REE định giá Cấp nước Khánh Hòa (KHW) gần 710 tỷ đồng, muốn nâng tỷ lệ sở hữu lên 45,85%

VietTimes -- Với mức giá chào mua lên tới 27.300 đồng/cổ phiếu, REE dự kiến sẽ chi ra 149 tỷ đồng nhằm nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cấp thoát nước Khánh Hòa từ 24,85% lên mức 45,85% vốn điều lệ.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Hội đồng quản trị CTCP Cơ Điện Lạnh (Mã CK: REE) vừa thông qua kế hoạch sử dụng nguồn vốn tự có để chào mua công khai cổ phiếu KHW của CTCP Cấp thoát nước Khánh Hòa nhằm nâng tỷ lệ sở hữu từ 24,85% lên mức 45,85%.

Theo đó, REE dự kiến sẽ thực hiện mua vào 5.460.000 cổ phiếu KHW, tương đương với 21% vốn điều lệ của Cấp thoát nước Khánh Hòa. Thời gian thực hiện dự kiến sẽ kéo dài tới hết Quý 3/2019.

Với mức giá chào mua công khai là 27.300 đồng/cổ phiếu, REE dự kiến sẽ chi ra số tiền lên tới 149 tỷ đồng để thực hiện thương vụ này. Bên cạnh đó, mức giá chào mua cũng cho thấy REE đang định giá KHW ở mức 709,8 tỷ đồng, cao hơn 2,5 lần so với quy mô tài sản ròng của công ty này.

Mặt khác, REE đang “ra giá” cao gấp 1,7 lần mức giá cổ phiếu KHW đang giao dịch trên thị trường (theo mức giá đóng cửa ngày 17/5/2019) là 16.000 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, mức giá chào mua này sẽ giảm tương ứng sau ngày “không hưởng quyền” khi KHW công bố chốt ngày đăng ký cuối cùng để chi trả cổ tức năm 2018.

Về phía KHW, tính đến ngày 31/12/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn là cổ đông lớn nhất và nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 51% vốn điều lệ; tiếp đến là REE với tỷ lệ sở hữu 15,62% (đã nâng lên mức 24,85% vào đầu năm 2019), cá nhân ông Hoàng Ngọc Hiếu (9,23%), Quỹ đầu tư cơ hội PVI (5,52%) và CTCP Sản xuất kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội (3,48% vốn).

Kết quả kinh doanh của CTCP Cấp nước Khánh Hòa giai đoạn 2014 - 2018 (Nguồn: KHW)
Kết quả kinh doanh của CTCP Cấp nước Khánh Hòa giai đoạn 2014 - 2018 (Nguồn: KHW)

Trong giai đoạn 2014 - 2018, KHW liên tục ghi nhận sự tăng trưởng tốt về doanh thu và lợi nhuận, tỷ lệ thất thoát nước giảm mạnh. Năm 2018, công ty này ghi nhận tổng doanh thu đạt 357,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt tới 35,3 tỷ đồng (tương ứng với biên lợi nhuận đạt 9,87%).

Được biết, việc mở rộng sang lĩnh vực nước sạch đã được REE kiên trì thực hiện trong nhiều năm nay.

Theo Báo cáo thường niên năm 2018, REE hiện đang sở hữu công suất phát nước 450.000m3/ngày tại 3 nhà máy nước tại Tp. HCM và 1 nhà máy nước tại Hà Nội. Công suất phát nước có thể tăng thêm theo quy hoạch cấp nước của thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nước sạch tăng cao trong tương lai.

Bên cạnh đó, REE cũng đầu tư sở hữu một số công ty phân phối nước sạch tại Tp. HCM như Thủ Đức, Nhà Bè và Gia Định với nỗ lực giảm thất thoát nước và mở rộng mạng lưới cấp nước.

Ngoài Tp. HCM và Hà Nội, REE cũng đầu tư vào tỉnh Khánh Hòa thông qua việc nắm giữ cổ phần của KHW. 

Đóng góp của lĩnh vực nước trong cơ cấu lợi nhuận của REE (Nguồn: BCTN 2018)
Đóng góp của lĩnh vực nước trong cơ cấu lợi nhuận của REE (Nguồn: BCTN 2018)

Năm 2018, danh mục đầu tư ngành nước của REE ghi nhận Lợi nhuận sau thuế 154 tỷ VND, tăng 63,2% so với năm 2017 do ghi nhận lợi nhuận từ việc đầu tư vào Nhà máy nước Sông Đà (VCW) và các Nhà máy nước Thủ Đức III (SWIC) và Tân Hiệp II (TH2W) tiếp tục nâng sản lượng phát nước để đạt và duy trì sản xuất ở mức công suất phát nước thiết kế.

Cũng tong báo cáo, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Mai Thanh khẳng định REE sẽ tiếp tục theo đuổi các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực này./.