Rút ngắn chương trình đào tạo đại học không thể là học dồn

VietTimes -- Bước vào năm học 2017 - 2018, nhiều trường đại học ở Việt Nam đã thực hiện việc rút ngắn thời gian đào tạo từ 4 năm xuống còn 3 - 3,5 năm với sinh viên. Cách làm mà các trường tiến hành là tăng thời lượng đào tạo trên giảng đường khiến sinh viên phải học cả 2 buổi thay vì 1 buổi như trước đây. Liệu cách làm này có là phù hợp với thời đại CNTT?
Rút ngắn chương trình đào tạo không phải là buộc sinh viên tăng cường học dồn. Ảnh: Dân Trí
Rút ngắn chương trình đào tạo không phải là buộc sinh viên tăng cường học dồn. Ảnh: Dân Trí

Theo một sinh viên ở Khoa Ngôn ngữ học, Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Hà Nội, bắt đầu từ năm học này, em đã đăng ký học thêm các học trình khác và đương nhiên phải đóng tăng học phí để sớm tốt nghiệp. Và mặc dù ngôn ngữ học là ngành học rất cần tới CNTT song chương trình học lại có rất ít ỏi các học trình về CNTT để có thể đăng ký tham gia. Vì thế, mặc dù rất muốn có những trải nghiệm thực tế ở các doanh nghiệp CNTT đã đầu tư nghiên cứu về ngôn ngữ nhưng em không thể giành được thời gian.

Tương tự, một sinh viên khác ở Khoa Ngữ văn – Báo chí của Đại học Văn hóa Hà Nội cũng cho biết là tuyệt đại đa số sinh viên trong lớp đã đăng ký học thêm các học trình của các học kỳ tiếp theo nên cũng không còn thời gian tìm hiểu thực tế để viết bài mặc dù đã được các đàn anh, đàn chị trong nghề báo sẵn sàng đỡ đầu.

Qua thực tế nói trên, có thể nói là tình trạng chung của các đại học là đã buộc sinh viên phải học dồn thay vì cải tiến cách dạy và học để rút ngắn thời gian đào tạo. Trong khi đó, rất nhiều bậc thầy vẫn thường nói rằng giáo dục đại học là biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Không còn thời gian trải nghiệm thực tế, liệu có tấm bằng đại học trong tay với thời gian được rút ngắn, các sinh viên có thích ứng ngay được với các công việc mà học có thể làm sau này?

Về thực tế này, TS Quách Tuấn Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục CNTT Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thay vì bắt sinh viên phải học dồn, các trường cần chủ động yêu cầu các giảng viên xây dựng bài giảng điện tử và đưa các giáo trình đó lên mạng. Khi đó, thay vì phải lên lớp điểm danh, sinh viên sẽ phải tự nghiên cứu các môn học đó với giáo trình đã được đưa lên mạng. Tất nhiên, vẫn cần một số giờ lên lớp nhất định song chỉ là để giảng viên bổ trợ thêm kiến thức mà với phương pháp tự học thì sinh viên chưa nắm được đủ các kiến thức cần thiết.

Cũng cần nói thêm là vào dịp đầu năm học 2017 – 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo với ngành học CNTT là phải có cỡ một phần ba thời gian học là trải nghiệm ở các doanh nghiệp trong ngành. Với các ngành học khác, tương lai cũng sẽ phải như vậy vì phải có trải nghiệm thực tiễn thì sinh viên mới có thể thích nghi với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp. Do đó việc các trường tiến hành rút ngắn thời gian học cho sinh viên bằng cách tổ chức học dồn là hoàn toàn không phù hợp với thời đại của CNTT, thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0.