“Quê lúa” Thái Bình, Hà Nam được chọn để thí điểm cơ chế tích tụ đất đai

Viettimes - Văn phòng chính phủ vừa gửi công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tới Bộ TNMT và UBND tỉnh Thái Bình, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam về việc cho phép thí điểm cơ chế tích tụ đất đai.
Ruộng đất manh mún hiện được xem như nguyên nhân lớn nhất cản trở sức sản xuất nông nghiệp. Ảnh: UBND Huyện Kiến Xương - Thái Bình
Ruộng đất manh mún hiện được xem như nguyên nhân lớn nhất cản trở sức sản xuất nông nghiệp. Ảnh: UBND Huyện Kiến Xương - Thái Bình

Theo đó, căn cứ đề nghị của Tỉnh ủy Hà Nam và của UBND tỉnh Thái Bình, ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ NNPTNT…, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao UBND tỉnh Hà Nam và UBND tỉnh Thái Bình lập đề án thí điểm về cơ chế tập trung, tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn hai tỉnh này.

Phó thủ tướng giao Bộ TNMT chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định và trình Chính phủ để báo cáo Ban cán sự Chính phủ, trình Bộ Chính trị cho ý kiến về đề án này.

Hiện, chưa rõ các tỉnh Thái Bình và Hà Nam đã đề xuất việc cho phép thí điểm cơ chế tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng nào, liệu đã có sự tham dự của doanh nghiệp tiềm năng nào hay chưa ?

Nhiều tỉnh hiện đã xuất hiện mô hình tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung. Các hình thức tích tụ đất đai cũng khá đa dạng, như thu hồi đất giao cho doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa, hoặc doanh nghiệp ký hợp đồng thuê đất của nhiều nông dân và thuê chính nông dân làm công nhân nông nghiệp.
Mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp tập trung cũng không phải mới mẻ, mà đã xuất hiện khá lâu tại Việt Nam. Tiêu biểu là mô hình hợp tác xã kiểu cũ, hay hợp tác xã kiểu mới như hiện nay. Hiện, cả nước còn hàng chục nông trường cũng có thể xem là một mô hình tích tụ ruộng đất.
Tuy nhiên, các mô hình tích tụ này vẫn không phát huy hiệu quả như kỳ vọng.