Quyền riêng tư: Một phả hệ tư tưởng. Kỳ 2: Những trào lưu phê phán

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Phương pháp luận phê phán theo kiểu triết học ngôn ngữ đã mang lại những thể nghiệm mới về lý thuyết quyền riêng tư.

Lời tòa soạn: Trong kỳ trước chúng ta đã cùng nhìn lại lịch sử ra đời và các xu hướng thảo luận xung quanh quyền riêng tư cũng như những yếu tố xâm phạm tới quyền riêng tư. Trong đó, lịch sử cuộc thảo luận về quyền riêng tư ở châu Âu gắn với quyền về phẩm giá con người như là tư tưởng “trực hệ”, còn cách hiểu quyền riêng tư như là bảo vệ sự tự do kiểu Mỹ là “chi phái”. Sự trỗi dậy của những trào lưu phê phán từ bên kia đại dương rồi đây sẽ đánh dấu nỗ lực đáng kể của trường phái Mỹ để giành lấy ngôi vị “trực hệ” về tư tưởng quyền riêng tư.

Phim Social Dilemma (Song đề xã hội) đề cập tới việc từng cá nhân tham gia mạng xã hội và bị các công ty công nghệ giám sát, theo dõi, thu thập dữ liệu người dùng.

Phim Social Dilemma (Song đề xã hội) đề cập tới việc từng cá nhân tham gia mạng xã hội và bị các công ty công nghệ giám sát, theo dõi, thu thập dữ liệu người dùng.

Chi phí và lợi ích

Trong kỳ 1, chúng ta đã thấy Westin và Fried đặt viên đá tảng đầu tiên cho các nhà lý thuyết Mỹ về sau: Quyền riêng tư là sự bảo toàn giá trị tự thân, là nỗ lực thường trực nhằm chống lại những thực thể có quyền lực giám sát bằng cách giành quyền kiểm soát những thông tin về mình. Thật ra, cho rằng Westin và Fried là hai người đặt nền tảng đầu tiên cho luật riêng tư ở Mỹ là không chính xác. Trước Westin, GS. William Prosser, cho rằng không có một khái niệm chung nhất về quyền riêng tư, đã đưa ra bốn phương diện của quyền riêng tư trong khoa học pháp lý, tổng hợp từ những vụ án về quyền riêng tư được đưa ra trước tòa án, lần lượt là: sự chiếm dụng thông tin; sự công khai thông tin; việc bóp méo sự thật; sự xâm nhập vào các sản phẩm chứa thông tin đời tư.(1) Cách phân chia này đã để lại những tác động sâu sắc đến diện mạo lý thuyết về quyền riêng tư về sau.

Năm 1977, GS. Richard A. Posner đã công bố bài viết có tựa đề là “Quyền riêng tư” (The Right of Privacy) (2). Bài viết này được biên tập lại và đưa vào quyển Kinh tế học công lý sau này. Bắt đầu từ khẳng định khái niệm “riêng tư” rất mông lung và đã không được định nghĩa một cách đàng hoàng, Posner áp dụng phép phân tích chi phí – lợi ích của kinh tế học vào bốn phương diện của pháp luật về quyền riêng tư mà Prosser đã đưa ra, và đi đến hai kết luận: thứ nhất, mặc cho những tranh cãi thừa thãi về lý thuyết, trên thực tế, khi giải quyết những vụ án liên quan đến quyền riêng tư, tòa án luôn được dẫn lối bởi những cân nhắc về hiệu quả và chi phí – hai phạm trù thường trực của kinh tế học; thứ hai, lập pháp về quyền riêng tư ở Mỹ luôn có xu hướng mở rộng tối đa việc bảo vệ lợi ích riêng tư của cá nhân, và ngó lơ những lợi ích khác trong xã hội, đi ngược với những cân nhắc về mặt kinh tế trong công cuộc lập pháp.

Rất ít ai muốn được để yên một mình. Họ muốn thao túng thế giới xung quanh họ bằng việc tiết lộ có chọn lọc những sự thật về chính họ. Richard A. Posner

Để đi đến kết luận nổi bật trên, Richard A. Posner đã phải tra vấn những tiền đề ngốn giấy mực của nhiều lý thuyết gia đi trước. Trước hết ông khẳng định: “Rất ít ai muốn được để yên một mình. Họ muốn thao túng thế giới xung quanh họ bằng việc tiết lộ có chọn lọc những sự thật về chính họ”. Ông cho rằng không phải người ta muốn được ở riêng, mà là người ta muốn giữ kín những thông tin cá nhân có khả năng gây thất tín cho họ. Những thông tin nào mà khi tiết lộ có thể đem lại lợi ích thì họ sẽ không ngần ngại gì đem tiết lộ chúng. Hãy hình dung những cuộc “tâm sự cùng người lạ” – khi dốc bầu tâm sự với một người hoàn toàn xa lạ, người ta không sợ bị đánh mất uy tín vì người nghe có quen biết gì với họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp của mình đâu!

Cũng một logic như trên, ông khẳng định việc giữ kín những cuộc hội thoại, trao đổi lại là cần thiết, vì việc tiết lộ chúng sẽ tạo nên chi phí xã hội lớn hơn cho cả hai phía tham gia vào đối thoại, đặc biệt khi cuộc đối thoại ấy có quan hệ trực tiếp đến chuyện làm ăn kinh doanh, tạo ra lợi ích kinh tế. Như vậy, cho phép tiết lộ nội dung trao đổi riêng hay không sẽ phụ thuộc vào người trao đổi, nội dung trao đổi, và hoàn cảnh trao đổi.

Sau khi Christian Eriksen bị đột quỵ và được cấp cứu trên sân, để bảo vệ quyền riêng tư cho anh, các cầu thủ Đan Mạch đã lập hàng rào che chắn. Ảnh: AFP.
Sau khi Christian Eriksen bị đột quỵ và được cấp cứu trên sân, để bảo vệ quyền riêng tư cho anh, các cầu thủ Đan Mạch đã lập hàng rào che chắn. Ảnh: AFP.

Ví dụ, trao đổi liên quan đến thông tin khách hàng giữa trưởng phòng và nhân viên rất cần được giữ kín, vì việc tiết lộ nó có khả năng làm thông tin rơi vào tay đối thủ cạnh tranh, gây tổn thất đến doanh thu của doanh nghiệp. Song đoạn trao đổi về tỉ số trận bóng tối qua giữa trưởng phòng và nhân viên thì không cần được bảo vệ vì xã hội sẽ tiêu tốn một khoản chi phí không cần thiết để giữ kín một đoạn đối thoại vô thưởng vô phạt.

Phân tích kinh tế của Posner đã rọi sáng nhiều vấn đề quan trọng để trả lời câu hỏi luật nên bảo vệ quyền riêng tư như thế nào. Mặc dù quan điểm của Posner sau này đã được phản biện là còn phiến diện, quy giản khái niệm quyền riêng tư quá mức nhưng tư tưởng về phân tích chi phí – lợi ích đối với luật bảo vệ quyền riêng tư của ông đã xác lập một chỗ đứng chói lọi trong phả hệ tư tưởng về quyền riêng tư. Nhưng phân tích quyền riêng tư dưới góc độ pháp lý thì vẫn chưa đủ…

Giới hạn của luật pháp

Ba năm sau công trình của Posner, Ruth Gavison, phó giáo sư Luật ở Yale, học trò của H.L.A. Hart, đã công bố bài viết “Riêng tư và những giới hạn của luật pháp” (Privacy and the Limits of Law) trên The Yale Law Journal để phê phán cách tiếp cận mà ông gọi là “chủ nghĩa quy giản.” (3)

Theo Gavison, quyền riêng tư không phải là một sản phẩm quy giản, xơ cứng; nó là một tập hợp những giá trị có khả năng bị tổn thất, và nó là một giá trị không thể bị quy giản hay phân rã thành những giá trị kề cận như danh tiếng, tự do hay tự quyết trong thế giới pháp lý. Thay vì vậy, bản thân khái niệm “sự riêng tư” phải có nội dung, và nội dung này phải là nhất quán khi được xem xét trong ba hoàn cảnh khác nhau: thứ nhất, khái niệm riêng tư phải thật sự trung lập để khi xảy ra tổn thất, mọi người có thể cùng tư duy về nó để có thể thảo luận về nó; thứ hai, sự riêng tư phải có tính nhất quán về giá trị, những mất mát về giá trị gây ra từ hành vi xâm phạm phải được đưa ra trên cùng một bộ lý lẽ như nhau trong mọi tình huống. Thứ ba, sự riêng tư phải là một khái niệm có giá trị trong thế giới pháp lý, vì ta sẽ phải dựa vào khái niệm này để mường tượng ra những trường hợp mà luật sẽ phát huy tác dụng bảo vệ nó. Những “giới hạn của luật pháp”, cụ thể hơn là cách mà thế giới pháp luật định nghĩa quyền riêng tư qua mỗi lần xét xử, giải thích, đã tạo ra một thứ chủ nghĩa quy giản tùy tiện, không quan tâm đến bản chất của quyền riêng tư mà chỉ tìm cách định nghĩa nó qua thực tiễn xét xử.

Tư tưởng về phân tích chi phí – lợi ích đối với luật bảo vệ quyền riêng tư của Posner đã xác lập một chỗ đứng chói lọi trong phả hệ tư tưởng về quyền riêng tư.

Từ những phân tích sâu sắc trên, Gavison đã đi đến kết luận rằng: “Điều làm ta quan tâm về sự riêng tư, theo tôi, có liên quan đến mối bận tâm của ta về khả năng tiếp cận giữa ta và người khác: mức độ mà ta bị người khác biết, mức độ mà người khác tiếp cận được ta về mặt thể chất, và mức độ mà ta trở thành đối tượng của sự chú ý từ người khác”. Theo ông, sự riêng tư là một phạm trù xã hội rộng hơn khái niệm pháp lý, và không thể cho rằng những công cụ pháp luật bảo vệ quyền riêng tư đã đủ phản ánh khái niệm quyền riêng tư là gì. Thực chất, quyền riêng tư đã luôn và sẽ luôn được pháp luật bảo vệ, nhưng ta không nên rút ra định nghĩa về quyền riêng tư từ những kết quả giải thích pháp lý. Định nghĩa pháp lý về quyền riêng tư đã có từ lâu, và nó sẽ luôn đứng trước nguy cơ bất toàn, không phải do điều kiện thực tế thay đổi làm sự riêng tư trở nên mong manh hơn, mà bởi những kì vọng của con người về sự riêng tư đã thay đổi khi công nghệ xâm lấn trở nên thịnh hành hơn.

Mặc dù không đưa ra bất kì khái niệm nào về quyền riêng tư song đóng góp lớn nhất của Gavison là đã xác lập phương pháp luận phân tích phê phán đối với khái niệm quyền riêng tư, và đưa ra tiền đề về “những giới hạn của pháp luật” khi luận giải một vấn đề xã hội học. Sau ông, người ta không còn có thể nhìn quyền riêng tư như một khái niệm “tĩnh” trong luật nữa, mà luôn phải phân tích quyền riêng tư như một phạm trù văn hóa – xã hội học.

Phương pháp luận phê phán theo kiểu triết học ngôn ngữ đã mang lại những thể nghiệm mới về lý thuyết quyền riêng tư. Nó là công cụ đắc lực trong tay các nhà tư tưởng Mỹ: họ đập tan những ảo mộng về quyền riêng tư như một phạm trù luật học vững chắc, như một quyền tự do phổ quát cho mọi người; họ hé mở cánh cửa để nhìn vào cách mà một khái niệm pháp lý “chạy” trong xã hội thực, và chấp nhận thái độ hoài nghi đối với tính nhất thể của khái niệm quyền riêng tư. Trong bối cảnh trào lưu giải-định nghĩa đang được đón nhận mạnh mẽ trong thế giới học thuật, chính những suy tư bước đầu của Gavison sẽ mở đường cho làn sóng lý thuyết thứ tư về quyền riêng tư: quyền riêng tư trong thế giới điện toán.

Nỗi bất an của người số

Những năm cuối thế kỉ XX đánh dấu sự phổ cập rộng khắp của mạng internet. Những công ty cung cấp dịch vụ mạng (ISP) đầu tiên trên thế giới được thành lập vào đầu thập niên 1990, thương mại hóa tiện ích truy cập internet đến từng hộ gia đình. Nhà nhà lên số: gia đình nào cũng có thể mua một chiếc máy tính cá nhân, cắm dây hòa vào mạng internet, và chia sẻ thông tin ở mức độ ngày một nhiều. Các hãng dần đổi sang dùng thư điện tử trong công việc thường ngày. Amazon và eBay ra đời. Blog và website dần quen thuộc với mọi tầng lớp dân chúng. Từ những năm 2005, thế hệ Internet 2.0 đã kéo thế giới mạng xích lại gần hơn với thế giới thực. Các trang web được lấp đầy bởi nội dung tạo nên bởi người dùng, tốc độ đường truyền nhanh hơn, khả năng xử lý của phần cứng tốt hơn, khả năng duyệt web và đồng bộ hóa được cải tiến, cuộc cách mạng của điện thoại cầm tay, sự ra đời của những thiết bị gia dụng sử dụng mạng viễn thông – từng lĩnh vực một, công nghệ đổ bộ và chiếm cứ đời sống riêng của người dùng.

Định nghĩa pháp lý về quyền riêng tư đã có từ lâu, và nó sẽ luôn đứng trước nguy cơ bất toàn, không phải do điều kiện thực tế thay đổi làm sự riêng tư trở nên mong manh hơn, mà bởi những kì vọng của con người về sự riêng tư đã thay đổi khi công nghệ xâm lấn trở nên thịnh hành hơn.

Tự ngã về đâu? Daniel J. Solove, giáo sư luật học ở Trường Luật George Washington, người được mệnh danh là lý thuyết gia hàng đầu về quyền riêng tư trên thế giới hiện nay, là người nhạy cảm với những sự thay đổi mà công nghệ mang lại cho đời sống riêng tư. Trong cuốn Người số: Công nghệ và Riêng tư trong Thời đại Thông tin (2004). (4) Solove khám phá bản chất của tự ngã trong thế giới điện toán. Theo ông, diện mạo “cái tôi” cá nhân trong thế giới số được hình thành từ những “tệp điện toán”, tức những thông tin mà những kẻ ẩn đằng sau màn hình máy tính đã thu thập và lưu trữ về ta. Con người hiện đại người ta không biết những “phiên bản số” của mình đang ở đâu, bị ai nắm bắt, bị nắm bắt thế nào, và mình sẽ phải đối diện với những gì. Sự đánh mất tự ngã như thế chính là cách mà quyền riêng tư bị tha hóa đi trong cõi số.

Nếu tôi là thầy giáo, nhưng tôi có sở thích đọc truyện tranh, thì tôi có nhu cầu “giấu” thói quen đọc truyện tranh đi vì nó sẽ ảnh hưởng đến hình tượng ông giáo của tôi. Nhưng khi tôi đọc truyện tranh trên một nền tảng online, thì việc tôi đọc gì, tôi đọc bao lâu, tôi ngừng lại ở khung ảnh ngớ ngẩn bao lâu, tôi gửi trang đọc truyện cho ai…, dường như sẽ có ai đó khác ngoài tôi nắm được những thông tin này. Sẽ có bao nhiêu người thấy được bộ mặt thích đọc truyện tranh của ông giáo là tôi?

Như vậy, cách duy nhất để cứu vãn cái tôi riêng tư chính là trả lại cho người số quyền tự quyết – kiểm soát cách mà thông tin của mình được thu thập, lưu trữ, và sử dụng. Hay nói cách khác, người số phải được quyết định những “vai diễn” mà mình muốn trở thành, chứ không phải thấp thỏm chờ những “vai diễn” mà mình không hề muốn.

Con người hiện đại người ta không biết những “phiên bản số” của mình đang ở đâu, bị ai nắm bắt, bị nắm bắt thế nào, và mình sẽ phải đối diện với những gì. Sự đánh mất tự ngã như thế chính là cách mà quyền riêng tư bị tha hóa đi trong cõi số.

Trong bài viết “Khái niệm hóa riêng tư” công bố năm 2002 trên California Law Review, ông nhắc lại sự bất nhất và hỗn loạn của khái niệm quyền riêng tư, và đưa ra hai đề xuất mới: một là, chỉ có thể hiểu quyền riêng tư nếu không tập trung vào phân tích vừa đủ các đặc tính “mấu chốt” hay “cốt lõi” của nó, mà xem xét nó như sự kết hợp giữa rất nhiều những yếu tố khác nhau. Đề xuất thứ hai của ông là hãy định nghĩa sự riêng tư theo một cách thực dụng, tức là hãy xem xét khái niệm riêng tư từ dưới lên, từ trong những bối cảnh cụ thể của đời sống, thay vì định nghĩa nó như một khái niệm trừu tượng từ trên xuống’.

Mặc dù phương pháp luận của Solove hứa hẹn sẽ mang lại những ánh sáng mới cho khái niệm quyền riêng tư trong thế giới pháp lý, lập luận của ông lại mắc phải một sai lầm rất kinh điển. Ông vẫn đặt cả hai chân trong trường phái Mỹ để nói về quyền riêng tư, và ông đã không so sánh hai phân loại của ông là “phẩm giá” và “nhân cách” với những nguyên tắc liên quan đến “phẩm giá” và “nhân cách” của trường phái châu Âu lục địa. Điều mà ông mắc phải chính là “gót chân Achilles” mà hàng thế hệ lý thuyết gia từ Westin, Fried cho đến Gavison đều cẩn trọng chú thích rõ: quyền riêng tư là một khái niệm gắn liền với môi trường văn hóa.

Rất may, công cuộc này đã được tiến hành nhanh chóng bởi Schwartz và Peifer trong một tiểu luận xuất bản năm 2010. Những khác biệt này chủ yếu xoay quanh hiệu lực của sự đồng ý chủ thể và ranh giới giữa quyền riêng tư với quyền được thông tin của truyền thông và công chúng mà ta sẽ xem xét ngay sau đây. (5)

Tài liệu tham khảo:

(1) William L Prosser, ‘Privacy’ (1960) 48 California Law Review

(2) Richard A Posner, ‘The Right of Privacy’ (1977) 12 Georgia Law Review 393

(3) Ruth Gavison, ‘Privacy and the Limits of Law’ (1980) 89 The Yale Law Journal 421

(4) Daniel J Solove, The Digital Person: Technology and Privacy in the Information Age (NYU Press 2006).

(5) Paul M Schwartz and Karl-Nikolaus Peifer, ‘Prosser’s “Privacy” and the German Right of Personality: Are Four Privacy Torts Better than One Unitary Concept?’ (2010) 98 California Law Review 1925

Theo Tạp chí Tia sáng