Quân đội Trung Quốc: Rồng uy mãnh hay con hổ giấy?

Những yếu điểm của PLA đã cung cấp một bí quyết để Mỹ duy trì ưu thế quân sự trước Trung Quốc. Mỹ cần đảm bảo rằng tiếp tục chiến lược phi tập trung, cấu trúc tổ chức hết sức linh hoạt và văn hóa cổ súy sáng kiến, tính sáng tạo và sự can đảm ở mọi cấp độ...
Máy bay J-20 và J-31 của Trung Quốc được cho là những bản copy, đánh cắp công nghệ của Mỹ và Nga
Máy bay J-20 và J-31 của Trung Quốc được cho là những bản copy, đánh cắp công nghệ của Mỹ và Nga

Ngày 25/9, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Washington, được đón tiếp bằng 21 phát đại bác và mở tiệc chiêu đãi tại Nhà Trắng. Đó không phải vì Trung Quốc là đồng minh của Mỹ hay Mỹ tôn trọng và chấp nhận hệ thống chính trị của Bắc Kinh, mà bởi lẽ Trung Quốc là một cường quốc thế giới…

Đó là nhận xét của chuyên gia Roger Cliff trên tạp chí National Interest. Theo Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc hiện nay đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Dựa trên ước tính của SIPRI, năm 2014 Trung Quốc chi cho quân sự nhiều hơn tất cả các nước Nga, Anh và Pháp cộng lại.

Cuộc diễu binh rầm rộ ngày 3/9 vừa qua cho thấy quân đội Trung Quốc (PLA) đang được hiện đại hóa mau chóng trong vòng hai thập kỷ qua. Đó là những gì đội quân nông dân một thời ngày nay được trang bị xe tăng, chiến đấu cơ và tên lửa mà nhiều loại có thể sánh với vũ khí, trang bị của các cường quốc quân sự tiên tiến trên thế giới.

Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự là một mối lo đối với Mỹ. Mỹ đã có cam kết an ninh với nhiều quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. Bao gồm Đài Loan mà Trung Quốc luôn xem là một phần lãnh thổ của nước này, cả hai nước Nhật Bản và Philippines đều có những nhóm đảo bị Trung Quốc tuyên bố đòi chủ quyền.

Một cuộc chiến bùng phát do các cuộc tranh chấp lãnh thổ trên dường như khó xảy ra, nhưng nó có liên hệ với nhận thức về cường quốc quân sự tác động đến các quốc gia trong hệ thống quốc tế. Trong bối cảnh sức mạnh quân sự của Trung Quốc tác động tới Mỹ, đó là thái độ ngày càng hung hăng trong tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt kể từ khi Bắc Kinh có được “lợi thế sân nhà” trong một cuộc xung đột. Nhất là các khu vực tranh chấp nằm tương đối gần Trung Quốc, trái lại Mỹ phải triển khai sức mạnh quân sự hàng ngàn dặm qua đại dương. Bởi thế, chúng ta ngày càng chứng kiến Trung Quốc trở nên hiếu chiến trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Trong khi Trung Quốc liên tục tăng ngân sách quốc phòng với tốc độ cao qua từng năm, chi tiêu quân sự của Mỹ lại bị cắt giảm từ năm 2010. Làm sao Mỹ có thể duy trì được sức mạnh ở châu Á và ngăn chặn Trung Quốc xâm chiếm hoặc phiêu lưu quân sự? Chỉ có một câu trả lời mà Bộ Quốc phòng Mỹ đang tiến hành là tái bảo đảm rằng quân đội Mỹ luôn duy trì được ưu thế công nghệ trước Trung Quốc.

Tuy nhiên theo Nationanl Interest, sức mạnh chiến đấu phụ thuộc vào nhiều yếu tố hơn là chỉ có vũ khí. Đó là sự tổng hòa chất lượng của học thuyết quân sự, bộ máy tổ chức, trang bị vũ khí, con người, công tác huấn luyện, hậu cần và văn hóa tổ chức. Quân đội Trung Quốc ngày càng được trang bị hiện đại, đội ngũ sĩ quan được tăng cường tuyển dụng từ các trường đại học và chất lượng huấn luyện của PLA cũng đã được cải thiện. Song những yếu huyệt lớn vẫn còn nguyên.

Điểm quan trọng nhất là học thuyết quân sự Trung Quốc gọi là “chiến tranh khu vực thông tin hóa” đòi hỏi một quân đội nhanh nhẹn, phi tập trung, linh hoạt và một văn hóa tổ chức khuyến khích sáng tạo và can đảm. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc thì ngược lại, được tập trung cao độ, rất cứng nhắc và văn hóa tổ chức không khuyến khích tính sáng tạo và tinh thần can trường.

Những yếu điểm của PLA đã cung cấp một bí quyết để Mỹ duy trì ưu thế quân sự trước Trung Quốc. Khi Trung Quốc trở nên giàu có hơn và được trang bị tốt hơn, những ưu thế công nghệ của quân đội Mỹ sẽ không tránh khỏi bị giảm thiểu. Theo National Interest, ưu tiên lớn nhất đối với các lực lượng Mỹ, do đó là cần đảm bảo rằng tiếp tục chiến lược phi tập trung, cấu trúc tổ chức hết sức linh hoạt và văn hóa cổ súy sáng kiến, tính sáng tạo và sự can đảm ở tất cả các cấp độ.

Đó chính là chất lượng mà quân đội của một quốc gia tập quyền cao độ như Trung Quốc rất khó có được, đặc biệt Bắc Kinh rất sợ quân đội hành động độc lập thoát ly sự lãnh đạo của trung ương.

Trung Quốc không phải kẻ thù của Mỹ, nhưng cũng chẳng phải bạn bè. Hai cường quốc thế giới đôi khi đồng thuận về lợi ích, nhưng xung đột ở tất cả các lĩnh vực quan yếu mà không bên nào chịu thỏa hiệp.

Natinonal Interest kết luận, chiến tranh với Trung Quốc không phải là không thể tránh được, nhưng tốt hơn hết là luôn phải thương lượng ở thế mạnh chứ không nên đánh cược ở thế yếu. Bởi thế, duy trì ưu thế vượt trội về quân sự đối với Trung Quốc chính là chìa khóa để Mỹ bảo vệ lợi ích của Mỹ trong thời bình cũng như thời chiến.

Theo QPAN

*Tác giả Roger Cliff là chuyên gia tại Hội đồng Atlantic (Mỹ)