Quốc hội “chốt“: Nghỉ hưu không còn là “hạ cánh an toàn“

VietTimes -- Chiều nay (25/11), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, chính thức đưa việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu vào Luật. Một trong những hình thức kỷ luật cán bộ về hưu là “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm”, nhưng không truất lương hữu vĩnh viễn.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua chiều 25/11 với 88,2% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua chiều 25/11 với 88,2% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Với 88,2% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Về một trong những nội dung còn nhiều tranh luận thời gian qua là xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu (khoản 18 Điều 1), các đại biểu Quốc hội đã đồng thuận với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rằng xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn, cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Theo trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Luật quy định nguyên tắc chung về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật, trong đó hình thức "xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm" là để bảo đảm thống nhất với hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng, đồng thời thực tiễn áp dụng trong thời gian qua cho thấy đã có hiệu quả nhất định, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, để thể hiện rõ hình thức kỷ luật gắn với hệ quả về vật chất, tinh thần, trong dự thảo Luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng, để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.

Cùng với xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Luật cũng quy định về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Cụ thể, Luật quy định Nhà nước có chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng; Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.

Liên quan đến việc xếp loại chất lượng cán bộ, Luật quy định, căn cứ vào kết quả đánh giá, cán bộ được xếp loại chất lượng theo các mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ; không hoàn thành nhiệm vụ.

Kết quả xếp loại chất lượng cán bộ được lưu vào hồ sơ cán bộ, thông báo đến cán bộ được đánh giá và công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ công tác. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đối với cán bộ có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.