Quy hoạch KĐT Thủ Thiêm: Phải có bản đồ 1/5.000 năm 1996!

VietTimes-- Một trong những vấn đề đang thu hút sự chú ý của công luận là “có hay không có bản đồ quy hoạch tổng thể 1/5.000 KĐT Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt năm 1996” và “vì sao người dân khiếu kiện ở khu vực này trong suốt 20 năm qua luôn đòi UBND TP. HCM phải trưng ra tấm bản đồ này”?
Một trong những vấn đề đang thu hút sự chú ý của công luận là “có hay không có bản đồ quy hoạch tổng thể 1/5.000 KĐT Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt năm 1996.
Một trong những vấn đề đang thu hút sự chú ý của công luận là “có hay không có bản đồ quy hoạch tổng thể 1/5.000 KĐT Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt năm 1996.

Bản quy hoạch tổng thể 1/5.000 năm 1996 là có thật!

Ngày 4/6/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 367/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐT mới Thủ Thiêm, Huyện Thủ Đức, TP.HCM. Đây là quyết định phê duyệt tổng thể và thông qua Tờ trình số 1861/TT-UB-QLĐT ngày 27/5/1996 về dự án nói trên.

Cần phải khẳng định rằng, bản đồ 1/5.000 của KĐT Thủ Thiêm là một phần của hồ sơ quy hoạch. Bao giờ một quyết định phê duyệt quy hoạch cũng phải có bản đồ. Quy hoạch đô thị tùy tầng cấp, tầng diện tích, tầng cấp độ phê duyệt sẽ có các loại tỷ lệ bản đồ khác nhau.

Mặc dù nội dung Quyết định 367 không nhắc đến bản đồ quy hoạch tổng thể 1/5.000, tuy nhiên, như đã nói, để có quyết định nói trên, UBND TP.HCM phải lập bản đồ 1/5.000 để đính kèm tờ trình 1861. Do đó, có thể nói rằng Quyết định 367 của Thủ tướng đã phê duyệt chấp thuận bản đồ quy hoạch 1/5.000 năm 1996 (hay còn gọi là “bản đồ gốc”).

Dựa vào Quyết định 367 của Thủ tướng, năm 1998, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP.HCM (nay là Sở Quy hoạch - Kiến trúc) ban hành Quyết định 13585/KTST-QH phê duyệt bản đồ quy hoạch khu dân cư 1/2.000, và trong quyết định này, có nhắc đến đồ án quy hoạch tổng thể 1/5.000 đã được phê duyệt năm 1996.

Ngày 22/02/2002, Chính phủ có Công văn số 190/CP-NN chỉ đạo UBND TP.HCM thực hiện việc thu hồi đất tại Thủ Thiêm theo đúng Quyết định số 367 của Thủ tướng Chính phủ năm 1996. Tuy nhiên, trong thời gian này, đã xảy ra khiếu nại của một bộ phần người dân, vì họ cho rằng phần đất của họ bị thu hồi không đúng với Quyết định 367.

Ngày 24/11/2003, Phó Thủ tướng thời bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành công văn số  1642/CP-CN chỉ đạo, cho phép UBND TP.HCM điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết của dự án Thủ Thiêm, trên cơ sở thống nhất với Bộ Xây dựng. Căn cứ công văn này, ngày 27/12/2005, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 6565/QĐ-UBND thay thế Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời ban hành quy hoạch tổng thể mới 1/5.000 trong đó có những điều chỉnh khác biệt so với bản đồ quy hoạch 1/5.000 đã được duyệt năm 1996 bởi Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, cũng trong ngày 27/12/2005, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 6566/QĐ-UBND duyệt quy hoạch chi tiết Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/2.000.

Quy hoạch KĐT Thủ Thiêm: Phải có bản đồ 1/5.000 năm 1996! ảnh 1
Bản đồ được cho là quy hoạch 1/5.000 khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt năm 1996.

Và kể từ đây, việc điều chỉnh, thu hồi đất, xây dựng dự án KĐT mới Thủ Thiêm và giải quyết khiếu nại đối với người dân đều căn cứ vào Quyết định 6565, 6566 của UBND TP.HCM, nghĩa là căn cứ vào bản đồ quy hoạch tổng thể 1/5.000 và bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2.000 được phê duyệt năm 2005.

Rõ ràng, xuyên suốt hàng loạt văn bản nêu trên, ta thấy “Bản đồ gốc” được UBND TP.HCM trình và phê duyệt bởi Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ năm 1996 là có thật.

Và, người dân Thủ Thiêm đòi hỏi phải giải quyết các khiếu nại của họ liên quan đến việc thu hồi đất phải theo đúng bản đồ quy hoạch 1/5.000 đã được phê duyệt bởi Quyết định 367 của Chính phủ năm 1996, vì đó là văn bản pháp quy có hiệu lực cao nhất, và là cơ sở gốc để xác minh đất nào thuộc quy hoạch phải thu hồi, đất nào của dân không được thu hồi… Người dân hoàn toàn có lý  khi không đồng ý với quy hoạch 1/5000 và 1/2.000 ban hành năm 2005, bởi các khiếu nại của họ đã diễn ra trước năm 2005.

Không còn lưu bản đồ quy hoạch 1/5000 năm 1996: phi lý!

Qua tiến trình ban hành văn bản, điều chỉnh quy hoạch nêu trên, rõ ràng có những điều không đúng với pháp luật về ban hành văn bản pháp luật, pháp quy. Chúng ta có thể thấy rằng các công văn không phải là văn bản pháp quy, thông thường, được cơ quan hành chính dùng để đôn đốc, chỉ đạo, hoặc làm rõ nội dung các văn bản pháp quy (nghị quyết, nghị định, thông tư) mà không diễn dịch nội dung văn bản pháp quy.

Trong trường hợp công văn 1642/CP-CN của Thủ tướng chỉ đạo, cho phép UBND TP.HCM điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết của dự án Thủ Thiêm, trên cơ sở thống nhất với Bộ Xây dựng, thì phải hiểu rằng, UBND TP.HCM được thực hiện chỉnh sửa dự thảo quy hoạch 1/5.000, sau đó phải trình để Chính phủ ban hành quyết định thông qua, để thay thế cho cái quy hoạch 1/5.000 năm 1996 (được phê duyệt bởi Quyết định 367), và khi có quyết định phê duyệt quy hoạch 1/5000 mới, thì UBND TP.HCM mới dựa trên đó để ban hành quy hoạch 1/2.000 mới.

Tuy nhiên, UBND TP.HCM đã làm một việc chưa từng có trong tiền lệ lập quy, đó là ban hành Quyết định 6565 để phê duyệt quy hoạch tổng thể 1/5000, đồng thời thay thế và hủy bỏ luôn Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ. Lần đầu tiên, một cơ quan cấp dưới phủ quyết quyết định của cơ quan cấp trên bằng quyết định của mình.

Quy hoạch KĐT Thủ Thiêm: Phải có bản đồ 1/5.000 năm 1996! ảnh 2
Một góc KĐT mới Thủ Thiêm

Đặc biệt, trong cùng ngày ban hành Quyết định 6565, thì UBND TP.HCM ban hành luôn Quyết định 6566 để phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 mới (thay thế cho cái quy hoạch 1/2000 năm 1998 do Văn phòng Kiến trúc sư trưởng ban hành). Thực tế, Quyết định 6565 là cơ sở để ban hành Quyết định 6566, tuy nhiên, trong cùng ngày 27/12/2005 cả 02 quyết định đều được ban hành! Rõ ràng là thần tốc, tuy nhiên, nếu xét về tính hiệu lực thì không ổn, bởi nếu trong cùng một ngày, có lẽ Quyết định 6565 phải quy định rằng “Quyết định này có hiệu lực kể từ lúc X giờ ngày 27/12/2005”, và Quyết định 6566 sẽ quy định rằng “Quyết định này có hiệu lực kể từ lúc Y giờ ngày 27/12/2005”, mà Y giờ phải sau X giờ…

Cuối cùng, cái cần nói đến, đó là hoạt động lưu trữ quốc gia. Công tác này đã được chính thức pháp hóa vào năm 1962. Năm 1982, Quốc hội ban hành Pháp lệnh bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia đầu tiên sau khi thống nhất đất nước. Năm 2001, Quốc hội ban hành Pháp lệnh Lưu trữ Quốc gia số 34/2001/PL-UBTVQH10 để thay thế cho Pháp lệnh năm 1982. Ngày 11/11/2011, Quốc hội ban hành Luật Lưu trữ số 01/2011/QH13, để thay thế cho Pháp lệnh năm 2011. Bên cạnh đó, để triển khai các Pháp lệnh, Luật Lưu trữ, Chính phủ qua nhiều thời kỳ đã ban hành rất nhiều Nghị định, Thông tư, Chỉ thị để triển khai công tác lưu trữ nhà nước theo đúng luật định.

Khi UBND TP.HCM trình Tờ trình số 1861/TT-UB-QLĐT kèm bản đồ quy hoạch 1/5.000 năm 1996, thì hồ sơ đó sẽ được gửi và lưu trữ ít nhất tại 05 cơ quan: Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Xây dựng, Văn phòng Thành ủy TP.HCM, Văn phòng UBND TP.HCM, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Và khi triển khai, thì UBND Quận Thủ Đức, UBND Quận 2 (mới thành lập sau năm 1997) sẽ được tiếp nhận hồ sơ quy hoạch đó.

Ngoài ra, pháp luật về lưu trữ cũng quy định rõ, trong trường hợp văn bản không còn hiệu lực buộc phải tiêu hủy, thì phải có quyết định tiêu hủy của cơ quan có thẩm quyền, và ngoài ra hồ sơ tiêu hủy buộc phải tiếp tục lưu trữ thêm 20 năm tại cơ quan đã ban hành nó.

Như vậy, việc không tìm ra bản đồ quy hoạch 1/5.000 kèm Quyết định 367 năm 1996 là một điều không tưởng, phi lý hết sức. Không thể đổ thừa cho công tác lưu trữ có vấn đề, trừ phi, ai đó đã có động tác thu hồi toàn bộ tại tất cả các cơ quan đã tiếp nhận hồ sơ đó.

Không thể đóng “chiếc hộp” lại được nữa rồi!

Một khi câu chuyện đã quá rõ ràng thì dứt khoát ai đó cần phải chịu trách nhiệm trước người dân về vấn đề này.

Theo thần thoại Hy Lạp thì, khi tặng nàng Pandora - người phụ nữ đầu tiên trên trái đất, một chiếc hộp làm quà cưới, thần Zeus đã dặn dò là không vì bất cứ lý do gì mà được phép mở chiếc hộp này ra. Tuy nhiên sau ngày cưới, vì tò mò, nàng Pandora đã mở nó ra. Tất cả những thói hư tật xấu đã lan ra. Thiên tai, bệnh tật và chết chóc, những thứ mà con người trước đó không biết tới đã tràn lan ra khắp thế giới. Chỉ còn điều tốt lành duy nhất mà chiếc hộp này mang tới là niềm hy vọng.

Vâng, giờ đây khi “nàng Pandora” đã mở chiếc hộp, chúng ta phải giải quyết những gì đã thấy, đã tuôn ra, chứ không thể tiếp tục tìm cách đóng nắp lại.

Vì đó, chính là cuộc chiến giành lại niềm tin của người dân, thực hiện bù đắp, và bồi thường tương xứng cho những tổn thất mà người dân phải gánh chịu, và phải trừng phạt những kẻ biến chất, tha hóa nắm trong tay quyền lực nhà nước.