Quy hoạch và quản lý đô thị thông minh: Các địa phương chưa giải quyết vấn đề căn cơ của đô thị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các địa phương chủ yếu phát triển và cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh chứ chưa chú trọng đến công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh để giải quyết các vấn đề căn cơ của đô thị.
Các bài toán của đô thị như giao thông, năng lượng, môi trường,... chưa được nhìn nhận và xử lý căn cơ.
Các bài toán của đô thị như giao thông, năng lượng, môi trường,... chưa được nhìn nhận và xử lý căn cơ.

Thông tin được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng trao đổi tại hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - Vietnam Smart City Summit 2022 chủ đề "Hạ tầng pháp lý - thúc đẩy phát triển đô thị thông minh" do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức trong ngày 1-2/12/2022.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh về quyết tâm phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam. Trong đó, Thứ trưởng nói về việc tái cấu trúc hạ tầng CNTT, hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị. Cùng với đó là việc đẩy nhanh chuyển đối số trong hoạt động quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh.

Thứ trưởng Dũng cho rằng phát triển đô thị thông minh cũng chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi đô thị.

Thứ trưởng Dũng cho rằng phát triển đô thị thông minh cũng chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi đô thị.

Theo phân tích của Thứ trưởng Dũng, về bản chất, phát triển đô thị thông minh cũng chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô đô thị và lấy người dân làm trung tâm. Đây là một quá trình liên tục, lâu dài và là vấn đề lớn cần tổ chức nguồn lực để triển khai, và đặc biệt là cần làm và có tư duy phát triển đô thị thông minh ngay từ khi lập quy hoạch, làm từ đầu khi quy hoạch phát triển đô thị. Trong đó, các cơ quan trung ương tập trung vào ban hành chính sách, tiêu chuẩn kết nối, tiêu chuẩn dữ liệu, việc tổ chức triển khai hiệu quả là trách nhiệm của các địa phương.

Hiện nay, các địa phương hiện nay vẫn đang chủ yếu tập trung vào việc phát triển và cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh. Trong đó, chủ yếu gắn với các dịch vụ của chính quyền điện tử, chính quyền số, chứ chưa chú trọng đến công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh để giải quyết các vấn đề căn cơ các bài toán của đô thị như giao thông, năng lượng, môi trường…

"Việc này dẫn tới có những chỗ hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn, chưa thực sự đi vào chiều sâu, chưa đạt được kết quả cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống và mức độ hài lòng của người dân trong đô thị" - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đánh giá.

Ông Nguyễn Nhật Quang - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA - chia sẻ với quan điểm này. Ông cho rằng cần "cấy gen" 3Q (Quy hoạch, Quy chế và Quy chuẩn) vào các đô thị. Trong đó, Quy hoạch – tức là hạn chế nguồn lực càng cần thông minh, thông minh hóa cái cũ, và cái mới thì phải thông minh từ đầu. Quy chế - quy chế phải thuận lợi mới khuyến khích mọi thành phần cùng chung tay vào cuộc. Và Quy chuẩn – phải có chuẩn, chuẩn kết nối, liên thông, từ hạ tầng cơ bản đến hạ tầng số.

Ông Nguyễn Nhật Quang cho rằng cần "cấy gen" 3Q - Quy hoạch, Quy chế và Quy chuẩn - vào các đô thị.

Ông Nguyễn Nhật Quang cho rằng cần "cấy gen" 3Q - Quy hoạch, Quy chế và Quy chuẩn - vào các đô thị.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, tại Việt Nam, thành phố thông minh giúp tối ưu hóa nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, tiện ích cho người dân và phát triển kinh tế, xã hội. Đây cũng là mục tiêu của Chính phủ, chính quyền các cấp.

Đến nay, trên cả nước có 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng đề án đô thị thông minh; 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị thông minh; 15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh; 38 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp tỉnh; 21 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh.

Cùng với đó, 17 tỉnh thành đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị, ngoài ra còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh.

Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA - nhận định, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển thành phố thông minh, nhưng cũng không ít thách thức. Trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp công nghệ và lãnh đạo các đô thị đã rất nỗ lực phát triển các đô thị thông minh.

Ông Nguyễn Văn Khoa nhận định hiện các đô thị chưa chú trọng quy hoạch thông minh, thông minh hóa các hạ tầng cơ bản, thiết yếu.

Ông Nguyễn Văn Khoa nhận định hiện các đô thị chưa chú trọng quy hoạch thông minh, thông minh hóa các hạ tầng cơ bản, thiết yếu.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho hợp tác công tư đặc biệt các thủ tục liên quan đến: đầu tư, đấu thầu, và thuê dịch vụ CNTT. Thêm vào đó, hiện các đô thị chưa chú trọng quy hoạch thông minh, thông minh hóa các hạ tầng cơ bản, thiết yếu.

"Hiện mới chỉ có hơn 20 địa phương đã ban hành Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh. Và theo đánh giá của cá nhân tôi, trực tiếp tham gia góp ý cho Kiến trúc ICT của các địa phương thì thấy chất lượng các bản Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh còn chưa được tốt, mới chỉ khái quát chung chung các thành phần ICT chứ chưa đi vào chi tiết cụ thể" - ông Đinh Hoàng Long - Phó Trưởng phòng Dịch vụ số, Cục Chuyển đổi số quốc gia – Bộ Thông tin và Truyền thông, nêu quan điểm./.