Quản lý, sử dụng chất tạo nạc: pháp luật còn kẽ hở

Cho dù Bộ luật Hình sự 2015 có xác định hành vi sử dụng chất tạo nạc - chất cấm trong chăn nuôi gia súc thương phẩm - là phạm tội thì kẽ hở pháp luật trong quản lý, sử dụng chất cấm vẫn còn...
Quản lý, sử dụng chất tạo nạc: pháp luật còn kẽ hở

Gây hại sức khỏe, chỉ...  “phạt rẻ”!

Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hiệp hội các ngành sinh học Việt Nam, chất tạo nạc được người chăn nuôi heo sử dụng trong thời gian qua chủ yếu là clenbuterol  salbutamol. Cả hai chất này, đều bị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Ở Việt Nam, từ năm 2002, các chất tạo nạc gốc beta-agonistnhư clenbuterol, salbutamol, ractopamine bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Các chất này cũng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi của (Thông tư 28/2014).

Cấm sử dụng chất tạo nạc gốc beta-agonist trong chăn nuôi là bởi các chất này sẽ tồn dư trong thịt gia súc thương phẩm và gây tác hại cho sức khỏe con người. Các chuyên gia y tế đã chỉ ra rằng, người sử dụng thịt heo có dư lượng chất tạo nạc cao sẽ bị giãn cơ cuống phổi, giãn cơ tử cung, đồng thời kích thích giải phóng insulin và quá trình phân giải glucose... rất nguy hiểm đối với bệnh tim mạch.

Thế nhưng không ít người chăn nuôi gia súc đã bất chấp... vẫn sử dụng chất cấm tạo nạc trong chăn nuôi gia súc. Gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trang trại nuôi heo ở Đồng Nai, TPHCM... có sử dụng các chất tạo nạc gốc beta-agonist. Vì sao vậy? Vì heo có sử dụng chất tạo nạc không chỉ lớn nhanh, thịt ít mỡ, nhiều nạc mà còn có màu thịt tươi - được người sử dụng và các công ty chế biến thực phẩm ưa dùng - nên dễ bán, giá cao, lãi nhiều.

Mặc dù luật pháp cũng đã có quy định xử phạt hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nhưng xem ra chưa hiệu quả. Theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi (Nghị định 119/2013), thì hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chỉ bị phạt từ 5-10 triệu đồng (đối với hộ gia đình); và 10-20 triệu đồng (đối với trang trại) theo điều 13 và điều 36.

Luật sư Phan Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Phan Hùng, cho rằng quy định mức xử phạt vi phạm như vậy là quá nhẹ, không đủ sức răn đe  vì lợi nhuận người chăn nuôi có sử dụng chất cấm thu được cao hơn gấp nhiều lần so với số tiền họ phải bỏ ra để nộp phạt. Trong khi, pháp luật lại không có quy định nào để xử phạt đối với hành vi mua bán chất cấm trong chăn nuôi nhưsalbutamol do nó được ngành y tế sử dụng.

Vẫn biết “cái khó” hiện nay là các chất gốc beta-agonist như salbutamol bị cấm sử dụng trong chăn nuôi nhưng lại cho phép dùng để chữa bệnh (suyễn) cho người. “Nhìn vào số lượng salbutamolkhông dùng chữa bệnh mà bán ra thị trường có thể dễ dàng xác định được trách nhiệm thuộc về ai, cơ quan nào, nhưng pháp luật lại chưa có quy định chế tài”, luật sư Hùng nói.

Phạt tù, cần hướng dẫn

Hiện nay, các chất beta-agonist như ractopamine, clenbuterol và salbutamol nằm trong danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam chứ không phải là loại hàng cấm lưu hành tại nước ta, nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm” theo điều 155 Bộ luật Hình sự.

Mặt khác, Bộ luật Hình sự hiện hành cũng không có điều khoản nào quy định về hành vi mua, bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là tội phạm, mà chỉ có quy định về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” và tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi” mà thôi!

Tuy nhiên, với Bộ luật năm 2015, có hiệu lực từ 1-7-2016 tới đây, nhiều người nghĩ và kỳ vọng sẽ xử lý được hành vi sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi.

Bởi vì, điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 - Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm - quy định người nào có hành vi “Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm; sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y...trong trồng trọt, chăn nuôi... tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm” thì sẽ bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ một đến năm năm tù.

Nếu phạm tội có tổ chức, làm chết một người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của hai người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31-60%; hoặc thu lợi bất chính từ 100-500 triệu đồng... sẽ bị phạt từ 200-500 triệu đồng hoặc sẽ bị phạt tù từ ba đến bảy năm tù.

Nếu phát hiện thực phẩm không an toàn, theo Bộ luật Hình sự 2015, cơ quan chức năng phải xử lý người bán thịt - nếu người bán biết thịt có chất cấm mà vẫn bán; nếu người bán “không biết có chất cấm”, không xử lý được thì phải xử lý nơi giết mổ. Nhưng nếu nơi giết mổ không bơm chất cấm vào thịt và cũng không biết heo có chất cấm thì phải xử lý người chăn nuôi. Nhưng nếu người chăn nuôi lại vô tình mua thức ăn có chất cấm thì lại phải tìm xử lý cơ sở sản xuất thức ăn gia súc...

Thậm chí, nếu hành vi phạm tội làm chết từ hai người trở lên, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ba người trở lên... hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu trở lên thì hình phạt chính là phạt tù (không còn phạt tiền nữa) với mức phạt có thể từ bảy đến 20 năm.

Như vậy, Bộ luật Hình sự đã xử lý nặng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm, nhẹ thì phạt bằng tiền, nặng thì bỏ tù đến 20 năm. Tuy nhiên, theo luật sư Hùng, quy định này của Bộ luật Hình sự cần được hướng dẫn rõ ràng thêm thì mới có thể áp dụng vào thực tiễn. Bởi vì, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gia súc và quy định về “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” có khoảng cách quá lớn.

Thực tế, nếu phát hiện thực phẩm không an toàn, như thịt heo có chứa dư lượng salbutamol chẳng hạn, theo Bộ luật Hình sự 2015, cơ quan chức năng phải xử lý người bán thịt - nếu người bán biết thịt có chất cấm mà vẫn bán; nếu người bán “không biết có chất cấm”, không xử lý được thì phải xử lý cơ cở sơ chế thịt - nơi giết mổ. Nhưng nếu nơi sơ chế không bơm chất cấm vào thịt và cũng không biết heo có chất cấm thì phải xử lý người chăn nuôi. Nhưng nếu người chăn nuôi lại vô tình mua thức ăn có chất cấm thì lại phải tìm xử lý cơ sở sản xuất thức ăn gia súc...

Cho nên, theo luật sư Hùng, nếu điều 317 của Bộ luật Hình sự không được hướng dẫn chi tiết thì việc xử lý chất cấm có trong thực phẩm rất khó khăn, phức tạp. Đặc biệt, các cơ quan chức năng sẽ rất khó khăn khi xử lý hành vi đưa chất cấm vào thức ăn gia súc. Bởi vì, liệu có thể áp dụng hành vi phạm “tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” cho người có hành vi sản xuất chất ăn gia súc, không trực tiếp sản xuất thực phẩm - dù thực tế có liên quan?

Theo TBKTSG