Quảng Ninh: Gần 70 tỷ đồng để thuê trường và cuộc di chuyển vội vã

VietTimes -- Sự việc gần 600 học sinh Trường THPT Tiên Yên nghỉ học để phản đối quyết định chuyển trường của UBND tỉnh Quảng Ninh đang gây xôn xao dư luận. Các chuyên gia giáo dục đánh giá, quyết định chuyển trường này có phần vội vã, thậm chí, có nhiều điểm bất thường.
Quyết định số 896 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc thuê trường
Quyết định số 896 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc thuê trường

Bất thường thời gian thuê

Theo công văn số 1846 ngày 25/3 của UBND tỉnh Quảng Ninh, Trường THPT Tiên Yên cũ được đầu tư từ gần nửa thế kỷ, nay đã xuống cấp. Vì vậy, để tạo điều kiện cho Trường có cơ sở vật chất đảm bảo hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Quảng Ninh phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Tiên Yên trình UBND tỉnh Quảng Ninh xây dựng phương án thuê cơ sở vật chất của Trường THPT Nguyễn Trãi cho Trường THPT Tiên Yên.

Ngày 8/3/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định 896 phê duyệt phương án này, đồng thời, quyết định thuê cơ sở vật chất của trường mới trong thời gian 30 năm với giá 2,281 tỷ đồng/năm, do UBND tỉnh bố trí ngân sách.

Tuy nhiên, Quyết định này của tỉnh Quảng Ninh khiến các phụ huynh cho rằng có sự bất thường khi thời gian thuê quá dài. Đã vậy, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh còn có kế hoạch đưa học sinh Trường THPT Tiên Yên chuyển sang địa điểm mới từ tháng 4/2019, với lý do chuyển trước mùa mưa bão sẽ giúp nhà trường sớm ổn định, tập trung giảng dạy chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và hoàn thành nhiệm vụ năm học 2018 – 2019.

Tuy nhiên, câu hỏi của các phụ huynh đặt ra không phải không có lý do: Tại sao lại phải chuyển trường một cách vội vã khi chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm học - thời điểm phải hạn chế tối đa sự xáo trộn để các em học sinh tập trung cho kỳ thi, nhất là các lớp cuối cấp? Chính quyết định này đã dẫn đến việc "bãi trường" của hàng trăm học sinh, để rồi tỉnh lại phải ra công văn hỏa tốc lùi thời gian chuyển trường. Việc chuyển trường  vào thời điểm không phù hợp liệu có vì một mục đích phi giáo dục nào không, cũng là câu hỏi đang khiến nhiều người băn khoăn.

Quyết định thông tin chi tiết về tiền thuê trường hàng năm
Quyết định thông tin chi tiết về tiền thuê trường hàng năm

Về quyết định thuê trường trong thời gian 30 năm của UBND tỉnh Quảng Ninh, trao đổi với phóng viên VietTimes, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ đã chỉ ra hai điểm bất thường: Thứ nhất, cứ cho rằng trường cũ đã xuống cấp không thể sử dụng được, phải chuyển học sinh sang cơ sở mới để đảm bảo cho việc học tập của các cháu. Song, lý do này vẫn không thể giải thích minh bạch cho thời gian thuê trường quá dài, tận 30 năm. "Thời gian để xây, cải tạo một ngôi trường tối đa chỉ khoảng 2 năm và cơ sở vật chất của trường cũ vẫn luôn sẵn có. Vì vậy, lý do gì khiến học sinh, thầy cô phải đi thuê trường tới 30 năm?” – nguyên Thứ trưởng đặt câu hỏi.

Thứ hai, về cơ sở vật chất của Trường THPT Tiên Yên cũ, nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ cho biết, đúng ra, UBND tỉnh Quảng Ninh cần có một hội đồng thẩm định, có biên bản đánh giá và được phụ huynh nhà trường đồng ý rằng ngôi trường cũ đã thực sự xuống cấp, không đảm bảo điều kiện học tập. Tuy nhiên, hiện chưa thấy bằng chứng nào từ phía tỉnh Quảng Ninh cho thấy cơ sở vật chất của nhà trường thực sự xuống cấp! Chính vì vậy mà UBND tỉnh Quảng Ninh chưa thuyết phục được học sinh, phụ huynh và cả dư luận.

Gần 70 tỷ chỉ để thuê trường

Cũng trong Quyết định 896, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thông tin về mức giá thuê trường. Cụ thể, từ tháng 4/2019 đến tháng 12/2019, giá thuê là 1,710 tỷ đồng. Giá thuê các năm tiếp theo là 2,281 tỷ đồng/năm, mức giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí bảo trì, duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất… Sau 10 năm, hai bên sẽ thương thảo lại giá thuê.

Quyết định ghi rõ thời hạn thuê trường là 30 năm
Quyết định ghi rõ thời hạn thuê trường là 30 năm

Nhẩm tính giá thuê trường, Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ cho biết, nếu giữ nguyên mức giá nói trên, thì trong vòng 30 năm, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tốn gần 70 tỷ đồng để thuê trường.

Trong khi đó, chưa có thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh về kế hoạch đối với ngôi trường cũ được cho là đã xuống cấp. “UBND tỉnh có cải tạo hay xây lại trường cũ không? Nếu không, cơ sở vật chất của trường công lập cũ mà Nhà nước đã đầu tư sẽ bị bỏ không hoặc bị phá bỏ, cộng thêm tiền đi thuê trường, gây lãng phí hàng tỷ đồng của ngân sách. Trong điều kiện Nhà nước còn khó khăn, người dân còn nghèo, ngân sách eo hẹp, quyết định chi ngân sách này của UBND tỉnh Quảng Ninh có hợp lý hay không?” – ông Trần Xuân Nhĩ chỉ ra.

THPT Tiên Yên nơi xảy ra vụ việc
Trường THPT Tiên Yên nơi xảy ra vụ việc

Đồng quan điểm, GS. Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, UBND tỉnh Quảng Ninh cần phải trả lời rõ mục đích của việc yêu cầu học sinh phải chuyển trường vào đầu mùa thi, cũng như khi lấy đất của nhà trường, thì tỉnh sử dụng vào mục đích gì?

Bên cạnh đó, GS. Nguyễn Minh Thuyết cũng đặt câu hỏi: “Vì sao UBND tỉnh Quảng Ninh lại sử dụng gần 70 tỷ đồng để thuê trường, mà không dùng để xây trường mới cho học sinh? Con số 70 tỷ đồng rất lớn, đủ để xây một ngôi trường khang trang, vững chãi hơn, nhưng tại sao tỉnh lại khăng khăng bắt phải đi thuê trường như vậy? Mà, sau 30 năm, hết số tiền thuê, học sinh địa phương sẽ học ở đâu và ngôi trường cũ liệu có bị xóa sổ?”

Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long – người ký Quyết định số 896 và Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh Vũ Liên Oanh, để làm rõ các vấn đề xung quanh vụ việc, thì điện thoại  của hai người này luôn không bắt máy. Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên Hoàng Mạnh Hưng thì từ chối trả lời với lý do đang ốm và cho biết huyện chỉ phụ trách thi hành quyết định của tỉnh.

Vì vậy, những câu hỏi mà chuyên gia giáo dục và dư luận đặt ra vẫn đang bỏ ngỏ.