Quy định về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước

VietTimes -- Chính phủ vừa ban hành Nghị định 10/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012, quy định về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2019.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo đó, nghị định nêu rõ Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước trong việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Thủ tướng Chính phủ thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật có liên quan.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3 loại hình cơ quan đại diện chủ sở hữu

Nghị định cũng thực hiện phân chia các cơ quan đại diện chủ sở hữu theo 3 loại hình.

Cụ thể, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) là cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

TS. Nguyễn Đức Kiên: Có thể xem CMSC hiện nay như một bước “quá độ”

Bên cạnh đó, Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với các đối tượng:

(1) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do Bộ, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và không thuộc đối tượng chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo quy định của pháp luật;

(2) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước trong thời gian chưa chuyển giao.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp được chuyển giao từ các Bộ, UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.

Các quy định về tổ chức thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước được trình bày chi tiết trong Chương II của nghị định.

Trong đó, quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về thành lập, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, phá sản, chuyển giao doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về điều lệ, chiến lược, kế hoạch của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ./.