Ra mắt buồng khử khuẩn phòng chống dịch bệnh COVID-19

VietTimes – Thông tin từ Thành đoàn TP.HCM cho biết Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (Thành đoàn TP.HCM) phối hợp với Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) vừa ra mắt buồng khử khuẩn nhằm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng.
Ra mắt buồng khử khuẩn toàn thân tại TP.HCM (Ảnh: Thành đoàn TP.HCM)
Ra mắt buồng khử khuẩn toàn thân tại TP.HCM (Ảnh: Thành đoàn TP.HCM)

Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Tiến - Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia điều khiển số và kỹ thuật hệ thống, Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) -  cho biết buồng khử khuẩn được thiết kế cho phép khử khuẩn nhanh trong vòng 30 giây/người.

Thiết kế gồm cảm biến phát hiện người và tự động phun; có đèn tín hiệu, hệ thống phun siêu âm 360 độ không gây ướt và giúp khử khuẩn toàn bộ cơ thể với dung dịch khử khuẩn anloyte đã được pha chế và kiểm định yếu tố an toàn khi sử dụng.

“Như vậy, sẽ không làm mất quá nhiều thời gian khi mỗi người đi qua buồng khử khuẩn mà vẫn đảm bảo độ phủ cả người, an toàn và có khả năng phục vụ liên tục số lượng người đông hay ở quy mô lớn,” PGS.TS Nguyễn Tấn Tiến khẳng định.

Ông Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ phát biểu tại buổi ra mắt
Ông Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ phát biểu tại buổi ra mắt


Trước thắc mắc về những điểm khác nhau so với buồng khử khuẩn toàn thân đã được Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, phối hợp với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sáng chế và công bố mới đây, ông Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ khẳng định:

“Hai buồng khử khuẩn này có khác nhau, đặc biệt là ở công nghệ phun sương. Sản phẩm của TP.HCM là phun sương siêu âm và tuần hoàn cho toàn bộ cả buồng từ dưới lên trên. Còn sản phẩm mà các bạn ở Hà Nội sáng chế thì đặt một cái ống để đưa lượng sương ra rồi đi lên, và buồng phun sương lại đặt trong buồng của người đứng, nên để phun sương được hết toàn thân thì người đứng phải xoay một vòng, vì hệ thống đó chỉ phun được một hướng. Còn công nghệ phun sương của tụi mình được bố trí phun từ chân lên tới đầu, từ trái qua phải cho nên cùng lúc phun phủ hết được cả cơ thể”.

Trước sự quan tâm của công chúng về việc giá thành của một buồng khử khuẩn khoảng bao nhiêu, ông Thành cho biết giá sẽ khoảng 30 triệu đồng/buồng, đã bao gồm cả chi phí lắp đặt với các địa điểm ở nội thành.

Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ cho biết hiện dung dịch Anolyte đang được trung tâm sản xuất và phát miễn phí cho các cơ sở Đoàn và các trường đại học, cao đẳng, học viện cũng như hệ thống các trường phổ thông, trung học, tiểu học, mầm non; các khu dân cư bị cách ly trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Sau gần 1 tháng triển khai tổng cộng chương trình Trí thức Khoa học Trẻ tình nguyện tính đến ngày 17/3/2020 đã phát miễn phí 30.339 lít dung dịch Anolyte cho 724 đơn vị.