Quan ngại về Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tăng cường hợp tác chống vũ khí siêu thanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mỹ và Nhật Bản nhất trí tăng cường hợp tác khoa học trong công nghệ quân sự, bao gồm phòng thủ chống lại các loại vũ khí siêu thanh.
Mỹ, Nhật Bản tăng cường hợp tác để đối phó với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực (Ảnh: Handout)
Mỹ, Nhật Bản tăng cường hợp tác để đối phó với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực (Ảnh: Handout)

Động thái mới diễn ra trong lúc Tokyo và Washington đang điều phối cách phản ứng của họ trước cái mà họ cho là những thách thức an ninh mà Trung Quốc gây ra.

“Khi các nhà nghiên cứu của Mỹ và Nhật Bản đóng góp sức mạnh của họ, chúng ta có thể vượt trội bất cứ ai trong vấn đề cạnh tranh và đổi mới” – Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong cuộc họp “2+2” của giới chức ngoại giao và quốc phòng cấp cao của Mỹ và Nhật Bản.

Thông tin về thỏa thuận này xuất hiện sau khi Nhật Bản và Australia tuyên bố một hiệp ước quân sự mới, sau khi có báo cáo về các vụ thử vũ khí siêu thanh mà Trung Quốc thực hiện trong năm ngoái và cả vụ thử tên lửa mới đây nhất của Triều Tiên. Ngoài việc chống lại các vũ khí siêu thanh, các nhà khoa học đến từ Mỹ và Nhật Bản cũng sẽ hợp tác trong nghiên cứu và phát triển những khả năng không gian tối tân, ông Blinken nói.

Ngoại trưởng Mỹ đưa ra bình luận trên trong một cuộc họp trực tuyến giữa ông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và hai người đồng cấp Nhật Bản gồm Ngoại trưởng Yosshimasa Hayashi và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi.

Ngoài hợp tác nghiên cứu, ông Blinken cũng tuyên bố rằng trong vài ngày tới hai nước sẽ ký kết một khung làm việc hỗ trợ nước chủ nhà trong vòng 5 năm để giải quyết vấn đề đóng góp tài chính của Tokyo đối với các binh sĩ Mỹ đang đồn trú trên lãnh thổ Nhật Bản. Theo thỏa thuận này, Nhật Bản sẽ chi 9,33 tỉ USD trong vòng 5 năm tới để duy trì lực lượng Mỹ - khoảng 54.000 – trên lãnh thổ của họ.

Trong bối cảnh hai nước đang tìm cách điều phối nỗ lực chung để thúc đẩy cái mà họ gọi là khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương “tự do và cởi mở”, Bắc Kinh đã cáo buộc Tokyo và Washington lập nhóm để chống lại Trung Quốc và kích động sự đối đầu trong khu vực.

Sau cuộc họp “2+2” trong năm ngoái, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng sự hợp tác giữa Mỹ và Nhật Bản “sẽ chỉ khiến thế giới ngày càng thấy rõ bản chất gây hại của khối đồng minh Mỹ-Nhật, là cố gắng làm xói mòn hòa bình và sự ổn định trong khu vực”.

Trong một tín hiệu rõ ràng cho thấy Nhật Bản đang nỗ lực tăng cường quan hệ quân sự với các đồng minh trong khu vực giữa bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc, trong hôm 6/1, Tokyo đã ký một hiệp định quốc phòng với Canberra để dỡ bỏ những rào cản pháp lý, cho phép binh sĩ của mỗi nước đi vào lãnh thổ của nước còn lại.

Trong khi đó, Mỹ cũng tăng cường quan hệ an ninh với Anh và Australia thông qua hiệp định AUKUS và hợp tác chặt chẽ với Liên minh châu Âu (EU) về các vấn đề công nghệ, kinh tế thông qua Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ-EU.

Cáo buộc cả Trung Quốc và Nga là đang tiêu hủy các quy tắc quốc tế trên đất liền, trên biển, trong không gian và không gian mạng, ông Blinken hôm 6/1 nói rằng “những hành động khiêu khích của Bắc Kinh đang tiếp tục làm tăng căng thẳng trên eo biển Đài Loan, ở Biển Đông và biển Hoa Đông”.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Washington cũng nêu nhiều quan ngại về sự hợp tác quốc phòng ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Moscow, chỉ vài ngày sau khi có thông tin rằng hai nước sẽ ký kết một thỏa thuận hợp tác trong không gian trong năm nay.

Bên cạnh “những hành động đe dọa và hung hăng” của Trung Quốc, ông Austin còn nói rằng tham vọng hạt nhân của Triều Tiên cũng góp phần làm tăng căng thẳng trong khu vực và gây ra nhiều thách thức đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương “ổn định và an toàn”.

Giới chức Nhật Bản không chỉ đích danh Bắc Kinh trong buổi họp trực tuyến hôm 6/1, nhưng có thể thấy rõ là họ đang ngầm ám chỉ Trung Quốc trong các phát ngôn của mình.

“Cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức cơ bản và đa chiều, như sự thay đổi trong cán cân chiến lược, những hành động đơn phương và đe dọa nhằm thay đổi hiện trạng, lợi dụng hành động gây sức ép không công bằng và nhiều hành động khác” – ông Hayashi nói.