Quan hệ Ukraina - Nga đi về đâu dưới thời tân Tổng thống V.Zelensky?

VietTimes -- Sau khi Tổng thống Nga V.Putin bày tỏ sẵn sàng khôi phục quan hệ toàn diện với Ukraina và mở ra cơ hội hạ nhiệt căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng, ngày 27/4/2019 Tổng thống mới đắc cử của Ukraina, ông V.Zelensky, bất ngờ tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Nga và thảo luận về những điều kiện mới nhằm thiết lập quan hệ “cùng tồn tại” giữa hai nước. Trước động thái này, cộng đồng quốc tế hy vọng quan hệ Ukraina - Nga sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, mối quan hệ này sẽ được cải thiện như thế nào và cải thiện tới đâu vẫn là một ẩn số lớn chưa có lời giải.
Tổng thống mới đắc cử của Ukraina, ông V.Zelensky,
Tổng thống mới đắc cử của Ukraina, ông V.Zelensky,

Quan hệ Ukraina - Nga theo quan điểm của V.Zelensky

Trước khi diễn ra cuộc bầu cử, ứng cử viên V.Zelensky đã cho công bố cương lĩnh tranh cử với nhiều nội dung đáng chú ý, trong đó về quan hệ với Nga có hai điểm rất đáng chú ý. Một là, Ukraina sẽ thu hồi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng (ý nói Crimea mà Tổng thống Nga V.Putin đã từng tuyên bố với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng mãi mãi thuộc chủ quyền của Nga) và bị kiểm soát tạm thời (ý nói về hai tỉnh Donetsk và Lugansk ở Miền Đông Ukraina) và buộc phía Nga phải bồi thường thiệt hại từ sự chiếm đóng đó. Hai là, xúc tiến xây dựng Quân đội Ukraina theo tiêu chuẩn tổ chức biên chế và trang bị của NATO để hướng tới gia nhập liên minh này trong tương lai [1].

Chưa đầy một tuần sau cuộc bầu cử, V.Zelensky đưa ra một số quyết định có ý nghĩa then chốt.

Một là, trừng phạt những quan chức của Ukraina để mất Crimea về tay người Nga và để Quân đội Ukraina thất bại trong cuộc nội chiến giành lại quyền kiểm soát vùng Donetsk và Lugansk. Quyết định này được ông Ivan Aparshin - cố vấn về quốc phòng và an ninh của Tổng thống đắc cử V.Zelensky tuyên bố công khai. 

Hai là, cực lực lên án quyết định của Tổng thống V.Putin về việc đơn giản hóa thủ tục cấp hộ chiếu Nga cho công dân Ukraina và kêu gọi các quốc gia trên thế giới tiếp tục trừng phạt Nga. Ông V.Zelensky tuyên bố, quyết định này của Tổng thống Nga V.Putin thêm một lần nữa chứng tỏ Nga là “quốc gia xâm lược Ukraina”.

Ba là, tuyên bố sẽ ngăn cấm sử dụng tiếng Nga trên lãnh thổ Ukraina. Tuyên bố này được đưa ra đồng thời với quyết định của Quốc hội Ukraina xác định tiếng Ukraina là ngôn ngữ quốc gia duy nhất. Quyết định này có ý nghĩa như việc khẳng định Ukraina là “dân tộc thượng đẳng” tương tự như Đức quốc xã tuyên bố người Arian là “dân tộc thượng đẳng” trong cao trào chủ nghĩa phát xít ở quốc gia này trong những năm 1930, đã từng châm ngòi Chiến tranh thế giới lần thứ II ở Châu Âu.

Bốn là, kiên quyết đòi lại Crimea và giành quyền kiểm soát khu vực Miền Đông Ukraina. Ông V.Zelensky tuyên bố sẽ không bao giờ trao cho hai vùng Lugansk và Donetsk quy chế đặc biệt trong lãnh thổ Ukraina như quy định trong Thỏa thuận Minsk. Ông V.Zelensky cũng sẽ không ký quyết định ân xá cho các binh sĩ của lực lượng vũ trang của Cộng hòa Nhân dân Lugansk và Cộng hòa Nhân dân Donetsk đã từng tham gia chiến sự chống lại Quân đội Ukraina [2-5].

Với những tuyên bố và quyết định đó của ông V.Zelensky, quan hệ giữa Ukraina và Nga sẽ khó có thể được cải thiện, thậm chí có thể châm ngòi cho các cuộc xung đột mới ẩn chứa nhiều hiểm họa ở hai khu vực Donetsk và Lugansk, thậm chí cả ở Crimea. Ngoài ra, định hướng đưa Ukraina gia nhập NATO là điều Nga sẽ không bao giờ chấp nhận.

l
Quan hệ Ukraina - Nga sẽ khó có thể được cải thiện, chí ít là theo hướng “cùng tồn tại” như ý định của ông V.Zelensky

Tối hậu thư của V.Putin đối với V.Zelensky

Dự đoán trước diễn biến tình hình trên chính trường Ukraina sẽ rất  phức tạp và tiêu cực, Tổng thống Nga V.Putin đã đưa ra hai quyết định có tính chất tối hậu thư đối với chính quyền tương lai ở Kiev.

Một là, đáp trả quyết định của chính quyền Kiev cấm vận toàn diện đối với Nga, Tổng thống V.Putin quyết định từ ngày 1/6/2019 Nga sẽ ngừng cung cấp dầu thô, than, xăng, dầu diezel cho Ukraina. Quyết định này sẽ có ảnh hưởng sống còn không chỉ tới hoạt động kinh tế của Ukraina mà còn hạn chế đáng kể khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội Ukraina. 

Hai là, ngày 24/4/2019, Tổng thống Nga V.Putin ký sắc lệnh đơn giản hóa thủ tục cấp hộ chiều Nga cho công dân Ukraina ở Cộng hòa Nhân dân Lugansk và Cộng hòa Nhân dân Donetsk ở Miền Đông Ukraina. Sắc lệnh nêu rõ, quyết định này nhằm bảo vệ các quyền và tự do của các cá nhân phù hợp với nguyên tắc đã được thừa nhận trong Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng lập pháp ở St.Petersburg, Tổng thống Nga V.Putin cho biết, người dân đang sinh sống trong lãnh thổ của các nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk hoàn toàn bị tước bỏ mọi quyền công dân và điều này đã vượt quá giới hạn của quyền con người.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia giải thích, sở dĩ Nga quyết định cấp hộ chiếu cho các công dân Cộng hòa Nhân dân Lugansk và Cộng hòa Nhân dân Donetsk là do chính quyền Kiev không thực hiện bất kỳ nội dung nào để thực thi các điều khoản trong Thỏa thuận Minsk. Trong đó có điều khoản Ukraina phải sửa đổi Hiến pháp để trao quy chế đặc biệt cho hai vùng Donetsk và Lugansk; Ukraina phải mở hành lang an toàn để tổ chức tiếp cận và phân phối hàng viện trợ nhân đạo; khôi phục sự kết nối về kinh tế và xã hội giữa hai vùng Donetsk và Lugansk với các khu vực còn lại của Ukraine.

Do chính quyền Kiev không thực hiện Thỏa thuận Minsk đã dẫn tới hậu quả là điều kiện sống của người dân ở Donetsk và Lugansk ngày càng trở nên cực kỳ khó khăn sau khi Ukraina phong tỏa hoàn toàn hai khu vực này, thậm chí đặt gần 4 triệu người dân ở đây ra ngoài vòng pháp luật. Vì thế, việc Nga cấp hộ chiếu Nga cho các công dân ở Lugansk và Donetsk chỉ là nhằm tạo điều kiện về pháp lý cho họ có cơ hội nhận được sự quan tâm và bảo vệ của một nhà nước Nga sau khi đã bị chính quyền Ukraina bỏ rơi.

Theo Sắc lệnh của Tổng thống Nga V.Putin này, các công dân ở Donetsk và Lugansk muốn trở thành công dân Nga thì họ chỉ cần hoàn tất một số thủ tục gọn nhẹ để được cấp hộ chiếu trong vòng 3 tháng. Tiếp đến, ngày 27/4/2019, trong cuộc họp báo bên lề Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Tổng thống Nga V.Putin cho biết, Matxcơva đang tính đến khả năng cấp quyền công dân Nga cho tất cả các người dân nào của Ukraina có nguyện vọng theo một quy trình được đơn giản hóa. Ông V.Putin còn cho biết, chính phủ Nga đã dự tính mọi khả năng, bao gồm số người đăng ký tiềm năng, số công dân hưu trí trong tương lai, trong đó có khoản ngân sách để thực hiện quyết định này, theo đó Nga sẽ chi khoảng 1,5 tỉ USD nhưng sẽ không ảnh hưởng đến lợi ích hay các nghĩa vụ xã hội khác của các công dân Nga.

Quyết định của Tổng thống V.Putin cấp hộ chiếu Nga cho người dân sẽ đặt dấu chấm hết cho mọi toan tính phiêu lưu của một số thế lực đứng đằng sau tân Tổng thống V.Zelensky muốn đưa cuộc nội chiến ở Miền Đông Ukraina leo thang để giết hại người dân Ukraina gốc Nga mà không bị trừng phạt. Theo Học thuyết quân sự của Liên bang Nga, Các lực lượng vũ trang Nga có quyền bảo vệ công dân Nga ở bất cứ đâu trên thế giới một khi họ bị đe dọa đến tính mạng.

Quyết định này cũng sẽ ngăn chặn tác động tiêu cực từ hoạt động tuyên truyền chống phá Nga một cách ở Ukraina trong thời gian qua. Ước tính, ít nhất sẽ có khoảng 10-15 triệu công dân Ukraina sẽ được cấp hộ chiếu Nga. Theo kết quả điều tra xã hội học, đa số người dân Ukraina không muốn là công dân trong một quốc gia đang bị chính quyền áp đặt tư tưởng chủ nghĩa phát xít mới [6]

Vì thế, quyết định của Tổng thống V.Putin cấp hộ chiếu cho người dân Ukraina đã gây ra phản ứng  từ phía chính quyền Kiev và một số nước Phương Tây. Bộ Ngoại giao Mỹ coi Sắc lệnh của Tổng thống Nga V.Putin ngày 24/4/2019 là “hành động khiêu khích” và “tấn công vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina". Về phía Ukraina, Ngoại trưởng Pavlo Klimkin cho rằng quyết định của Tổng thống Nga V.Putin cấp hộ chiếu cho các công dân Ukraina tại các vùng lãnh thổ “bị chiếm đóng” là sự tiếp diễn hành động gây hấn và can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraina, đồng thời kêu gọi người dân Ukraina sinh sống ở khu vực bị chiếm đóng không nên làm đơn xin cấp hộ chiếu Nga. Tổng thống mới đắc cử của Ukraina V.Zelensky tuyên bố quyết định của Tổng thống Nga V.Putin cấp hộ chiếu cho người dân Lugansk và Donetsk là “hành động chiến tranh ở Ukraina”, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế áp đặt thêm các chế tài cấm vận mới nhằm vào Nga [7,8].

Ông V.Zelensky còn có ý định mở rộng định dạng Nhóm Normandy để mời Mỹ tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina nhằm sử dụng ảnh hưởng của Washington gây sức ép và buộc Matxcơva phải nhượng bộ. Với những động thái trên đây, quan hệ Ukraina - Nga sẽ khó có thể được cải thiện, chí ít là theo hướng “cùng tồn tại” như ý định của ông V.Zelensky./.

Tài liệu tham khảo

[1] Предвыборная программа Зеленского: главные тезисы и обещания. https://fakty.com.ua/ru/ukraine/20190408-peredvyborcha-programa-zelenskogo-golovni-tezy-i-obitsyanky/

[2]Зеленский перепутал реальность с сериалом?https://tsargrad.tv/articles/zelenskij-pereputal-realnost-s-serialom_196649

[3] Зеленский впервые обратился к Путину. https://360tv.ru/news/obschestvo/zelenskij-putin/

[4] Веское слово команды Зеленского. https://cont.ws/@pavel-shipilin/1306643

[5] Новый языковый закон "разорвет Украину на куски" - украинский политолог. https://www.pravda.ru/world/1414664-yazyk/
Читайте больше на https://www.pravda.ru/world/1414664-yazyk/

[6] Гамбургский счёт для Украины. https://cont.ws/@alexandr-rogers/1309295

[7] Заявление Зеленского по поводу выдачи Донбассу российских паспортов. https://politobzor.net/193696-zayavlenie-zelenskogo-po-povodu-vydachi-donbassu-rossiyskih-pasportov.html

[8] Выскочка Зеленский приготовил удар в спину Путину. https://dni.ru/polit/2019/4/24/422773.html