.

Khán giả đến sân ngày một đông hơn. Ảnh NĐFC
Khán giả đến sân ngày một đông hơn. Ảnh NĐFC

Ở Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia đang duy trì được điều này, thậm chí họ còn có Thai-League 4. Cũng chính vì thế mà Thái League 1 luôn được xem là giải đấu khá chất lượng. Họ cũng thu hút được khá nhiều hợp đồng truyền hình, tài trợ và quảng cáo.

Một thời đáng quên

Một thời thời gian dài các ông bầu Việt bỏ cả đống tiền vào làm bóng đá nhưng chỉ nhăm nhăm mua về nhiều ngôi sao và ngoại binh mà không chú trọng đào tạo trẻ. Điển hình nhất là “Chelsea Việt Nam”- B.Bình Dương. Các ông chủ đua nhau ăn xổi thành tích, bóng đá Việt Nam vì thế không có nhiều đội trẻ thi đấu ở các giải hạng dưới của V.League. Một thời là những trận đấu của các đội ngân hàng, xi măng, thép…thoắt ẩn, thoắt hiện khỏi bản đồ bóng đá Việt, hệt như trò chơi trốn tìm.

Đến nay, kinh tế đất nước phục hồi, ngoài SLNA, Hà Nội FC, HAGL, các lò đào tạo Viettel, PVF, Hà Nội, Bình Dương đã cung cấp cho thị trường đủ, thậm chí là thừa đá V.League thì việc có thêm đội hạng Nhất, kể cũng phù hợp. Ngay như SLNA, HAGL số lượng cầu thủ dư có thể lập được đội, đủ sức thi đấu hạng nhất. Bầu Hiển, ngoài đội Hà Nội FC từng ôm Hà Nội B (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh) và Hà Nội (Sài Gòn)…

Xây lại hình ống

Việc cả ba giải đấu V-League, Giải hạng nhất và Giải hạng nhì sẽ có 14 đội tham dự là một tín hiệu tốt cho việc phát triển môn thể thao này. Được biết, sắp tới VFF sẽ sửa đổi điều lệ ở Giải hạng nhì 2020 khi sẽ có đến 3 đội (trước chỉ 1) được quyền thăng hạng là điều được khán giả đồng thuận.

Đội tuyển cũng chơi ngày một tiến bộ. Ảnh VPF
Đội tuyển cũng chơi ngày một tiến bộ. Ảnh VPF

Cuộc chơi Giải hạng nhì 2020 sẽ rất đáng xem, ba suất thăng hạng sẽ là cuộc cạnh tranh giữa 4 đội Công An Nhân Dân (được tăng cường 9 cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai), Phú Thọ, Phù Đổng và Gia Định. Kinh phí duy trì đội hạng nhì chỉ 20 tỷ đồng/năm, không quá khó với 1 số ông bầu thích bóng đá.

Trong khi đó, Giải hạng nhất 2020 hiện có 12 đội tham dự. Đội vô địch sẽ giành vé trực tiếp lên chơi ở V-League 2021. Người ta đánh giá XSKT.Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định và CLB vừa rớt hạng S.Khánh Hòa sẽ bám đuổi nhau quyết liệt. Đội á quân sẽ đá play-off với đội xếp hạng 13/14 ở V-League 2020 để giành quyền thi đấu ở V-League 2021. Đội chót hạng Nhất tất nhiên vẫn bị rớt xuống Giải hạng nhì 2021.

Có điều tăng số lượng đội bóng nhưng VFF đừng hạ tiêu chí tồn tại các CLB hạng nhất, hạng nhì để tránh đi vào “vết xe đổ” trong quá khứ.