Quyền lực của gã khổng lồ Amazon gửi thông điệp gì tới thế giới?

'Bezonomics: How Amazon is Changing Our Lives and What the World's Best Companies are Learning from it' là một tiểu sử ngắn gọn về Jeff Bezos và cách Amazon thâm nhập cuộc sống.

Cuốn sách đã khắc họa một cách rõ nét quy mô và giá trị của con đường Amazon trở thành người khổng lồ vươn ra thế giới và cho chúng ta biết lý do tại sao nên quan tâm đến việc hiểu về đế chế này.

Sự lớn mạnh của gã khổng lồ thương mại điện tử

Amazon đã trở thành một ông lớn sừng sỏ trong thương mại điện tử. Ảnh: AP.

Năm 2019, Jeff Bezos là người giàu nhất thế giới với “tài sản ròng có thời điểm lên tới 160 tỷ USD”. Amazon chiếm “gần 40% toàn bộ hoạt động bán lẻ trực tuyến ở Mỹ và là một trong những nhà bán lẻ điện tử lớn nhất ở châu Âu. Công ty này đang hoạt động tại 17 quốc gia và đã thu hút hơn 150 triệu người trên khắp thế giới. Amazon Web Services cũng là "công ty điện toán đám mây lớn nhất thế giới". Amazon đang có lãi, “tăng trưởng với tốc độ trung bình 25% một năm” và vào năm 2018 “có doanh thu hàng năm là 233 tỷ USD”.

Có thể nói Amazon đã thâm nhập vào đời sống toàn cầu, thông qua các thiết bị hỗ trợ Alexa, sách điện tử Kindle hay đơn giản là thông qua hoạt động kinh doanh trên trang web nổi tiếng của họ - điều mang lại cho khách hàng nhiều loại hàng hóa trong một khoảng thời gian ngắn nhất có thể.

Cuốn sách ra mắt tháng 5 năm nay. Ảnh: Amazon.

Giống như các công ty công nghệ khác, Amazon sử dụng dữ liệu của chúng ta để tìm hiểu những gì chúng ta muốn và tìm ra cách tốt nhất để cung cấp điều đó cho chúng ta với cách thức hiệu quả và tiết kiệm chi phí đến mức chúng ta buộc phải quay lại với họ.

Tác giả của cuốn sách, Brian Dumaine, đã trích lời một CEO của Amazon nói rằng công ty này đang trở thành “một hệ điều hành cho cuộc sống của bạn”.

Đi cùng với sự thành công của đế chế này là Jeff Bezos - bộ não đập mạnh ở trung tâm người máy Amazon. Brian Dumaine đã khắc họa được những nét tính cách đặc trưng của Jeff Bezos, lí giải tại sao quá trình trưởng thành đã định hình nên các quyết định hiện tại của ông chủ Amazon.

Những điều này được thể hiện rõ ở việc Bezos ủng hộ các quyết sách của chính phủ, “có thái độ tích cực đối với việc xây dựng khu liên hợp công nghiệp quân sự”, cũng như sự tháo vát và chủ động của ông, khả năng đối mặt với những thực tế khó khăn một cách lạnh lùng, sự cứng rắn đối với nhân viên và phong cách quản lý “đối đầu”.

Những điều này phần nào khiến Amazon trở thành một nơi khó làm việc khi tờ New York Times từng đưa tin rằng ở Amazon, "... không có gì lạ khi thấy nhân viên khóc trước bàn làm việc".

Tương lai của một đế chế và xã hội đi kèm


Dumaine cũng giải thích một cách rõ ràng rằng khi Amazon phát triển đến mức đủ lớn mạnh, họ có thể có sức thay đổi xã hội. Tác giả hình dung ra một tương lai, nơi hầu hết hoạt động mua sắm được thực hiện trực tuyến. Dumaine viết: “Đối với nhiều người, cảm giác bị cô lập trên diện rộng sẽ tăng lên. Mọi người có thể không đến rạp chiếu phim (vì xem thông qua chương trình Prime Video); không đến thư viện (vì đọc sách qua Amazon Kindle); hoặc các cửa hàng tạp hóa (vì đã có dịch vụ mua sắm Amazon Pantry).

Dumaine viết rằng ở Australia, máy bay không người lái đang giao cà phê nóng đến nhà bạn và càng về sau này, chúng ta có thể giao tiếp với các thiết bị thông minh nhiều hơn là với con người. Hay việc xuất hiện các robot điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (AI) của Amazon và những phát minh khác có thể lấy đi nhiều việc làm của con người.

Tác giả đã viết: “Công ty tư vấn McKinsey ước tính rằng, trong trường hợp xấu nhất, tự động hóa sẽ thay thế 800 triệu lao động - khoảng 30% lực lượng lao động toàn cầu - vào năm 2030”.

Theo quan điểm của Dumaine, Amazon mang lại nhiều lợi ích vì nó cung cấp hàng hóa giá rẻ một cách nhanh chóng. Nhưng tác giả cũng cho rằng còn nhiều nghi ngại với họ, trong đó có Mỹ và châu Âu đang có những động thái điều tra Amazon theo luật chống độc quyền. Bên cạnh đó, việc thu thập dữ liệu bằng các thiết bị thông minh của Amazon, Google và những tập đoàn khác đã làm nảy sinh lo lắng rằng “họ sẽ có thể nghe trộm các cuộc trò chuyện của chúng ta ở nhà, trong xe hơi và trong văn phòng”.

Về vấn đề này, Dumaine đề cập đến quan điểm gây được nhiều tiếng vang của Lina Khan, người “tin rằng nếu các công ty trở nên quá lớn và quá mạnh, điều đó có thể lấy đi các quyền tự do cơ bản của người Mỹ bằng cách vận động hành lang để thay đổi các quy định theo hướng có lợi cho họ, giành được các khoản giảm thuế lớn từ chính quyền các bang - điều lấy đi nguồn quỹ cho hoạt động giáo dục và phúc lợi, hay thúc đẩy san bằng các khu dân cư ”.

Nhiều người lao động Amazon đã lên tiếng về sự vất vả khi làm việc của họ. Ảnh: AP.

Điều đó phần nào đã được thể hiện ở đời sống của một bộ phận lao động cho Amazon. Tác giả đã viết: “Các nhân viên toàn thời gian (tại một kho hàng của Amazon ở Mỹ) làm việc mười giờ một ngày, bốn ngày một tuần, chỉ có nửa giờ nghỉ trưa và hai lần mười lăm phút giải lao. Một số nhân viên đã phàn nàn rằng họ không có đủ thời gian để tắm và tốc độ làm việc thì không ngừng ... Amazon ... đang bóp nghẹt những tầng lớp thấp nhất của xã hội để có được một gói hàng được giao với giá rẻ và nhanh”.

Có thể thấy Bezonomics: How Amazon is Changing Our Lives and What the World’s Best Companies are Learning from it không chỉ mang tới thông tin về cách thức hoạt động của Amazon, cách Bezos suy nghĩ mà còn những kịch bản tương lai đối với các đối thủ cạnh tranh của Amazon cũng như với người tiêu dùng và công nhân cùng các chiến lược để chống lại Amazon.

Ngoài việc cung cấp thông tin cho người đọc, cuốn sách cũng sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt của các quan chức chính phủ và chính trị gia quan tâm đến chính sách bán lẻ, cũng như các nhà hoạt động, nhà báo và doanh nhân muốn thành lập doanh nghiệp trực tuyến.

Theo Zing