Quảng Nam: Tập trung phát triển công nghiệp, DN chủ động phòng chống dịch và phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đó là khẳng định của ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - tại cuộc họp báo về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2022 diễn ra sáng nay, ngày 3/12.
Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại buổi họp báo
Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại buổi họp báo

Kinh tế đang phục hồi trở lại

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tăng trưởng kinh tế địa phương năm 2021 đang có dấu hiệu hồi phục. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 ước đạt 60.491 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 5,04% so với cùng kỳ (năm 2020 tăng trưởng -5,5%). Quy mô nền kinh tế (theo giá hiện hành) đạt hơn 102.017 tỷ đồng.

Trong đó, cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp chiếm 13,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,8%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 32,9%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 18,5%. Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt 67,5 triệu đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ.

Quảng Nam sẽ nâng cấp Sân bay Chu Lai đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế

Quảng Nam sẽ nâng cấp Sân bay Chu Lai đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 là 30.258 tỷ đồng, tăng 5,2% so với năm 2020 và chiếm 29,7% GRDP. Trong đó vốn đầu tư công năm 2021 hơn 5.015 tỷ đồng. Đặc biệt, khu vực công nghiệp và xây dựng có sự phục hồi, sản xuất công nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tăng trưởng 7,8% so với cùng kỳ (trong đó lĩnh vực công nghiệp tăng 9,1%); Thương mại - dịch vụ chưa hồi phục, chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ; Nông, lâm và thuỷ sản tiếp tục duy trì với mức tăng trưởng ổn định 3,6%; Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 68.776 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay hơn 81.589 tỷ đồng, tăng 2,82%.

Thu ngân sách nhà nước đảm bảo tiến độ, dự kiến vượt dự toán. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 21.154 tỷ đồng, đạt 109,3% so với dự toán. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 3,5 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 24/11/2021, tổng vốn đầu tư công năm 2021 giải ngân hơn 4.749 tỷ đồng, đạt 65% so với tổng vốn đầu tư công năm 2021…

Đến 2030, Quảng Nam là địa phương phát triển mạnh

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – cho biết: “Để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2021 trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh như thời gian qua, đó là nỗ lực rất lớn của toàn bộ hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng Tỉnh uỷ Quảng Nam xác định năm 2022 là tiền đề để địa phương phát triển cho những năm tới. Mục tiêu của Quảng Nam đến năm 2030 sẽ là địa phương phát triển mạnh của cả nước”.

Ông Thanh cho biết, trong năm 2022, Quảng Nam sẽ tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa từng bước phát triển kinh tế. Tập trung phát triển công nghiệp, giao cho doanh nghiệp chủ động thực hiện công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế; nắm bắt lại tất cả các nhóm ngành; Tiếp tục tháo gỡ, chấn chỉnh các hoạt động đầu tư nhà ở trên địa bàn, nhất là khu vực Thị xã Điện Bàn thuộc khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc.

“Sẽ rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý các dự án tại các địa bàn trọng điểm, nhất là năng lực chủ đầu tư… Sẽ tiếp tục xem xét thu hồi lại các dự án thực hiện kém hiệu quả. Khi thu hồi sẽ sử dụng cho đất công cộng, công viên, trường học, bệnh viện… Hạn chế thấp nhất việc bàn giao trở lại cho doanh nghiệp để dành quỹ đất cho phát triển chất lượng sống cho người dân. Đặc biệt, sẽ phát triển quỹ nhà ở xã hội để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”- ông Thanh chia sẻ.

Đối với vùng kinh tế động lực, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục tập trung phát triển khu vực đô thị vùng Đông theo hướng đô thị sinh thái, đô thị thông minh, hạn chế chia nhỏ manh mún dự án… “Đây là định hướng để phát triển khu vùng Đông trở thành vùng đô thị động lực cho tỉnh Quảng Nam trong tương lai”- ông Thanh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Quảng Nam sẽ làm việc với Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, để đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2022, truyền tải thông điệp phòng chống dịch đến với du khách quốc tế, góp phần tăng trưởng kinh tế cho địa phương.

Một góc đô thị cổ Hội An

Một góc đô thị cổ Hội An

“Đây là những nỗ lực của tỉnh Quảng Nam trong công tác phòng dịch cũng như tri ân với du khách quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ năm 2021, Quảng Nam đã rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, xem xét đánh giá, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng đáp ứng nhu cầu của du khách… để tạo đà cho sự trở lại của ngành du lịch”- ông Thanh cho biết thêm.

Được biết, trong năm 2022, Quảng Nam sẽ phát triển du lịch theo hướng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, đáp ứng nhu cầu của du khách hậu COVID-19 theo hướng du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường, thích ứng với điều kiện mới, kết hợp với phát triển du lịch biển đảo, sông nước, trải dài cả vùng núi… du lịch thân thiện.

Đối với nông nghiệp, bên cạnh cây sâm Ngọc Linh, Quảng Nam sẽ tập trung phát triển nông nghiệp cho khu vực miền núi, trung du, xác định phát triển đàn bò làm sản phẩm chủ lực thúc đẩy phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp của địa phương .