Quan hệ Trung - Ấn tiếp tục căng thẳng, Hội nghị ba ngoại trưởng Nga-Trung-Ấn không đạt kết quả

VietTimes – Giữa lúc căng thẳng ở biên giới Trung-Ấn, ngày 23/6, các Ngoại trưởng Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đã tổ chức họp trực tuyến, nhưng không khí rất căng thẳng và không ra được tuyên bố chung.
Ngày 23/6, Ngoại trưởng ba nước Nga-Trung-Ấn đã họp Hội nghị trực tuyến trực tuyến nhưng không đạt kết quả (Ảnh: Đa Chiều).
Ngày 23/6, Ngoại trưởng ba nước Nga-Trung-Ấn đã họp Hội nghị trực tuyến trực tuyến nhưng không đạt kết quả (Ảnh: Đa Chiều).

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 24/6 cho biết, tại hội nghị này, Ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar nói, những thách thức ngày nay không chỉ là về khái niệm và quy phạm, mà còn cả trong hành vi, các nước lớn trên thế giới cần gương mẫu trong mọi khía cạnh.

Ông cũng nói, tôn trọng luật pháp quốc tế, thừa nhận lợi ích hợp pháp của các đối tác, ủng hộ chủ nghĩa đa phương và thúc đẩy lợi ích chung là cách duy nhất để xây dựng trật tự thế giới lâu dài.

The Times of India ngày 24/6 viết, ông S.Jaishankar nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "thừa nhận lợi ích hợp pháp của các đối tác", là ám chỉ đến các hành động của Trung Quốc chống lại Ấn Độ.

Theo báo này, xem xét việc hội nghị trực tuyến này được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng chưa từng có trong quan hệ Trung-Ấn, rõ ràng là tâm trí Ấn Độ không phải là quan hệ ba bên. Điều không bình thường là không có tuyên bố chung hoặc thông cáo báo chí nào được đưa ra khi kết thúc cuộc họp. Trong trường hợp này, thái độ của Ấn Độ không muốn thực hiện bất kỳ hành động chung nào với Trung Quốc là điều hiển nhiên và dễ nhận thấy.

Ảnh vệ tinh của Mỹ chụp hôm 22/6 cho thấy quân đội Trung Quốc vượt qua tuyến kiếm soát thực tế (màu đỏ) sang xây dựng công sự, hầm hào bên phần đất phía Ấn Độ trong Thung lũng Galwan (Ảnh: weibo/Đa Chiều).
Ảnh vệ tinh của Mỹ chụp hôm 22/6 cho thấy quân đội Trung Quốc vượt qua tuyến kiếm soát thực tế (màu đỏ) sang xây dựng công sự, hầm hào bên phần đất phía Ấn Độ trong Thung lũng Galwan (Ảnh: weibo/Đa Chiều).

Hindustan Times cũng viết, trong bối cảnh cuộc đối đầu biên giới căng thẳng, ông S.Jaishankar đã thực hiện các đòn tấn công không cần che giấu nhằm vào Trung Quốc.

Indian Express cho rằng những nhận xét của ông S. Jaishankar dường như nhằm vào Trung Quốc mà không cần giấu diếm. Ấn Độ cho rằng với cuộc xung đột bạo lực xảy ra hôm 15/6, Trung Quốc đã vi phạm tất cả các thỏa thuận song phương kể từ năm 1993.

Theo Tân Hoa xã, tại cuộc họp này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói: "Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đều là những nước lớn toàn cầu kiên trì tự chủ chiến lược. Chúng ta nên nắm bắt thái độ hợp tác chung của ba nước với tư cách là đối tác và tạo cơ hội cho nhau; xuất phát từ từ lợi ích chung là giúp ba nước phát triển chấn hưng và bảo vệ hòa bình thế giới và phát triển để đối xử đúng đắn và xử lý ổn thỏa các nhân tố nhạy cảm trong quan hệ song phương, bảo vệ đại cục chung của quan hệ lẫn nhau và đóng góp lớn hơn cho hòa bình và phát triển khu vực và thế giới”.

Đoàn xe quân sự của Ấn Độ hành quân ra biên giới (Ảnh: Reuters).
Đoàn xe quân sự của Ấn Độ hành quân ra biên giới (Ảnh: Reuters).

 Theo Đa Chiều, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị rằng Ấn Độ và Trung Quốc không cần Nga hay các nước khác giúp giải quyết căng thẳng biên giới.

Ông Lavrov nói: "Vấn đề nào cũng có thể xảy ra giữa các quốc gia và giữa các quốc gia láng giềng cũng thế... Tôi không nghĩ rằng Ấn Độ và Trung Quốc cần những người khác giúp giải quyết các tranh chấp và tình hình cụ thể hiện nay”. Ông nói, sau vụ việc xảy ra trên biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, bộ chỉ huy quân đội tại chỗ của Trung Quốc và Ấn Độ đã ngay lập tức hội đàm và các Bộ trưởng Ngoại giao hai nước cũng đã liên lạc với nhau.

Lavrov tiết lộ: "Theo tôi biết, những sự tiếp xúc này vẫn đang diễn ra và không có bên nào đưa ra tuyên bố rằng họ không muốn đạt được thỏa thuận về nguyên tắc mà cả hai bên có thể chấp nhận. Nga dĩ nhiên rất mong muốn từ nay về sau cũng như vậy”.

Xe đầu kéo Trung Quốc chở xe tăng ra tăng cường cho biên giới với Ấn Độ (Ảnh: CCTV).
Xe đầu kéo Trung Quốc chở xe tăng ra tăng cường cho biên giới với Ấn Độ (Ảnh: CCTV).

 Đây là cuộc trao đổi chính diện đầu tiên giữa các bộ trưởng ngoại giao của Trung Quốc và Ấn Độ kể từ khi bùng nổ xung đột biên giới tuần trước. Trong cuộc họp này, Nga là một bên quan trọng để hòa giải quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã tới Moscow vào ngày 22/6 trong chuyến thăm ba ngày và gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu để thảo luận về tình hình biên giới Trung-Ấn và Ấn Độ mong muốn mua thêm vũ khí của Nga.

Được biết, tình hình ở biên giới Trung-Ấn đã rơi vào đợt căng thẳng mới kể từ đầu tháng 5. Vào ngày 15/6, quân đội hai bên đã nổ ra xung đột chí mạng ở Thung lũng Galwan, gây nên thương vong rất lớn. Ấn Độ có 20 người chết và cũng có thương vong ở Trung Quốc, nhưng không có con số cụ thể nào được tiết lộ. Được biết, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1975 có người chết trong xung đột biên giới Trung-Ấn. Tình hình rất nguy hiểm và có nguy cơ nổ ra chiến tranh giữa hai nước. Một số người trong quân đội Ấn Độ ủng hộ một cuộc tấn công quân sự hạn chế chống lại Trung Quốc.

Ảnh vệ tinh Mỹ chụp cho thấy rõ trận địa pháo (góc phải) và nhiều xe tăng Trung Quốc (góc trên bên trái) tập kết gần biên giới (Ảnh: Đa Chiều).
Ảnh vệ tinh Mỹ chụp cho thấy rõ trận địa pháo (góc phải) và nhiều xe tăng Trung Quốc (góc trên bên trái) tập kết gần biên giới  (Ảnh: Đa Chiều).

Về nguyên nhân của cuộc xung đột này, Trung Quốc và Ấn Độ đều kiên trì quan điểm riêng. Trong một cuộc gọi với Ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar vào ngày 17/6, Vương Nghị nói rằng tối ngày 15/6, “quân đội Ấn Độ ở tuyến trước đã công khai phá vỡ sự đồng thuận đạt được tại cuộc họp cấp quân đoàn giữa hai bên, vượt qua đường kiểm soát thực tế (LAC) cố tình khiêu khích, thậm chí tấn công dữ dội các sĩ quan và binh sĩ Trung Quốc đến để đàm phán, dẫn đến xung đột thể xác dữ dội và gây nên thương vong. Hành động mạo hiểm này của quân đội Ấn Độ đã vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận mà hai nước đạt được về vấn đề biên giới và vi phạm nghiêm trọng các quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế. Trung Quốc một lần nữa bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ với phía Ấn Độ”.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar nói, Trung Quốc đã tìm cách xây dựng một cấu trúc tại Thung lũng Gallevan nằm bên phía Ấn Độ của đường kiểm soát thực tế (LAC). Mặc dù đây là nguồn gốc gây tranh cãi, nhưng Trung Quốc đã có những hành động được mưu tính, có kế hoạch trước, chịu trách nhiệm trực tiếp dẫn đến xung đột bạo lực và thương vong. Điều này phản ánh ý đồ Trung Quốc muốn thay đổi sự thật và vi phạm tất cả các thỏa thuận giữa hai nước về việc không thay đổi hiện trạng.

Ảnh vệ tinh ngày 22/6 chụp một căn cứ Trung Quốc ở gần biên giới dường như vừa bị cháy (Ảnh: Đa Chiều).
Ảnh vệ tinh ngày 22/6 chụp một căn cứ Trung Quốc ở gần biên giới dường như vừa bị cháy (Ảnh: Đa Chiều).

Để giảm bớt căng thẳng, các chỉ huy quân đội cấp cao của Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức một cuộc đàm phán khác vào ngày 22/6 và hai bên đã đồng ý thực hiện các biện pháp cần thiết để thúc đẩy hạ nhiệt tình hình.

Theo Đa Chiều ngày 24/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã xác nhận tại một cuộc họp báo vào ngày 23/6 rằng lính biên phòng Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức cuộc hội đàm cấp quân đoàn thứ hai ở khu vực biên giới vào ngày 22. Đây là cuộc hội đàm cấp quân đoàn đầu tiên sau sự kiện ở Thung lũng Galwan ngày 15/6. Việc tổ chức cuộc đàm phán này cho thấy Trung Quốc và Ấn Độ hy vọng sẽ giải quyết bất đồng, kiểm soát tình hình và giảm bớt căng thẳng thông qua đối thoại và thương lượng.

Triệu Lập Kiên nói chỉ trong cuộc hội đàm, dựa trên sự đồng thuận tại cuộc đàm phán cấp quân đoàn đầu tiên, hai bên đã trao đổi thẳng thắn và chuyên sâu về các vấn đề nổi bật trong kiểm soát biên giới hiện nay và đồng ý thực hiện các biện pháp cần thiết để thúc đẩy hạ nhiệt tình hình. Hai bên cũng đồng ý duy trì đối thoại, cùng nỗ lực để thúc đẩy hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới.

Trung tướng Harinder Singh, Tư lệnh Quân đoàn 14 Ấn Độ (thứ 2, trái sang) kiểm tra binh sĩ ở mặt trận (Ảnh: weibo/Đa Chiều).
Trung tướng Harinder Singh, Tư lệnh Quân đoàn 14 Ấn Độ (thứ 2, trái sang) kiểm tra binh sĩ ở mặt trận (Ảnh: weibo/Đa Chiều).

Phóng viên Reuters đã hỏi, có tin quân đội Ấn Độ nói các lực lượng biên giới Trung Quốc và Ấn Độ đã đồng ý thoát ly tiếp xúc trong khu vực tranh chấp, phía Trung Quốc có thể xác nhận? Triệu Lập Kiên nói, các biện pháp liên quan sẽ được phối hợp và sắp xếp bởi lực lượng biên giới của hai nước ngay tại chỗ, ông không có thông tin liên quan nào được đưa ra.

Khi được yêu cầu cung cấp số liệu cụ thể về thương vong của Trung Quốc trong cuộc xung đột ở Thung lũng Galwan tối 15/6, Triệu Lập Kiên trả lời: "Đối với một số thông tin của truyền thông Ấn Độ về các quan chức Ấn Độ nói rằng ít nhất 40 binh sĩ Trung Quốc đã chết, tôi có thể chịu trách nhiệm nói với ông rằng đó là thông tin sai lệch”.