Quy trình luận tội: Làm thế nào để phe Dân chủ phế truất ông Trump?

VietTimes -- 32 tháng kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, đảng Dân chủ chính thức mở cuộc điều tra luận tội ông, mở ra một cuộc đấu đá đầy kịch tính ngay trước khi nước Mỹ đang hướng tới kỳ bầu cử Tổng thống trong năm tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đối mặt khả năng bị luận tội (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đối mặt khả năng bị luận tội (Ảnh: Reuters)

Trong cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất ở nước Mỹ, và có lẽ lớn nhất trong vòng 3 năm qua, bà Nancy Pelosi - Chủ tịch Hạ viện Mỹ - đã tuyên bố chính thức khởi động tiến trình điều tra luận tội đối với Tổng thống Donald Trump.

Vì sao ông Trump bị điều tra luận tội?

Hồi tuần trước, nhiều hãng truyền thông Mỹ đưa tin một quan chức tình báo đã nộp đơn tố giác ông Trump sử dụng quyền lực của mình để gây sức ép với Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky trong một cuộc điện đàm hôm 25/7.

Danh tính của "người thổi còi" này đến nay vẫn chưa được công khai, nhưng theo đơn tố giác của người này, ông Trump đã "bắt nạt" ông Zelensky để ép ông này điều tra con trai của ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden - Hunter Biden. Được biết ông Hunter có quan hệ với Burisma Holdings, một công ty năng lượng lớn của Ukraine. Động thái này tiềm ẩn rủi ro đối với ông Joe Biden - được xem là địch thủ đáng gờm của ông Trump trong kỳ bầu cử Tổng thống năm 2020.

Ukraine trước đó từng mở cuộc điều tra nhằm vào người sáng lập Burisma, cựu Bộ trưởng Tài nguyên Mykola Zlochevsky, vì cáo buộc rửa tiền. Vụ án này hiện đã khép lại.

Ông Trump cho rằng Ukraine là nơi rửa tiền của Hunter Biden, và được cho là đã giục ông Zelensky mở lại cuộc điều tra này. Người ta còn ngờ rằng ông Trump đã tạm hoãn khoản tiền viện trợ quân sự 400 triệu USD mà Quốc hội Mỹ đã thông qua cho phía Ukraine, nhằm gây sức ép với ông Zelensky.

Ông Trump thừa nhận đã bàn về ông Biden và cáo buộc tham nhũng trong cuộc điện đàm với lãnh đạo Ukraine. Tuy nhiên, ông khẳng định đó không phải một chiến thuật gây sức ép với ông Zelensky để bôi nhọ nhà Biden. Nói chung, các nhà lập pháp ở Mỹ quan ngại rằng ông Trump có thể đã lạm dụng quyền lực nhằm gây tổn thất cho đối thủ chính trị.

Ngoài ra, 6 ủy ban Quốc hội - Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban tư pháp, Ủy ban Các dịch vụ Tài chính, Ủy ban Tình báo, Ủy ban Tài chính và Thuế vụ, Ủy ban Giám sát - đều đang xem xem liệu ông Trump có cản trở pháp luật trong vụ điều tra của công tố viên Robert Mueller, có làm sai lệch các báo cáo tài chính và vi phạm luật tài chính chiến dịch tranh cử hay không.

Bà Nancy Pelosi đã ra chỉ thị cho các quỷ ban này tiếp tục các cuộc điều tra, và hành động này có thể đóng góp cho tiến trình luận tội ông Trump.

Tiến trình luận tội diễn ra thế nào?

Luận tội là một quy trình mà trong đó Quốc hội đưa ra cáo buộc và xét xử một quan chức chính phủ. Tiến trình này có thể được khởi xướng bởi một người không phải thành viên của Quốc hội, ví dụ như một công tố viên đặc biệt hay Tổng thống.

Hiến pháp Mỹ quy định, một quan chức chính phủ, kể cả Tổng thống, có thể bị loại khỏi văn phòng vì các tội "phản quốc" và "hối lộ", hay "các trọng tội hay hạn kiểm xấu", ngoài ra lạm dụng quyền lực cũng có thể bị luận tội.

Tiến trình luận tội bắt đầu tại Hạ viện, bên chịu trách nhiệm điều tra về các cáo buộc. Thường thì việc điều tra luận tội sẽ được thực hiện bởi Ủy ban Tư pháp Hạ viện. Sau khi điều tra, ủy ban này sẽ quyết định xem liệu những việc làm sai trái có đủ cấu thành cáo trạng để luận tội hay không. Nếu có, họ sẽ trình "điều khoản luận tội" lên Hạ viện; Hạ viện sau khi thông qua nhờ đủ số phiếu thuận sẽ trình lên Thượng viện.

Thượng viện sẽ chịu trách nhiệm xét hỏi người bị luận tội và sau đó tổ chức bỏ phiếu để kết án quan chức này. Cần phải có đủ 2/3 tổng số nghị sĩ trong Thượng viện bỏ phiếu thuận mới có thể kết tội và phế truất một quan chức khỏi vị trí hiện tại của họ.

Năm 1868, Hạ viện đã phê chuẩn 11 điều khoản luận tội nhằm vào Tổng thống Andrew Johnson, do cáo buộc ông vi phạm Đạo luật Nhiệm kỳ Quan chức Chính phủ (Tenure of Office Act), vốn được áp dụng nhằm hạn chế quyền lực hành pháp của Tổng thống. Tuy nhiên, điều khoản luận tội không đạt đủ số lượng phiếu thuận tại Thượng viện nên ông Johnson vẫn được tại vị.

Viễn cảnh ông Trump bị luận tội có xảy ra?

Viễn cảnh này khó có thể xảy ra. Một nghị quyết luận tội ông Trump có thể được phê chuẩn ở Hạ viện - nơi mà đảng Dân chủ đang nắm thế đa số - nhưng khó có thể qua ải Thượng viện - đảng Cộng hòa kiểm soát - bởi phải thuyết phục được ít nhất 20 nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Thượng viện bỏ phiếu thuận.

Ông Trump hiện đang có sức hút đáng kể trong đảng của mình; ông vượt khá xa các đối thủ của mình trong các cuộc thăm dò sơ bộ kỳ bầu cử năm sau và có tỷ lệ ủng hộ lên tới 45%, bởi vậy việc luận tội ông chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới cơ hội thắng lợi của đảng Cộng hòa trong năm tới. Điều này có nghĩa rằng, một đảng Cộng hòa đang đoàn kết sẽ chống lại bất kỳ nỗ lực nào hòng lật đổ nhà lãnh đạo thuộc đảng họ.

Bà Nancy Pelosi từ lâu đã tỏ ra chần chừ trong việc luận tội ông Trump, dù cho cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller đưa ra nhiều cơ hội để làm vậy. Việc luận tội hiện cũng không nhận được sự ủng hộ của giới cử tri Mỹ, bởi vậy mà bà Pelosi trước nay tin rằng nỗ lực lật đổ Tổng thống mà không có sự ủng hộ của dư luận sẽ phản tác dụng đối với đảng Dân chủ.

Hiện tại, bà Pelosi có thể nghĩ rằng các cáo buộc mới đây nhằm vào ông Trump sẽ khiến dư luận thay đổi, nhưng vấn đề là ông Trump vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong đảng Cộng hòa.

Theo Sputnik