Quy định mới về dự án BT: Tưởng đấu giá mà không phải vậy

“Giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu”, Nghị định 69/2019 của Chính phủ quy định về việc sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án xây dựng- chuyển giao (BT) đã đưa vào một nội dung hoàn toàn mới.
Quy định đưa vào việc đấu giá dự án BT nhưng thực chất không rõ là đấu giá như thế nào thì liệu cách thức "đổi đất lấy hạ tầng" có thay đổi? Ảnh minh họa: TTXVN
Quy định đưa vào việc đấu giá dự án BT nhưng thực chất không rõ là đấu giá như thế nào thì liệu cách thức "đổi đất lấy hạ tầng" có thay đổi? Ảnh minh họa: TTXVN

Tưởng chừng như điều này sẽ tránh được tình trạng chỉ định thầu làm “méo mó” các dự án BT. Nhưng thực tế không phải vậy. Việc sử dụng tài sản công thanh toán cho các nhà đầu tư vào các dự án BT theo các hợp đồng đã ký sau ngày 1-1-2018 đều bị ngưng lại từ đó đến nay. Lý do là vì quyết định 23/2015 trước đó đã hết hiệu lực. Việc dùng tài sản, đất công phải thực hiện theo Luật quản lý sử dụng tài sản công, có hiệu lực từ 1-1-2018 song đến nay chưa có hướng dẫn thực hiện.

Trước khi Nghị định 69/2019 (ban hành hôm 15-8), đã có nhiều văn bản của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, báo cáo của các đoàn giám sát, góp ý của chuyên gia, báo chí liên tục chỉ ra những bất cập của hình thức BT ở Việt Nam chủ yếu được tiến hành dưới hình thức “đổi đất lấy hạ tầng”. Việc đổi đất lấy hạ tầng lẽ ra phải chọn những hình thức đấu thầu dự án, hoặc đấu thầu tài sản công để thanh toán dự án lại hầu hết biến thành hình thức chỉ định thầu. Theo đó, nhà đầu tư tự đề xuất dự án trình cơ quan quản lý phê duyệt và Nhà nước dùng quỹ đất công sản để thanh toán cho nhà đầu tư. Việc xác định giá trị dự án BT, xác định giá trị tài sản công để thanh toán còn nhiều “vùng tối” chưa minh bạch về cơ chế thẩm định giá nên việc thất thoát, lãng phí (đất đối ứng giá trị cao gấp nhiều lần dự án BT...) .

Việc Nghị định 69 đưa vào nội dung: “Giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu” tưởng như đã mở ra một chương mới minh bạch cho dự án BT ở Việt Nam. Nhưng thực tế nó lại được đặt trong nguyên tắc: “Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện theo nguyên tắc ngang giá. Dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán: (a) giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán, (b) giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu” (điều 3).

Nói một cách dễ hiểu là nguyên tắc “đổi ngang giá” đã có từ trước đến nay. Nhưng chỉ những dự án do Nhà nước công bố, mời thầu thì mới đấu thầu dự án, lựa chọn nhà đầu tư. Còn những dự án do nhà đầu tư chủ động đề xuất như thông lệ từ trước đến nay thì vẫn tiến hành theo cách cũ. Nhà nước sẽ phê duyệt hay không phê duyệt dự án BT. Chứ không có chuyện mọi dự án BT đều đấu thầu.

Cụ thể hơn nữa là nghị đinh này vẫn cho phép Nhà nước dùng tài sản công là đất đai, trụ sở, nhà cửa trên đất... để thanh toán trực tiếp cho nhà đầu tư dự án BT qua thủ tục định giá. Không có chuyện đấu giá đất để dùng tiền đó thanh toán cho nhà đầu tư. Vì đấu giá dự án rồi thì không đấu giá đất nữa, do giá đất nằm trong giá dự án nên không thể đấu giá hai lần.

Vấn đề ngang giá nhiều năm nay được xem là kẽ hở lớn nhất cho việc bắt tay trục lợi giữa các nhóm lợi ích với các quan chức địa phương mà nhiều vụ án tham nhũng lớn xét xử trong thời gian qua đã minh chứng điều này. Do việc xác định giá đất qua hình thức thẩm định giá độc lập, do cơ quan nhà nước chỉ định hoặc nhà đầu tư chọn chứ không đấu giá riêng rẽ tài sản nên thường biến thành “động tác kỹ thuật” để nhóm lợi ích có cơ “làm giá” đất, thay vì đúng giá thị trường, thu được lợi ích cao cho nhà nước lại trở thành giá được nhà đầu tư mong muốn.

Một vấn đề đã từng được Bộ Tài chính nêu ra trong Tờ trình Chính phủ trước khi ban hành Nghị định 69 (vào tháng 10-2018) là: đối với giá trị Hợp đồng BT khó có thể trùng khớp đúng với giá trị quyền sử dụng đất nên cần có một biên độ nhất định (có thể là 10% trên giá trị hợp đồng BT) để xử lý chênh lệch giữa giá trị hợp đồng BT và giá trị quyền sử dụng đất để tránh lợi dụng. Tuy nhiên, trong nghị định được ban hành chính thức, việc xử lý chênh lệch đã không được đưa vào.

Vậy cách nào để xử lý các dự án được chỉ định thầu, tuy là “ngang giá” nhưng lại chênh lệch rất lớn. Như trường hợp có dự án BT nhỏ (chỉ 497 tỉ đồng) nhưng giá trị quỹ đất để thanh toán rất lớn (2.241 tỉ đồng). Việc nhà đầu tư phải nộp tiền bù chênh lệch vào ngân sách là đương nhiên, song như vậy còn đâu là nguyên tắc ngang giá? Và nghị định mới không đề cập đến hướng xử lý, ngăn chặn những dự án kiểu này.

Vấn đề là Chính phủ đã đưa vào Nghị định 69 việc đấu giá dự án BT. Nhưng đấu giá cụ thể như thế nào, đấu giá tài sản trước hay đấu giá dự án trước cần phải có Thông tư hướng dẫn, cụ thể hóa. Dù trong Luật quản lý, sử dụng tải sản công đã quy định giá trị dự án BT được xác định theo quy định của Luật đầu tư, xây dựng và kết quả đấu thầu nhưng nếu không giải quyết được bài toán “ngang giá” qua chỉ định nhà đầu tư, rồi đấu giá không rõ ràng thì việc quy định chỉ là cho có.

Theo TBKTSG

Link: https://www.thesaigontimes.vn/td/292964/quy-dinh-moi-ve-du-an-bt-tuong-dau-gia-ma-khong-phai-vay.html?fbclid=IwAR2ycNt0Ay9VfrsNR_lbLJ2VCDhq9i7kx-M6U9jrLUH_9HD8R9D6SiG7rzA