Ra tay ở Syria, Israel lộ “lằn ranh đỏ”

VietTimes -- Bạn sốc vì Israel và Iran, hai kẻ thù không đội trời chung ở Trung Đông, sẽ tiếp tục chỉ trích và thử thách ranh giới đỏ của nhau? Không nên sốc. Cách mọi chuyện diễn ra ở Syria, cho thấy đây chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi hai nước này trực tiếp giao chiến với nhau, National Interest nhận định.
Tiêm kích F-16 của không quân Israel. Ảnh: National Interest
Tiêm kích F-16 của không quân Israel. Ảnh: National Interest

Trong chuyến thăm biên giới Israel-Syria ở cao nguyên Golan ngày 6/2, sau khi bày tỏ sự cảm thông với các sĩ quan quân đội Israel đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới và kiểm tra trang thiết bị, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thông qua báo chí gửi đi lời cảnh cáo nghiêm khắc tới Iran, chính quyền Assad, Hezbollah, IS hay bất kỳ thế lực nào khác trên chiến trường Syria đang cố gắng thách thức nhà nước Do Thái.

Ông Netanyahu khẳng định Israel mong muốn hòa bình cho tất cả người dân trong khu vực. Nhưng nếu ai đó dám tấn công Israel dưới bất cứ hình thức nào, thì nên biết "chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào xảy ra, và tôi không khuyến cáo bất cứ ai thử thách chúng tôi".

Rõ ràng người Iran không hiểu được thông điệp này. Hoặc có lẽ họ chỉ mặc kệ và cho rằng Netanyahu sẽ không mạo hiểm châm ngòi một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn thông qua hành động trả đũa mạnh mẽ như vậy. Nhưng ngay sau đó, thực tế đã chứng minh lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã sai, và họ đã nhận được một bài học đắt giá.

Ra tay ở Syria, Israel lộ “lằn ranh đỏ” ảnh 1Xác chiếc F-16 bị bắn rơi. Ảnh: kuruc.info

Sau khi một máy bay không người lái của Iran xâm nhập không phận của Israel vào khoảng 4 giờ 30 sáng ngày 10/2, nó đã bị một trực thăng tấn công của Israel bắn rơi. Nhưng Israel chưa dừng tại đó; 8 chiến đấu cơ của nước này đã cất cánh và tiến vào không phận Syria, oanh tạc một căn cứ quân sự của Syria, nơi bị cho là đã điều khiển máy bay không người lái xâm nhập Israel.

Hệ thống phòng không của Syria đã bắn rơi một trong những chiếc máy bay này. Đây là lần đầu tiên kể từ những năm 1980 một máy bay chiến đấu của Israel bị hỏa lực của kẻ thù bắn hạ. May mắn là các phi công của Israel đã thoát khỏi máy bay, miễn cho chính phủ Netanyahu phải tổ chức tang lễ cấp nhà nước cho các quân nhân. Tuy nhiên, việc không bị tổn thất về người cũng không ngăn cản được Israel tiếp tục thực hiện hành động trả đũa. Vào cuối ngày hôm đó, hàng chục địa điểm tại Syria, trong đó có 4 mục tiêu Iran, đã bị tấn công.

Bạn sốc vì Israel và Iran, hai kẻ thù không đội trời chung ở Trung Đông, sẽ tiếp tục chỉ trích và thử thách ranh giới đỏ của nhau? Bạn không nên sốc. Cách mọi chuyện diễn ra ở Syria, cho thấy đây chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi hai nước này trực tiếp giao chiến với nhau.

Suốt cuộc nội chiến 7 năm qua ở Syria, ông Netanyahu đã nhắc nhở bất cứ ai xem truyền hình rằng Israel sẽ không sợ hãi khi đối diện với mối nguy hiểm phát sinh từ xung đột ở Syria. Chính sách của Netanyahu không phải là một thứ vô lý. Sự vô lý xảy ra sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng và mạnh mẽ.

Nếu súng cối bắn nhầm vào cao nguyên Golan, Israel sẽ đáp lại bằng một đợt pháo kích. Nếu tình báo của Israel phát hiện một chuyến hàng gồm các tên lửa phòng không SA-17 được một đoàn xe vận chuyển cho Hezbollah, Không quân Israel sẽ truy tìm và phá hủy đoàn xe. Nếu chế độ Assad bị phát hiện đang sản xuất đạn hóa học, nhà máy sản xuất sẽ bị ném bom. Và trong trường hợp người Iran xây dựng một căn cứ quân sự ở phía tây nam Damascus, các phi công của Israel sẽ được lệnh phá hủy cơ sở này, hoặc chí ít là khiến nơi này bị thiệt hại nặng nề.

Ra tay ở Syria, Israel lộ “lằn ranh đỏ” ảnh 2Chiến đấu cơ F-16 của Israel. Ảnh: National Interest

Các nhân vật quyền lực của Syria không giống như thể không lường trước được chuyện này. Các biện pháp trả đũa của Israel ở Syria chắc chắn có mức độ lớn hơn so với các hành động trước đây. Đây không phải là đang nói về việc đánh bom vào một mục tiêu nhỏ giống như một đoàn xe không được bảo vệ của Hezbollah di chuyển từ điểm A đến điểm B. Thay vào đó, người ta đang nói đến các mục tiêu, bao gồm tấn công một loạt các vị trí có hệ thống phòng không, như căn cứ quân sự T- 4 gần thành phố Palmyra của Syria. Song dù cho chuyên nghiệp và tài năng như không quân Israel (quả thật họ giỏi nhất khu vực), chiến dịch này cũng không dễ thực hiện. Nếu mà dễ thì Israel đã không thiệt hại một chiếc F-16 trên đường quay về căn cứ.

Và dẫu cho phải chịu chi phí và rủi ro, Israel vẫn tiến hành chiến dịch. Khác với Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, Israel không có quyền lợi khi lựa chọn người thắng, kẻ thua trong cuộc nội chiến Syria. Nhưng Israel có được lợi ích an ninh quốc gia quan trọng khi đảm bảo Tehran không thể lợi dụng được quyền lực của họ đối với chế độ Assad để củng cố và sau đó mở rộng sự hiện diện quân sự lâu dài của Iran ở Syria.

Trên thực tế, ngoại trừ việc ngừng vận chuyển vũ khí tối tân vào kho vũ khí của Hezbollah, cản trở kế hoạch của Iran là lợi ích an ninh quốc gia duy nhất mà Israel có được tại Syria. Netanyahu đã nhiều lần làm rõ lợi ích này. Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong những lần xuất hiện trước công chúng tại các ban tham mưu ở phương Tây, và thông qua những trung gian có tiếp xúc với Bashar al-Assad, Thủ tướng Israel vẫn giữ kịch bản và nhấn mạnh thông điệp: nếu Tehran cố gắng biến Syria thành một Lebanon nữa, Israel sẽ buộc phải sử dụng lực lượng quân sự để ngăn chặn thảm họa xảy ra.

Ra tay ở Syria, Israel lộ “lằn ranh đỏ” ảnh 3Thủ tướng Israel Netanyahu thăm Cao nguyên Golan. Ảnh: RT

Vào đầu tháng 2, chính phủ Israel đã cụ thể hóa khái niệm này. Các cuộc tấn công ở Syria đã chứng tỏ cho Iran, Assad, Hezbollah và bất cứ phe phái nào chống Israel thấy rằng Israel có những ranh giới đỏ mà Israel sẽ bắt các bên phải tôn trọng.

Là đồng minh quân sự, tình báo và chính trị thân thiết nhất của Israel trong khu vực, Mỹ chắc chắn sẽ đóng một vai trò nào đó. Trong hoàn cảnh hiện nay, cách ứng xử khôn ngoan nhất của Mỹ không phải là tham gia không kích cùng với Israel, mà là giúp đỡ Israel giảm leo thang bạo lực và gây sức ép để tất cả các bên gồm Israel, Iran, Assad và Nga kiềm chế.

Mặc dù có rất ít ảnh hưởng đối với chính quyền Assad và Iran, Washington có thể gửi công hàm đến Matxcơva để ngăn chặn cuộc phản công của Iran hoặc Syria trên lãnh thổ Israel. Có thể ông Putin còn quan tâm đến việc vận động hành lang nhằm giảm leo thang nhiều hơn cả Mỹ, khi mà các binh sĩ Nga đang đóng quân tại một số căn cứ có thể trở thành mục tiêu trong quá trình leo thang. Điều cuối cùng Nga quan tâm là 3 năm đầu tư quân sự ủng hộ Damascus có thể bị hủy hoại bởi các cuộc không kích của Israel.

Trong bối cảnh quan hệ song phương Nga-Mỹ đang rơi vào tình trạng tồi tệ như hiện nay, càng ngày lại càng khó xác định bất kỳ sự tương đồng nào giữa Washington và Moscow. Tuy nhiên, National Interest cho rằng, ngăn chặn một cuộc đối đầu giữa Israel và Iran ở Syria ngay từ trong trứng nước là một mục tiêu mà cả hai nước có thể thực hiện.