Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "ASEAN số" sẽ phẳng hơn, gắn kết hơn

VietTimes -- Phát biểu tại phiên họp "ASEAN số" trong khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN 2018, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh cần sử dụng cơ hội chuyển đổi số để làm cho ASEAN trở nên phẳng hơn, tạo ra sức mạnh mới cho từng thành viên và cho cả cộng đồng ASEAN.
Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu ở phiên họp ASEAN Số (Digital ASEAN)
Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu ở phiên họp ASEAN Số (Digital ASEAN)

Theo thông tin từ Bộ TT&TT, tại phiên họp "ASEAN số", quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu về nền kinh tế số. Bộ trưởng nói rằng số hóa đang làm thay đổi cuộc sống. “ASEAN số” nghĩa là đang nỗ lực sử dụng cơ hội chuyển đổi số để làm ASEAN trở nên "phẳng" hơn, tạo ra sức mạnh mới cho từng thành viên và cho cả cộng đồng, xóa bỏ các khoảng cách vật lý và làm cho ASEAN trở nên gắn kết hơn.

Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh chuyển đổi số là yếu tố quan trọng nhất để tăng năng suất lao động, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, tăng khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế.

Trong những thập kỷ tới đây, các cơ hội và thách thức của chuyển đổi số sẽ đòi hỏi hành động tổng lực của các thành phần xã hội (người dân, doanh nghiệp, nhà nước, các nhà nghiên cứu, trí thức...).

Các chính phủ phải dự đoán, lường trước được sự phát triển công nghệ và có các hành động quyết liệt bảo đảm các điều kiện tiên quyết, đặc biệt là hạ tầng, nhân lực, an toàn, an ninh thông tin, khung pháp lý phù hợp.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu 3 sáng kiến mà theo các đại biểu dự phiên họp, đây là những sáng kiến táo bạo, nêu bật quyết tâm chuyển đổi ASEAN, hiện thực hóa ý tưởng về ASEAN phẳng.

Cụ thể, sáng kiến “ASEAN - Roam Like Home” nhằm tăng cường kết nối khu vực thông qua việc giảm mạnh cước chuyển vùng quốc tế thông tin di động, hướng tới mục tiêu người dân ASEAN chỉ phải trả phí chuyển vùng quốc tế trong phạm vi ASEAN như ở nhà.

Để hiện thực hóa mục tiêu này một cách thống nhất và có lộ trình đến năm 2020, các nước cần cam kết nhanh chóng thúc ép mạnh mẽ, tạo động lực mạnh để các nhà mạng di động của mình tiến hành đàm phán giảm cước chuyển vùng.

Thứ hai là thành lập Đại học thực nghiệm ASEAN 4.0 để hiện thực hóa được mục tiêu đào tạo 4.0. Lĩnh vực này cần có sự hợp tác chặt chẽ với khối doanh nghiệp trong công tác đào tạo. Việt Nam mong muốn hợp tác với các nước ASEAN và các doanh nghiệp thành viên WEF để thành lập Đại học thực nghiệm ASEAN 4.0 (Digital ASEAN 4.0 University Model Labs).

Đây sẽ là nơi các nước ASEAN thực nghiệm và thực hiện sử dụng công nghệ 4.0 trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.

Thứ ba là xây dựng mạng lưới chia sẻ nguy cơ mất an toàn thông tin chung cho ASEAN. Trung tâm này sẽ là nền tảng kết nối các cơ quan, tổ chức liên quan của các quốc gia thành viên, cung cấp, chia sẻ thông tin hai chiều về nguy cơ, rủi ro tấn công mạng.

Trung tâm thể hiện nỗ lực chung tay bảo vệ chủ quyền không gian mạng của ASEAN để mọi hệ thống, mọi kết nối và mọi công dân được đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Việt Nam sẵn sàng bảo đảm hỗ trợ về hạ tầng và nền tảng phục vụ hoạt động của mạng lưới.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi ASEAN chung tay triển khai các sáng kiến trên. Đó là vì khi thực hiện được các sáng kiến này, ASEAN sẽ là nơi đầu tiên trên thế giới trở nên phẳng.