Quý 2/2019, kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á

VietTimes -- Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,71% trong Quý 2/2019 - tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số sáu quốc gia ở Đông Nam Á được khảo sát.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tờ Nihon Keizai Shinbun dẫn nguồn báo cáo công bố ngày 19 tháng 8 của Thái Lan cho thấy, từ tháng 4 đến tháng 6 (quý II) GDP thực tế của được nước này tăng hơn 2,3% so với cùng kỳ năm 2018, chậm lại 0,5% so với quý I (tăng 2,8%). Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 4 năm và 9 tháng qua.

Nguyên nhân được cho là xuất khẩu của Thái Lan cho đối tác thương mại chủ yếu Trung Quốc bị giảm và sản xuất chậm chạp. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 theo dự kiến từ 3,3% đến 3,8% cho tháng 5 sẽ được đề xuất giảm xuống từ 2,7% tới 3,2%.

Singapore cũng ở vị trí cấu trúc công nghiệp dễ bị tổn thương trong cuộc chiến thương mại tương tự như Thái Lan. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của đảo quốc sư tử từ tháng 4 đến tháng 6/2019 chỉ là 0,1%, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Nguyên nhân chính là các ngành công nghiệp liên quan đến chất bán dẫn, chiếm hơn 7% GDP, đang trong thời kỳ suy thoái. Với sự giảm tốc của thị trường chất bán dẫn, xuất khẩu các mạch IC và thẻ nhớ giảm lần lượt tới 32% và 39% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, theo Nihon Keizai Shinbun, trong bối cảnh chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng, Việt Nam vẫn đang duy trì xu thế tăng trưởng mạnh mẽ. Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,71% từ tháng 4 đến tháng 6 - tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số sáu quốc gia ở Đông Nam Á.

Kinh tế Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực (số liệu quý I/2019).
Kinh tế Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực (số liệu quý I/2019).

Ngoài ra, Nihon Keizai Shimbun cũng chỉ ra, đối với các quốc gia khác, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là tương đối nhỏ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Malaysia từ tháng 4 đến tháng 6 là 4,9%, được coi là đã phục hồi so với quý I (tăng 4,5%). Mặc dù xuất khẩu tăng trưởng yếu, nhưng tiêu dùng cá nhân tăng 7,8%, một mức rất mạnh. Kinh tế Indonesia tăng trưởng 5,05%, không thay đổi so với từ tháng 1 đến tháng 3. Nguyên nhân là quốc gia này có dân số lớn nhất với hơn 260 triệu người ở Đông Nam Á, nhu cầu trong nước chiếm tỷ lệ rất lớn. Tuy nhiên, do nền kinh tế thế giới chững lại, giá than và dầu cọ, vốn là những sản phẩm xuất khẩu chính đều giảm, tiêu dùng cá nhân đã có dấu hiệu trì trệ.

Kinh tế Philippines tăng 5,5%, mức thấp nhất kể từ 17 quý gần đây, nguyên nhân chủ yếu do chi tiêu của chính phủ cắt giảm. Trong số 75 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn của chính phủ, chỉ có 11 dự án đã được khởi công.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của năm quốc gia lớn ở Đông Nam Á, ngoại trừ Việt Nam, từ tháng 4 đến tháng 6 là 4% so với cùng thời kỳ năm ngoái.

Nihon Keizai Shimbun kết luận: so với mức tăng 4.2% của quý I, kinh tế 5 nước Đông Nam Á đã tăng trưởng chậm lại và tính bất định của cả khu vực đang tăng lên./.