Sách trắng Trung Quốc về Đài Loan: chọn thống nhất hòa bình nhưng không từ bỏ thống nhất bằng vũ lực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau 22 năm, Bắc Kinh lại công bố Sách Trắng về chính sách đối với Đài Loan, nêu phương châm mới nhất đối với Đài Loan. Các học giả cho rằng, Bắc Kinh vẫn đặt cao việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.
Các học giả cho rằng trong Sách Trắng Trung Quốc vẫn đề cao việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực (Ảnh: Deutsche Welle).
Các học giả cho rằng trong Sách Trắng Trung Quốc vẫn đề cao việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực (Ảnh: Deutsche Welle).

Hôm thứ Tư (10/8), Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành Sách Trắng "Vấn đề Đài Loan và sự nghiệp thống nhất Trung Quốc trong thời đại mới" (sau đây gọi là Sách Trắng), nêu rõ "thống nhất hòa bình và một quốc gia, hai chế độ" là phương châm cơ bản để giải quyết vấn đề Đài Loan, thống nhất hòa bình là lựa chọn hàng đầu, đồng thời nói rõ không cam kết từ bỏ việc sử dụng vũ lực và bảo lưu lựa chọn thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để thống nhất đất nước.

Tài liệu này nói rằng nếu các phần tử đòi “Đài Loan độc lập” hoặc các thế lực bên ngoài khiêu khích và ép buộc, hoặc thậm chí vượt qua lằn ranh đỏ, thì Trung Quốc sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp kiên quyết. Sách Trắng chỉ ra rằng các biện pháp phi hòa bình sẽ là lựa chọn cuối cùng trong "tình thế bất đắc dĩ", nói rằng nó nhằm vào "số rất ít phần tử ly khai Đài Loan độc lập" và các hoạt động ly khai, chứ không chống lại dân chúng Đài Loan.

Sách Trắng về vấn đề Đài Loan do Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc công bố hôm 10/8 (Ảnh: Sina).

Sách Trắng về vấn đề Đài Loan do Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc công bố hôm 10/8 (Ảnh: Sina).

“Trung Quốc hiện có lòng tin và năng lực thực hiện mục tiêu hơn trước đây”

Sách Trắng mới nhất dài hơn 13.000 chữ, trình bày phương châm đối với Đài Loan trong 5 phần lớn, bao gồm các chính sách của các nhà lãnh đạo tiền nhiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong đó có nội dung về ông Tập Cận Bình kể từ khi nhậm chức Tổng bí thư tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay chiếm nhiều nhất. Tân Hoa xã đưa tin nói, trước tình hình mới, việc ban hành Sách Trắng mới về thống nhất đất nước là rất cần thiết.

Sách Trắng chỉ ra rằng tiến trình thống nhất hoàn toàn Trung Quốc là không thể ngăn cản, và giờ đây nó đang tiến gần hơn, tự tin hơn và có khả năng đạt được mục tiêu hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử; sự khác nhau về chế độ xã hội ở hai bên bờ Eo biển không phải là trở ngại đối với sự thống nhất, càng không phải là cái cớ để chia cắt.

Sách Trắng cũng chỉ đích danh Mỹ "chơi quân bài Đài Loan" ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lành mạnh của quan hệ Trung-Mỹ. Nếu cứ để mặc nó tiếp tục phát triển, tình hình ở eo biển Đài Loan sẽ tiếp tục leo thang và sẽ gây ra nguy cơ rất lớn có tính lật đổ cho quan hệ Trung-Mỹ.

Bài viết giới thiệu Sách Trắng của Tân Hoa xã.

Bài viết giới thiệu Sách Trắng của Tân Hoa xã.

Sự kiện Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã đến thăm Đài Loan vào tuần trước và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sau đó đã tiến hành các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan, khiến thời điểm Trung Quốc công bố Sách Trắng trở nên vô cùng nhạy cảm.

Không còn đề cập đến việc "Sau khi thống nhất không đưa quân đội và quan chức hành chính tới Đài Loan"

Trước đây, Bắc Kinh đã phát hành Sách Trắng về chủ đề liên quan (vấn đề Đài Loan và thống nhất Trung Quốc) vào các năm 1993 và 2000. Trong hai bản Sách Trắng đầu tiên, Bắc Kinh đều nói rõ rằng họ “sẽ không đưa quân đội và quan chức hành chính đến Đài Loan sau khi thống nhất”, nhưng trong Sách Trắng mới, tuyên bố này đã không còn được nhắc đến.

Sách Trắng cáo buộc rằng "hành vi tìm kiếm độc lập" của chính quyền Đảng Dân Tiến (DPP) của bà Thái Anh Văn đã gây ra căng thẳng cho quan hệ hai bên bờ eo biển, gây nguy hại cho hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan, bóp nghẹt không gian thống nhất hòa bình, là “trở ngại cần phải loại bỏ trong tiến trình thống nhất hòa bình”.

Quân đội Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật gây áp lực với Đài Loan sau chuyến thăm của bà Pelosi (Ảnh: Xinhua).

Quân đội Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật gây áp lực với Đài Loan sau chuyến thăm của bà Pelosi (Ảnh: Xinhua).

Sách Trắng cũng chỉ trích các thế lực bên ngoài dung túng và cổ vũ cho "sự khiêu khích gây chuyện" của các lực lượng ly khai Đài Loan độc lập, làm trầm trọng thêm tình trạng đối đầu và căng thẳng hai bên eo biển, phá hoại hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã trả lời rằng Trung Quốc bỏ qua thực tế ở hai bờ eo biển và đưa ra Sách Trắng viển vông, nhắc lại “một nước hai chế độ” và không từ bỏ việc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan; mục đích là đe dọa vũ lực đối với Đài Loan và “chìa tay cho thiểu số rất ít đảng phái và cá nhân Đài Loan sợ hãi Trung Quốc, muốn thỏa hiệp với Trung Quốc.”

Quân đội Trung Quốc ngày 10/8 cho biết các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan "đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ khác nhau", nhưng sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động huấn luyện chuẩn bị chiến tranh, đồng thời định kì tổ chức các cuộc tuần tra sẵn sàng chiến đấu.

Máy bay của Không quân Trung Quốc tiếp cận vùng trời Đài Loan, trên máy bay có thể nhìn rất rõ dãy núi ở miền Trung Đài Loan (Ảnh: Xinhua).

Máy bay của Không quân Trung Quốc tiếp cận vùng trời Đài Loan, trên máy bay có thể nhìn rất rõ dãy núi ở miền Trung Đài Loan (Ảnh: Xinhua).

Học giả: Trung Quốc đặt ngưỡng cao cho thống nhất bằng vũ lực

Ông Wen-Ti Song, một giảng viên tại Học viện Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Australia, đã viết tweet và phân tích, cho rằng Sách Trắng đặt ra ngưỡng cao cho việc thống nhất bằng vũ lực và nói đó là biện pháp cuối cùng. Ông lưu ý rằng lần này phía Trung Quốc đã trực tiếp chỉ trích đích danh DPP, phản ánh mong muốn của Bắc Kinh gây áp lực tối đa lên DPP trong thời gian dài.

Sách Trắng nhắc lại "sự thật lịch sử và pháp lý" rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc từ thời cổ đại là điều không thể nghi ngờ và địa vị của nó không thể thay đổi; Đài Loan không có cơ sở hoặc quyền lợi tham gia vào Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế mà ở đó chỉ có các quốc gia có chủ quyền tham gia. Việc thực hiện thống nhất hoàn toàn được quyết định bởi "lịch sử và văn hóa" của dân tộc Trung Hoa và "thời điểm và xu thế phục hưng vĩ đại", sẽ tạo ra cơ hội to lớn cho sự phát triển kinh tế của Đài Loan.

Ông Wen-Ti Song cho rằng Sách Trắng này thể hiện tin tưởng vào sự thống nhất, nhưng vẫn nhấn mạnh rằng nó sẽ tạo ra không gian cho các lựa chọn hòa bình. So với bài phát biểu của ông Tập Cận Bình với dân chúng Đài Loan vào ngày 1/9/2019, lần này phía Trung Quốc nói ít hơn về việc cung cấp các ưu đãi kinh tế cho Đài Loan mà nói nhiều hơn về việc tích hợp Đài Loan vào thể chế kinh tế của Trung Quốc.

Tàu chiến Trung Quốc tham gia tập trận vào rất gần bờ biển Đài Loan (Ảnh: Xinhua).

Tàu chiến Trung Quốc tham gia tập trận vào rất gần bờ biển Đài Loan (Ảnh: Xinhua).

Cùng ngày với việc ban hành sách trắng về Đài Loan, Trung Quốc tuyên bố hành động quân sự chung trên vùng biển và vùng trời xung quanh Đài Loan đã "hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ". Đại tá Thi Nghị, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Chiến khu Miền Đông PLA, cho biết, "Bộ Tư lệnh Chiến khu Miền Đông gần đây đã tổ chức một loạt hành động quân sự chung của nhiều quân, binh chủng trên vùng biển và vùng trời xung quanh đảo Đài Loan, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ khác nhau và kiểm nghiệm hiệu quả năng lực tác chiến tổng hợp của quân đội. Chúng tôi sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình ở eo biển Đài Loan, tiếp tục triển khai công tác huấn luyện chuẩn bị chiến tranh, thường xuyên tổ chức tuần tra sẵn sàng chiến đấu ở eo biển Đài Loan, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.”

Dân chúng Trung Quốc theo dõi cuộc tập trận phong tỏa Đài Loan của PLA qua truyền hình (Ảnh: Reuters).

Dân chúng Trung Quốc theo dõi cuộc tập trận phong tỏa Đài Loan của PLA qua truyền hình (Ảnh: Reuters).

Đoàn đại biểu Quốc Dân Đảng Đài Loan đi thăm Trung Quốc

Cùng ngày (10/8), Ông Hạ Lập Ngôn (Xia Liyan), Phó Chủ tịch Quốc Dân Đảng Đài Loan, đã dẫn đầu phái đoàn đến thăm Hạ Môn, Thượng Hải, Hàng Châu ở Trung Quốc. Tại đây ông sẽ gặp gỡ các doanh nhân Đài Loan và người Đài Loan sống ở địa phương. Ông cho biết mục đích của chuyến đi này là để thăm hỏi và tìm hiểu những khó khăn của người Đài Loan ở Trung Quốc đại lục; không có sự sắp đặt Chính trị nào, nhưng nếu các quan chức địa phương nêu ý kiến, ông sẽ “tùy theo ý chủ nhà.”

Bà Thái Anh Văn đã chỉ trích Quốc Dân Đảng vào thời điểm này “vẫn khăng khăng đến Trung Quốc bất chấp sự khuyên can, ngăn cản của của Ủy ban Đại Lục”, “khiến nhân dân thất vọng và gửi đi một thông điệp sai lệch đến cộng đồng quốc tế”.

Theo Deutsche Welle