“Quyết đấu” với Uber và Grab, Mai Linh công bố mức cước “xe ôm công nghệ“

VietTimes -- Mai Linh Hà Nội thông báo triển khai dịch vụ xe ôm công nghệ M.Bike với mức giá cước được áp dụng là 11.000 đồng cho 2 km đầu, thêm 3.800 đồng/km tiếp theo. Mai Linh cũng sẽ đồng thời triển khai xe ôm hạng sang M.Bike Premium với giá cước gấp đôi M.Bike thông thường.
Mức giá M.Bike không quá chênh lệch khi so sánh với uberMOTO và GrabBike. Ảnh minh hoạ: Uber.
Mức giá M.Bike không quá chênh lệch khi so sánh với uberMOTO và GrabBike. Ảnh minh hoạ: Uber.

Theo Trí thức trẻ, mức giá này được đánh giá là có khả năng cạnh tranh cao với uberMOTO, khi cước phí uberMOTO là 3.700 đồng/km, cước hủy chuyến là 5.000 đồng và mức cước phí tối thiểu 10.000 đồng.

So với dịch vụ GrabBike, khi Grab Hà Nội cũng áp mức cước 11.000 đồng cho 2km đầu tiên và mức giá mỗi chuyến được hệ thống điều chỉnh linh hoạt tuỳ theo tình hình thực tế.

Trong tháng 10 tới đây, Công ty cổ phần Mai Linh Miền Bắc sẽ thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh “Vận tải hành khách bằng xe lam, xe lôi, xe máy”. Như vậy, Mai Linh sẽ hãng taxi đầu tiên cung cấp thêm dịch vụ xe ôm và thị trường được chọn để thực hiện là Hà Nội.

Được biết, công ty cổ phần Mai Linh Miền Bắc là một thành viên của Tập đoàn Mai Linh, quản lý dịch vụ vận tải bằng taxi tại 17 tỉnh thành khu vực phía Bắc.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Mai Linh trong năm 2016 âm gần 84 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 5 năm gần đây.

Trong thông điệp gửi các cổ đông nửa năm trước, ông Hồ Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh đã nhắc đến Uber và Grab như một trong số những nguyên nhân chính khiến 2016 trở thành một năm khó khăn của Mai Linh và các hãng taxi truyền thống.

Người đứng đầu của Mai Linh cho rằng, hoạt động của Uber và Grab tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đã khiến thị trường taxi cạnh tranh khốc liệt, trong đó sự bất bình đẳng về thuế và các điều kiện kinh doanh khác đã gây thiệt hại lớn cho doanh thu của mình cũng như các hãng taxi truyền thống khác.

Trong bối cảnh đó, Mai Linh mới đây đã bất ngờ thông báo lấy ý kiến cổ đông về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh "Vận tải hành khách bằng xe lam, xe lôi, xe máy" và nhanh chóng công bố chuyện lấn sân sang dịch vụ "xe ôm công nghệ".

Trước Mai Linh, Vinasun cũng từng bày tỏ ý muốn mở dịch vụ xe ôm công nghệ để "gỡ bí" trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt sau sự tham gia của Uber và Grab.

Theo hướng thông tin khác, Hiệp hội taxi Hà Nội vừa có đơn kiến nghị gửi Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội… đề nghị dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm các xe hợp đồng điện tử kiểu Grab hay Uber do những bất an gây ra cho xã hội.

Trong đơn kiến nghị, Hiệp hội taxi Hà Nội nêu rõ, với 44.000 xe hoạt động tại Hà Nội và 36.000 chiếc tại TP. HCM, tổng lượng xe taxi và xe hoạt động như taxi dưới hình thức xe hợp đồng điện tử đã vượt xa so với quy hoạch.

Hiệp hội taxi Hà Nội yêu cầu báo cáo các sai phạm của chương trình thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ Giao thông Vận tải ban hành bằng Quyết định 24 ngày 7/1/2016. Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng Quyết định 24 đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sai trái của Uber và Grab.

Do đó, Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị cho dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm trong tháng 9/2017, đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá ngay các hệ lụy của kế hoạch thí điểm được cho là đang gây ra nhiều bất an cho xã hội.

Bộ Giao thông Vận tải phải ban hành ngay văn bản để các địa phương dừng cấp phù hiệu các xe tham gia thí điểm chứ không phải việc dừng mở rộng các doanh nghiệp tham gia thí điểm.