Quí I/2020, có 15 dịch vụ công tại Cổng dịch vụ công Quốc gia

VietTimes -- Ngày 9/12 tới đây, Cổng dịch vụ công Quốc gia sẽ khai trương. Bước đầu, sẽ có 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp, tăng thêm 7 dịch vụ công vào quý I/2020.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Thông tin được chia sẻ tại buổi họp báo về khai trương Cổng dịch vụ công Quốc gia do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 7/12, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. 

Ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ - cho biết, khi khai trương, Cổng dịch vụ công Quốc gia sẽ có 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố (TP) gồm: đổi giấy phép lái xe, thông báo hoạt động khuyến mại, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình), dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện.

Bên cạnh đó, Cổng dịch vụ công Quốc gia cũng cung cấp 4 dịch vụ công cấp Bộ gồm: Cấp giấy phép lái xe quốc tế, đăng ký khuyến mãi, nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp;

Ngoài ra, ông Ngô Hải Phan cũng cho biết, Cổng dịch vụ công Quốc gia cũng sẽ cung cấp thêm một số dịch vụ công đối với 4 địa phương đã tích hợp trong năm 2019. Ví dụ tại TP Hồ Chí Minh là đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải phòng là đăng ký khai sinh…

Ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ - chia sẻ thông tin về Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ - chia sẻ thông tin về Cổng dịch vụ công Quốc gia.

"Tới quý I năm 2020, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm và thu phạt vi phạm giao thông đường bộ" - ông Ngô Hải Phan nói.

Bên cạnh việc hỗ trợ thực hiện, tra cứu, theo dõi tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp các tiện ích liên quan đến việc thực hiện dịch vụ công; Cổng dịch vụ công Quốc gia còn có có chức năng tiếp nhận phản ánh kiến nghị liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, chuyển xử lý và theo dõi chi tiết tình trạng xử lý của Bộ, ngành, địa phương; Thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công sử dụng tài khoản của các ngân hàng, trung gian thanh toán; Đánh giá sự hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công.

Theo ông Ngô Hải Phan, Cổng dịch vụ công Quốc gia hướng tới số hóa hồ sơ, giấy tờ giấy; chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính; thúc đẩy cải cách hành chính...

Từ đó, giúp hạn chế việc đầu tư dàn trải tại các bộ, ngành, địa phương; tăng cường quản lý nhà nước, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, tăng trách nhiệm giải trình và năng lực phản ứng chính sách, thúc đẩy quá trình cải cách hành chính.

Đồng thời, việc thực hiện thủ tục hành chính tại Cổng dịch vụ công Quốc gia đang cung cấp sẽ tiết kiệm được 2.854 tỷ đồng/năm, trong đó, tính riêng chi phí tiết kiệm được do thực hiện qua Cổng dịch vụ công Quốc gia mang lại khoảng 863 tỷ đồng.

Buổi họp báo thông tin về khai trương Cổng dịch vụ công Quốc gia ngày 7/12.
Buổi họp báo thông tin về khai trương Cổng dịch vụ công Quốc gia ngày 7/12.

Các dịch vụ công được lựa chọn tích hợp lên cổng là những dịch vụ có số lượng hồ sơ phát sinh lớn, thiết yếu với người dân, doanh nghiệp. Với Cổng dịch vụ công Quốc gia, người dân chỉ phải đăng nhập một lần, sử dụng 1 tài khoản để đăng nhập các Cổng dịch vụ công của Bộ, của địa phương, giảm thiểu rất nhiều thủ tục, thao tác, không bắt buộc người dân phải nhớ nhiều, thực hiện thủ tục thuận tiện hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, việc lựa chọn đưa 8 nhóm dịch vụ công thể hiện tinh thần hướng tới người dân của Chính phủ bởi đây là những dịch vụ thiết thân với nhiều người. Bên cạnh đó, 8 dịch vụ này giúp tận dụng những nền tảng sẵn có về công nghệ, để người dân thấy quy trình tiếp cận dễ dàng, thân thiện.

Ông Mai Tiến Dũng cũng thông tin, sau khi Cổng dịch vụ công Quốc gia được khai trương, Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để trải nghiệm thủ tục, nắm bắt được những khó khăn đối với người dân, thực sự kết nối với doanh nghiệp.