Đánh giá tại Hội thảo khởi động Cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất diễn ra ngày 22/12, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện không phải chất lượng hàng hoá, khả năng quản trị mà hơn bao giờ hết các văn bản pháp luật ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh và sống sót của doanh nghiệp.
"Có những văn bản thúc đẩy sự lớn mạnh của doanh nghiệp, ngược lại những quy định không tốt ảnh hưởng đến sự lụi bại phá sản của các doanh nghiệp và các ngành hàng", ông Tuấn nhấn mạnh.
Do đó, ông Tuấn cho biết, Cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất kỳ vọng cổ vũ biểu dương quy định tốt đồng thời cảnh báo những quy định chưa phù hợp. Đồng thời, thiết lập kênh sửa đổi ban hành chính sách bởi hiện tiếng nói của doanh nghiệp và người dân về quá trình này còn khiêm tốn.
Dự kiến có 10 tiêu chí để bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất là liệu văn bản có cần thiết để ban hành không bởi thực tế có văn bản trao quyền cho Bộ này, tạo cơ chế cho Bộ kia, không phải là nhu cầu cấp bách; tính hợp lý từ thực tế doanh nghiệp đưa ra nhiều dẫn chứng có giúp đạt mục tiêu đề ra hay không; đánh giá tính thống nhất, có chồng chéo, trái với định hướng cải cách hành chính của Chính phủ.
Bên cạnh đó, còn các tiêu chí như: nhiều quy định ban hành có khả thi không, với hệ thống doanh nghiệp có đảm bảo việc thực hiện tốt hay không; tính minh bạch hầu hết các văn bản quy định pháp luật; đánh giá chi phí tuân thủ, nếu văn bản tạo chi phí tuân thủ lớn cũng không phải là văn bản tốt; có đảm bảo quyền tự do kinh doanh; có tạo ra cạnh tranh lành mạnh; kiểm soát nguy cơ nhũng nhiễu, trục lợi: thời điểm ban hành, có hiệu lực.
Dẫn chứng về một số quy định tốt - tồi, ông Tuấn cho biết, Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định, người đứng đầu cơ sở in phải tốt nghiệp cao đẳng ngành in. Trong khi đó, 3.000 doanh nghiệp ngành in hiện tại có người đứng đầu không có bằng cấp như quy định, và đang phát triển rất tốt.
“Có ông tiến sĩ ngành in chỉ kinh doanh một doanh nghiệp bé cũng thua lỗ, nhưng cũng có ông chủ doanh nghiệp đạt doanh số vài ngàn tỷ nhưng bằng cấp không có”, ông Tuấn cho hay.
Sau đó, Bộ đã bỏ quy định bằng cấp, thay bằng việc yêu cầu học một khóa học chuyên ngành ngắn hạn, 3 ngày, học phí 5 triệu đồng.
Ông Tuấn đặc biệt nhấn mạnh nội dung Thông tư 47/2011/TT-BTNMT quy định, trại heo 10.000 con trở lên phải đáp ứng chất lượng nước thải đạt loại A, tương đương nước mà con người có thể uống được.
Với quy định này, ông Tuấn cho biết, nhiều doanh nghiệp đầu tư chục tỷ đồng mà vẫn loay hoay về quy định chất lượng nước thải. Chất lượng nước thải trong quy định trên cao hơn yêu cầu chất lượng nước thải của Nhật Bản, Thái Lan tới 7 - 8 lần. Điều này tạo "cơ hội" để cơ quan vào xử phạt hành chính.
Ông Nguyễn Đình Cung (bên trái), ông Đậu Anh Tuấn (bên phải)
Bổ sung thêm về những quy định tồi, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, khi đặt ra các điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo phải có nhà máy xay, kho bãi 10.000 tấn là không có cơ sở khoa học thực tiễn và làm méo mó cạnh tranh, bảo vệ lợi ích của một nhóm người.
"Điều ưu tiên trong môi trường hiện nay là phải hạn chế kho tàng, bến bãi, hạn chế thấp nhất chi phí nhưng các điều kiện kể trên lại làm tăng chi phí hoạt động kinh doanh", ông Cung nhấn mạnh.
Ông Cung cũng cho biết, không thể chờ các Bộ thay đổi và việc chờ là không được và khó có thể đạt được, thay vào đó cần đòi hỏi như một khách hàng đòi hỏi dịch vụ tốt.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn cũng cho biết, để thay đổi chính sách đến lúc các Hiệp hội không thể ngồi chờ mà cần bước chủ động và chuẩn bị tốt, chuẩn bị một cách khoa học và có sự liên kết.
Theo BizLive