REX-1 - Sát thủ của máy bay không người lái

VietTimes -- Các kỹ sư thiết kế điện tử Nga chế tạo một khẩu súng điện từ REX-1 có khả năng tạo ra một lớp nhiễu dày đặc bao bọc, chế áp hoàn toàn các kênh thông tin liên lạc, điều khiển, định vị của máy bay không người lái, buộc các phương tiện bay này phải hạ cánh, bị thu giữ hoặc tự phá hủy.
Súng điện từ hạ UAV của công ty ZALA AERO GROUP thuộc tập đoàn Kalashnikov. Ảnh minh họa: Russian Gazeta.
Súng điện từ hạ UAV của công ty ZALA AERO GROUP thuộc tập đoàn Kalashnikov. Ảnh minh họa: Russian Gazeta.

Tổ hợp vũ khí tác chiến điện tử này được giới thiệu tại triển lãm Triển lãm Quốc tế lần thứ XII “Interpolitech-2018” Moscow và gây được sự chú ý đặc biệt của các nhà khoa học.

Cuộc chiến tranh trên lãnh thổ Syria và Iraq cho thấy, những UAV vũ trang hoặc thương mại thông thường có thể trở thành mối đe dọa lớn cho quân đội các quốc gia và các khu dân cư.

Các tay súng khủng bố sử dụng drone các loại thực hiện nhiều hành động khác nhau, bắt đầu từ việc trinh sát đối tượng, mục tiêu, khu dân cư để thu thập thông tin tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ vào khu dân cư, trận địa phòng ngự và các tuyến đường giao thông huyết mạch, các hệ thống thông tin liên lạc và các hệ thống chuyển tải điện năng.

Các UAV cũng được sử dụng để điều chỉnh hỏa lực của pháo – súng cối - tên lửa tự chế hoặc thông thường, thực hiện các cuộc tấn công khủng bố hỏa lực, gây tổn thất, thương vong cho dân thường và các quân nhân.

Một trong các nhóm khai thác sử dụng các drone thương mại là IS, biến các UAV 4 cánh quạt thương mại quadcopter thành các máy bay ném bom loại nhỏ. Các drone vũ trang này có thể ném các loại vũ khí nổ tự chế loại nhỏ nhằm vào dân thường, xe cơ giới bao gồm cả bọc thép, tấn công vào các địa điểm tập trung binh lực. Các đầu đạn có thể có sức nổ tương đương với đạn RPG hoặc mìn chống bộ binh, gây tổn thất và thương vong đáng kể. Hiện nay chưa có hiện tượng đáng tiếc xảy ra. Nhưng các loại UAV thương mại này cũng có thể được sử dụng như một phương tiện mang vũ khí hủy diệt hàng loạt (sinh học, hóa học).

Trên chiến trường Iraq, những chiếc drone liều lĩnh tấn công cả xe tăng Abrams, tập kích phá hủy các xe bọc thép "Hummers". Trên chiến trường Syria, một vụ tấn công bằng bom máy bay không người lái đã phá hủy hoàn toàn một kho vũ khí, được triển khai trong sân vận động thành phố Deir Ezzor.

Quân đội Ukraine cũng thường xuyên sử dụng máy bay không người lái để tấn công, ném bom mini các loại và chiến tuyến của dân quân vùng Donbass.

Chống lại các mối đe dọa là những đòi hỏi cấp thiết trong cuộc chiến tranh chống xâm lược, bạo loạn và khủng bố hiện nay. Để đánh chặn và vô hiệu hóa các drone, công ty ZALA AERO GROUP thuộc tập đoàn Kalashnikov đã phát triển thành công súng điện tử Rex-1.

Theo báo Rostec, những thử nghiệm vũ khí bắt đầu từ năm 2018. Nếu thử nghiệm tốt đẹp, công ty sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt. Các lực lượng vũ trang Nga đã sẵn sàng đặt mua với số lượng lớn để vô hiệu hóa UAV các loại.

Trong súng Rex-1 lắp đặt một bộ khí tài chế áp điện tử, có khả năng ngăn chặn tín hiệu của các hệ thống dẫn đường trên khoảng cách đến 5km, gây nhiễu tín hiệu liên lạc di động điều khiển trên khoảng cách 1km và gây nhiễu tín hiệu radio trên tần số 900 MHz, 2,4, 5,2–5,8 GHz. Sau khi bấm cò súng Rex-1 hướng về drone, chiếc UAV sẽ mất liên lạc và buộc phải hạ cánh.

Ngoài bộ khí tài điện tử, trên súng lắp một kính ngắm chuẩn trực, một ống nghe, và một thiết bị chụp ảnh, quay video. Trong điều kiện cần thiết, có thể lắp đặt kính ngắm, thiết bị chiếu sáng và chỉ thị mục tiêu laser. Súng Rex-1 nặng hơn 4 kg, hoạt động liên tiếp ba giờ không cần sạc pin trong khoảng nhiệt độ từ -40 đến 50oC.

Ngoài ra, súng có thể gây nhiễu cho các phương tiện bay thấp như trực thăng hoặc vô hiệu hóa các phương tiện kích nổ radio. Súng được sử dụng trong các đơn vị chiến đấu, các xe thiết giáp. Rex-1 có thể được sử dụng để bảo vệ các mục tiêu quan trọng, tiến hành các hoạt động chống khủng bố và bắt giữ các đối tượng tội phạm nguy hiểm.

Súng điện từ REX-1 săn hạ máy bay không người lái của tập đoàn Kalashnikov. Video: Sputnik.