Rò rỉ hình ảnh về đối đầu căng thẳng trên biên giới Trung Quốc - Ấn Độ

VietTimes – Trung Quốc và Ấn Độ gần đây liên tục xung đột ở khu vực biên giới. Theo các cơ quan truyền thông Ấn Độ, PLA đã đưa hơn 5.000 binh sĩ đến khu vực biên giới Ladakh và số lượng binh sĩ Ấn Độ đồn trú cũng không kém hơn. Hình ảnh về các cuộc đối đầu căng thẳng đã bị rò rỉ trên các cơ quan truyền thông.
Binh sĩ Ấn Độ căng biểu ngữ "Đây là lãnh thổ Ấn Độ.Theo hiệp định hai bên đã ký, yêu cầu Trung Quốc rút đi" (Ảnh: Dongfang)
Binh sĩ Ấn Độ căng biểu ngữ "Đây là lãnh thổ Ấn Độ.Theo hiệp định hai bên đã ký, yêu cầu Trung Quốc rút đi" (Ảnh: Dongfang)

Trang tin Dongfang của Hồng Kông ngày 26/5 nói, Trung Quốc và Ấn Độ đã xảy ra đụng độ tại nhiều điểm trên khu vực biên giới hồi đầu tháng này. Phía Trung Quốc tuyên bố quân đội Ấn Độ đã vượt qua đường kiểm soát thực tế ở Ladakh và di chuyển dọc theo con đường dọc theo hồ do phía Trung Quốc xây dựng vào phần lãnh thổ Trung Quốc kiểm soát, khiến Trung Quốc phải tiến hành xua đuổi. Tuy nhiên, phía Ấn Độ đã bác bỏ và nói chính quân đội Trung Quốc đã cản trở các hoạt động tuần tra của người Ấn Độ ở trong lãnh thổ của họ.

Ngoài một sư đoàn bộ binh Ấn Độ đóng quân gần tuyến kiểm soát thực tế, một đơn vị tàu thuộc một sư đoàn của Phân quân khu Ali trực thuộc Quân khu Tây Tạng, PLA (thường được Trung Quốc gọi là “Hạm đội Biển Tây”), cũng đã được đưa tới hoạt động trên hồ Bangong. Trong các hình ảnh về đối đầu gần đây giữa các lực lượng vũ trang Trung Quốc và Ấn Độ được rò rỉ, có thể thấy một hàng tàu chiến của PLA xếp hàng hồ đợi lệnh; trong khi quân đội Ấn Độ trưng các biểu ngữ cảnh báo yêu cầu PLA tuân thủ thỏa thuận và rút quân khỏi lãnh thổ Ấn Độ.

Quân đội Ấn Độ (phải) ngăn cản lính Trung Quốc (bên trái) vào khu vực Ấn Độ cho là lãnh thổ của mình (Ảnh: Dongfang)
Quân đội Ấn Độ (phải) ngăn cản lính Trung Quốc (bên trái) vào khu vực Ấn Độ cho là lãnh thổ của mình (Ảnh: Dongfang)

Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ (còn gọi là Tư lệnh Lục quân) Manaj Mukund Naravane trước đó cho biết, sau khi thị sát tình hình ở biên giới, ông đã ra lệnh điều động một số đơn vị bộ binh tới phía đông Ladakh để tiếp viện. Vào thời điểm đó, tin tức đã lan truyền cho rằng lực lượng PLA được đưa tới còn lớn hơn. Lực lượng này chắc chắn phải do các quan chức chỉ huy cao cấp ở Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Tây Trung Quốc chịu trách nhiệm triển khai.

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 26/5 cũng đăng bài nói, Trung Quốc và Ấn Độ gần đây đã đối đầu nhau tại nhiều khu vực tranh chấp, hoặc gây ra xung đột địa chính trị nghiêm trọng. Các cơ quan truyền thông Ấn Độ nói, các bên liên quan ở hai nước đang đàm phán, nhưng do lập trường cứng nhắc của phía Trung Quốc nên cuộc đàm phán đã không thực sự đạt được tiến triển.

Theo Google Map, khu vực Naku La (chấm đỏ) xảy ra đụng độ hôm 9/5 nằm trong lãnh thổ Ấn Độ (Ảnh: newtalk)
Theo Google Map, khu vực Naku La (chấm đỏ) xảy ra đụng độ hôm 9/5 nằm trong lãnh thổ Ấn Độ (Ảnh: newtalk)

Theo cơ quan truyền thông Ấn Độ, The Independent ngày 25/5 trích dẫn các nguồn tin, quân đội Ấn Độ và PLA Trung Quốc đã tiến hành 5 vòng đàm phán để giải quyết cuộc đối đầu giữa hai bên tại khu vực phía đông Ladakh ở biên giới giữa hai nước. Vòng đàm phán mới nhất được tổ chức hôm 24/5, nhưng cho đến nay vẫn không không có tiến triển mang tính đột phá nào được thực hiện.

Nguồn tin chỉ ra rằng kể từ ngày 5/5/2020 đến nay, lực lượng vũ trang hai bên đã đụng độ nhiều lần. Trong phạm vi của tuyến kiểm soát thực tế (LAC), hai bên đã triển khai hơn 1.000 binh sĩ và tăng viện thêm quân tại nhiều khu vực.

Tờ The Times of India ngày 25/5 đưa tin, quân đội Trung Quốc hiện đang triển khai hơn 5.000 binh sĩ trên tuyến kiểm soát thực tế ở khu vực Ladakh; sau đó phía Ấn Độ cũng đưa thêm binh lực đến để đối phó.

Theo bản đồ do phía Trung Quốc vẽ,hồ Bangong nằm trong lãnh thổ Trung Quốc (Ảnh: Dongfang)
Theo bản đồ do phía Trung Quốc vẽ,hồ Bangong nằm trong lãnh thổ Trung Quốc (Ảnh: Dongfang)

Theo các nguồn tin quân sự Ấn Độ, Ấn Độ đã tăng cường triển khai lực lượng quân sự tại khu vực hồ Bangong và thung lũng Gallewan để đáp trả việc bố trí 2.000 binh sĩ của Trung Quốc và tăng cường cơ sở hạ tầng tạm thời. The Independent cũng chỉ ra rằng sau cuộc đối đầu giữa hai đội quân trên bờ hồ Bangong vào ngày 5/5, Trung Quốc đã huy động các phương tiện hạng nặng vào trong lãnh thổ Ấn Độ và thành lập một lực lượng khổng lồ cách không xa địa điểm xảy ra đối đầu.

Vào ngày 22/5, Tổng Tham mưu trưởng (Tư lệnh) Lục quân Ấn Độ Manoj Mukund Naravane đã đến thăm Bộ Tư lệnh Quân đoàn 14 ở Ladakh và kiểm tra các đơn vị quân đội bố trí giữa tuyến kiểm soát thực tế của Ấn Độ và Trung Quốc.

Nguồn tin nhấn mạnh rằng theo đánh giá tại chỗ hiện tại của phía Ấn Độ, cách quân đội Trung Quốc tăng quân trong khu vực này trong thời gian ngắn đã khiến Ấn Độ ngạc nhiên.

Trên thực địa, hồ Bangong hiện là khu vực hai bên cùng kiểm soát, đang có tranh chấp (Ảnh: Dongfang)
Trên thực địa, hồ Bangong hiện là khu vực hai bên cùng kiểm soát, đang có tranh chấp (Ảnh: Dongfang)

Cũng theo Đa Chiều, liên quan đến cuộc đối đầu biên giới Trung-Ấn, Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 21/5: “Lập trường của Trung Quốc về vấn đề biên giới Trung-Ấn là nhất quán và rõ ràng. Lực lượng phòng thủ biên giới Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh lãnh thổ quốc gia, kiên quyết đáp trả các hoạt động xâm phạm biên giới của Ấn Độ, kiên quyết duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới Trung Quốc và Ấn Độ”.