Samsung rót 230 tỉ USD xây 'cứ điểm' sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Samsung Electronics được cho là sẽ rót 300 nghìn tỉ won (230 tỉ USD) để xây dựng 5 nhà máy bán dẫn mới tại Hàn Quốc trong vòng 20 năm tới.

Theo CNN, Hàn Quốc có kế hoạch xây dựng một cơ sở sản xuất chip máy tính mới tại Seoul nhờ khoản đầu tư lên tới 230 tỉ USD được tài trợ bởi Samsung Electronics.

"Chúng tôi sẽ xây dựng 'cụm bán dẫn công nghệ cao' mới lớn nhất thế giới tại thủ đô Seoul dựa trên khoản đầu tư tư nhân trị giá gần 300 nghìn tỉ won", Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết trong bài phát biểu hôm 15/3.

Dẫn lời trên CNBC, người phát ngôn của Samsung nói rằng khoản đầu tư trên sẽ được phân bổ trong nhiều năm và kéo dài tới năm 2042.

Một phát ngôn viên của Samsung cũng xác nhận kế hoạch xây dựng với tờ Nikkei Asia, đồng thời cho biết 1 trong 5 nhà máy mới có thể được dùng sản xuất chip đúc hoặc sản xuất chip cho các khách hàng ngoài.

'Siêu cụm nhà máy' chip bán dẫn được kỳ vọng sẽ là bước nhảy vọt của Hàn Quốc trong nỗ lực dẫn đầu ở các mảng công nghệ quan trọng.

Trước đó, vào tháng 5/2022, Samsung đã vạch ra kế hoạch rót hơn 350 tỉ USD vào các hoạt động kinh doanh của mình và tạo ra hàng chục nghìn việc làm mới cho đến năm 2026 với hoạt động đầu tư chủ yếu vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi như sản xuất chip và dược phẩm sinh học. Chưa rõ khoản đầu tư 230 tỉ USD để xây dựng 'siêu cụm nhà máy' chip bán dẫn có nằm trong kế hoạch mà tập đoàn này công bố trước đó hay không, theo CNN.

Samsung cũng có những động thái đầu tư mạnh tay ở Mỹ. Cuối năm 2021, 'đại gia' công nghệ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch đầu tư 17 tỉ USD để xây dựng dây chuyền sản xuất chip đúc ở Texas. Công ty đặt mục tiêu đến nửa cuối năm 2024, cơ sở này sẽ đi vào hoạt động. Trước đó, Samsung đã vận hành một nhà máy sản xuất chip đúc ở bang này.

Samsung hiện là nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất chính chất bán dẫn dạng đúc được sản xuất theo đơn đặt hàng cho các công ty, chỉ sau Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC).

Toàn cảnh nhà máy sản xuất chip của Samsung Electronics tại Pyeongtaek, Hàn Quốc (Ảnh: CNN)
Toàn cảnh nhà máy sản xuất chip của Samsung Electronics tại Pyeongtaek, Hàn Quốc (Ảnh: CNN)

Hàn Quốc và cuộc đua trong ngành chip

Đại dịch Covid 19 đã cho thấy tầm quan trọng của chất bán dẫn đối với nền kinh tế toàn cầu khi tình trạng thiếu sản xuất do phong tỏa và các vấn đề khác về chuỗi cung ứng dẫn đến sự chậm trễ và tắc nghẽn đối với các sản phẩm như ô tô, điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác.

Thông báo của Samsung và chính phủ Hàn Quốc được đưa ra khi Mỹ và Nhật Bản đang thu hút các nhà sản xuất chất bán dẫn đầu tư vào quốc gia của họ với hàng loạt khoản trợ cấp và giảm thuế.

Chất bán dẫn đã trở thành một công nghệ được chính trị hóa và được thúc đẩy bởi chiến lược kép của Mỹ.

Mỹ đã ban hành nhiều chính sách nhằm đưa hoạt động sản xuất chip trở lại quốc gia này và đã nhận được cam kết xây dựng nhà máy từ Samsung và TSMC.

Mặt khác, Mỹ tìm cách kìm hãm sự phát triển chất bán dẫn của Trung Quốc khi đề ra cá quy định nhằm ngăn chặn Trung Quốc mua hoặc sản xuất các chip và linh kiện quan trọng cũng như các chất liệu cần thiết để sản xuất mặt hàng này.

Đối với khoản đầu tư vào nhà máy sản xuất chip tại Hàn Quốc của Sam Sung, Kim Yang-paeng, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Công nghiệp & Thương mại Hàn Quốc, cho biết: “Đây là một dự án dài hạn và nhu cầu đúc sẽ tăng lên trong những năm tới. Vì vậy, tôi không nghĩ 5 nhà máy là quá nhiều."

Ông Kim cũng nhận định, Samsung có thể giảm sự phụ thuộc vào chip bộ nhớ với các dây chuyền sản xuất mới. "Bộ nhớ [chip] là trung tâm kinh doanh của [Samsung] và chúng rất nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh."

Đối với Samsung, sự hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc có thể giúp hãng bắt kịp TSMC - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất. TSMC sản xuất một số chất bán dẫn tiên tiến nhất trên thế giới cho các công ty như Apple.

CW Chung, một nhà phân tích cao cấp tại Nomura, nhận định Hàn Quốc đang cạnh tranh với Đài Loan, nơi có cụm nhà máy bán dẫn ở Hsinchu, gần Đài Bắc.

Ông mô tả động thái này là một bước đi tích cực và việc có một cơ sở gần Seoul "có thể thu hút những nhân công trẻ và có chuyên môn"./.

Nguồn tham khảo: Nikkei Asia, CNBC, CNN