Quốc tế nhìn nhận thế nào về kết quả của kỳ họp lần thứ 73 Đại hội Y tế Thế giới?

VietTimes – Ngày 19/5, tại phiên bế mạc kỳ họp 73 Đại hội Y tế Thế giới (WHA), tất cả 194 quốc gia thành viên WHO, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, đã thông qua một nghị quyết, kêu gọi tiến hành “đánh giá độc lập” về phản ứng toàn cầu đối với đại dịch bệnh COVID-19, trong đó bao gồm việc điều tra vai trò của WHO trong đại dịch.
Kỳ họp lần thứ 73 Đại hội Y tế thế giới đã kết thúc với một nghị quyết được nhất trí thông qua kêu gọi đánh giá độc lập về phản ứng toàn cầu đối với dịch bệnh COVID-19, bao gồm điều tra vai trò của WHO (Ảnh: AFP).
Kỳ họp lần thứ 73 Đại hội Y tế thế giới đã kết thúc với một nghị quyết được nhất trí thông qua kêu gọi đánh giá độc lập về phản ứng toàn cầu đối với dịch bệnh COVID-19, bao gồm điều tra vai trò của WHO (Ảnh: AFP).

Theo trang tin Hoa ngữ Creaders ngày 19/5, Nghị quyết này đã được 194 quốc gia thành viên tham dự hội nghị trực tuyến nhất trí thông qua. Dự thảo nghị quyết do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất, yêu cầu cuộc điều tra của WHO phải độc lập và toàn diện, bao gồm các đánh giá cho từng thời kỳ, phải được tiến hành công bằng và nhanh nhất có thể, nhằm tăng cường khả năng phòng chống ứng phó với dịch bệnh của toàn cầu.

Nội dung của nghị quyết là gì?

Nghị quyết kêu gọi "đánh giá công bằng, độc lập và toàn diện" về phản ứng của quốc tế.

Nghị quyết tập trung vào "thời gian biểu của WHO liên quan đến đại dịch COVID-19". Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bị chỉ trích vì chậm trễ tuyên bố virus corona mới là một trường hợp y tế khẩn cấp toàn cầu khiến thế giới không được báo động kịp thời.

Nghị quyết cũng kêu gọi các quốc gia được đảm bảo "tiếp cận minh bạch, công bằng và kịp thời" bất kỳ phương pháp điều trị hoặc vaccine virus corona mới nào và đốc thúc WHO điều tra "nguồn lây truyền virus và con đường lây truyền virus sang người".

Tại sao nói WHO chịu sức ép?

Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi WHO là "bù nhìn" của Trung Quốc và tạm đình chỉ tài trợ cho WHO, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO. Ngoài ra, ông Trump cũng cáo buộc Trung Quốc cố gắng tìm cách che giấu tình hình dịch bệnh và WHO không truy cứu trách nhiệm của Bắc Kinh.

Tổng giám đốc WHO ông Tedros Adhanom tại phiên họp bế mạc ngày 19/5 (Ảnh: Reuters).
Tổng giám đốc WHO ông Tedros Adhanom tại phiên họp bế mạc ngày 19/5 (Ảnh: Reuters).

Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar trong bài phát biểu tại hội nghị hôm 18/5 đã đưa ra những lời chỉ trích nặng nề. Ông nói: "Chúng ta cần phải nói thẳng, một nguyên nhân chính khiến dịch bệnh bùng phát và mất kiểm soát là: WHO không có được thông tin mà thế giới cần và thất bại này đã dẫn đến việc nhiều người chết”.

Mỹ cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới đã phớt lờ cảnh báo sớm của Đài Loan về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và trì hoãn việc tuyên bố về đại dịch. Mỹ là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus corona mới. Số người chết vì dịch bệnh hôm 19/5 đã vượt quá 93.500.

Mặc dù các quốc gia Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Australia và New Zealand không chỉ trích WHO mạnh như Mỹ, họ cũng đã nỗ lực thúc đẩy tiến hành điều tra cách thức WHO đối phó với đại dịch.

Người phát ngôn của EU, bà Virginie Battu-Henriksson nói, là một phần của việc điều tra đánh giá, có một số vấn đề chính cần phải được trả lời.

Bà nói: "Dịch bệnh này lây lan như thế nào? Dịch tễ học đằng sau nó là gì? Điều này rất quan trọng đối với việc chúng ta có thể tiếp tục tránh một dịch bệnh khác tương tự trong tương lai”.

Tổ chức Y tế Thế giới nói gì?

Người đứng đầu WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đồng ý tiến hành xem xét cách xử lý đại dịch của WHO, nhưng ông bác bỏ đề nghị cải cách quy mô lớn WHO.

Ông nói sẽ tiến hành "một cách sớm nhất”  một cuộc đánh giá độc lập, đánh giá các bài học có thể rút ra và đưa ra các kiến nghị.

Ông kêu gọi tất cả các nước hãy tăng cường vai trò tác dụng của WHO.

Tuy nhiên, nghị quyết được WHA thông qua được cho là “vẫn rất mơ hồ về việc xem xét cụ thể phản ứng của WHO đối với đại dịch theo trình tự thời gian”.

Trong bài phát biểu chào mừng WHA ngày 18/5, ông Tập Cận Bình bất ngờ tuyên bố Trung Quốc ủng hộ tiến hành điều tra về nguồn gốc virus và hứa hỗ trợ WHO 2 tỷ USD trong 2 năm (Ảnh: Tân Hoa xã).
Trong bài phát biểu chào mừng WHA ngày 18/5, ông Tập Cận Bình bất ngờ tuyên bố Trung Quốc ủng hộ tiến hành điều tra về nguồn gốc virus và hứa hỗ trợ WHO 2 tỷ USD trong 2 năm (Ảnh: Tân Hoa xã).

Thế giới bên ngoài nhìn nhận về phản ứng của Trung Quốc?

Vào tháng 12 năm ngoái, ca bệnh COVID-19 đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lặp lại tại hội nghị hôm 18/5 rằng Trung Quốc đã có những hành động "công khai và minh bạch" chống lại dịch bệnh; đồng thời ông thay đổi lập trường quay sang ủng hộ điều tra nguồn gốc của virus và hứa sẽ hỗ trợ 2 tỷ USD cho WHO trong hai năm tới.

Có ý kiến cho rằng tuyên bố công khai của ông Tập Cận Bình hôm 18/5 là “một phần của sự tuyên truyền của Trung Quốc đối phó với dịch bệnh, nhằm mục đích đẩy nguồn gốc virus ra khỏi Vũ Hán, Trung Quốc và né tránh việc quốc tế truy trách nhiệm Trung Quốc che giấu dịch gây nên tổn thất trên khắp thế giới”.

Ông John Ullyot, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, đã trả lời trong một tuyên bố hôm thứ Hai 18/5, Trung Quốc cam kết bơm 2 tỷ USD “là một biểu tượng (token) nhằm chuyển hướng sự chú ý. Ngày càng có nhiều quốc gia kêu gọi, yêu cầu chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc không thực hiện nghĩa vụ của mình, vì Trung Quốc không nói thật và cảnh báo thế giới về dịch bệnh sắp bùng nổ”.

Vì sao Trung Quốc quay sang ủng hộ dự thảo nghị quyết?

Tại cuộc họp báo chiều 19/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã trả lời về việc Trung Quốc tham gia ủng hộ dự thảo nghị quyết nói trên.

Triệu Lập Kiên nói, dự thảo nghị quyết đã xác nhận rõ ràng và ủng hộ WHO đóng vai trò lãnh đạo then chốt và kêu gọi các quốc gia thành viên ngăn chặn sự phân biệt đối xử, kỳ thị và đả phá sai sót, thông tin sai lệch. Các nội dung này phù hợp với chủ trương, lập trường của Trung Quốc. Hy vọng nghị quyết có thể bằng phương pháp nhất trí, được WHA thông qua và được quán triệt thực hiện toàn diện và chính xác.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo do Cơ quan Phối hợp kiểm soát dịch bệnh Quốc Vụ viện tổ chức ngày 19/5, ông Đồng Di Cương, Viện trưởng Khoa học và Công nghệ sinh mạng, Đại học Công nghệ - Hóa học Bắc Kinh vẫn cho rằng, thế giới hiện đang bận rộn đối phó với dịch bệnh; nếu tiến hành một cuộc điều tra đối với WHO, sẽ phấn tán sự chú ý, ảnh hưởng đến sách lược ứng phó và uy quyền của WHO, gây tác động tiêu cực, thậm chí là thảm họa đối với công cuộc phòng chống và kiểm soát dịch bệnh toàn cầu.

Ủy ban Đại lục Đài Loan tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực để có thể "mở được cánh cửa vào WHO" trong kỳ họp WHA vào cuối năm nay (Ảnh: Chinanews).
Ủy ban Đại lục Đài Loan tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực để có thể "mở được cánh cửa vào WHO" trong kỳ họp WHA vào cuối năm nay (Ảnh: Chinanews).

Phản ứng của Đài Loan về kết quả WHA

Bà Thái Anh Văn, người đứng đầu chính quyền Đài Loan đã bày tỏ phản đối việc Đài Loan không được tham gia WHA, nói rằng Đài Loan sẽ không từ bỏ tham gia vào các vấn đề quốc tế vì bị đàn áp. “Bộ Ngoại giao Đài Loan” hôm 19/5 cũng lên tiếng về tuyên bố của Trung Quốc sẽ cung cấp 2 tỷ USD để giúp thế giới chống lại dịch bệnh trong vòng hai năm, nói “sự trung thực và minh bạch quan trọng hơn viện trợ tài chính”.

“Ủy ban Đại lục” của Đài Loan tối 19/5 ra tuyên bố nói “Đài Loan có chủ quyền và Đại lục không có quyền đại diện cho Đài Loan, không có khả năng và không thể chịu trách nhiệm về sức khỏe và sự an toàn của người dân Đài Loan”. Đồng thời, ủy ban này nói Đài Loan gần đây đã trao đổi hợp tác với các nước liên quan và tổ chức một số hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch bệnh. Trong tương lai, Đài Loan sẽ tiếp tục đóng góp kinh nghiệm chuyên môn về y tế công cộng và phòng chống dịch bệnh; đồng thời tích cực nỗ lực để mở ra cánh cửa WHO khi WHA tiếp tục họp trong năm nay.