Quân đội Mỹ tiếp tục phát triển vũ khí AI dù có hợp tác với Google hay không

VietTimes -- Dù Google đã tuyên bố rút khỏi Dự án Maven, nhưng việc quân đội Mỹ vẫn tiếp tục phát triển AI phục vụ cho các mục đích quân sự dường như là “tất yếu”. Dự án Maven cũng chỉ là một bước đi đầu tiên trong kế hoạch tổng thể dài hơi của Mỹ đối với việc phát triển AI phục vụ cho quân đội
Cánh tay của con robot AILA (con robot hoạt động bằng trí tuệ nhân tạo) đang thao tác trên một bảng mạch tại hội chợ máy tính CeBit tháng 3/2013 (Ảnh Reuters)
Cánh tay của con robot AILA (con robot hoạt động bằng trí tuệ nhân tạo) đang thao tác trên một bảng mạch tại hội chợ máy tính CeBit tháng 3/2013 (Ảnh Reuters)

Đầu tháng trước, Google đã thu hút rất nhiều sự chú ý của giới truyền thông khi họ rút khỏi một chương trình trí tuệ nhân tạo rất lớn của Bộ Quốc phòng Mỹ có tên là Dự án Maven, sử dụng các thuật toán phức tạp để phân tích những thông tin hình ảnh do UAV thu về.

Cho đến lúc đó, dự án vẫn được giữ kín đến mức hầu như không ai biết là Google có tham gia vào – thậm chí là cựu chủ tịch tập đoàn Alphabet, là tập đoàn tổng của Goolge, cũng hoàn toàn không biết gì. Ông này hiện nay đang là thành viên Ban Cố vấn Phát triển và ứng dụng công nghệ (Innovation Advisory Board) của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Nhưng quyết định của Google về việc sẽ không tham gia đấu thầu một dự án AI nào khác đã đẩy họ vào tâm điểm chú ý bởi các công ty công nghệ đang phải đối mặt với một làn sóng các cuộc biểu tình của nhân viên phản đối tham gia vào các hợp đồng với chính phủ.

“Chúng tôi cho rằng Google không được tham gia phục vụ cho chiến tranh”, hơn 3.000 nhân viên Google đã viết một bức thư hồi tháng 4 để gửi cho CEO Sundar Pichai giải thích lý do họ phản đối.

Sự phản đối ngày càng tăng ở thung lũng Silicon về việc các công ty công nghệ hợp tác với chính phủ, đặc biệt là Bộ Quốc phòng Mỹ, đã dấy lên rất nhiều nghi ngờ về tính khả thi của các kế hoạch đầy tham vọng của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis liên quan đến việc tận dụng các công nghệ thương mại hàng đầu hiện nay để phục vụ cho các mục đích quân sự. Nhưng trên tất cả, rất nhiều dấu hiệu hiện nay cho thấy Bộ Quốc phòng Mỹ đang tập trung toàn lực để phát triển vũ khí trang bị AI – dù có hợp tác với Google hay không.

“Tôi tin chắc rằng chúng tôi vẫn sẽ tiếp cận với những chuyên gia hàng đầu và những người luôn có khao khát mãnh liệt mong muốn bảo vệ nước Mỹ”, tướng Mike Holmes, tư lệnh Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ cho biết trong hội nghị bàn tròn ngày 28/6 tại Washington. AI là “một phần quan trọng trong tương lai của chúng ta, và chắc chắn vai trò của AI sẽ cao hơn nữa, Dự án Maven chỉ là một trong những bước đi đầu tiên mà thôi”.

Sự tranh cãi xung quanh Dự án Maven phản ánh một sự bất đồng lớn giữa Washington và thế giới công nghệ, bởi Lầu Năm góc đang rất muốn tăng đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như là AI, công nghệ siêu thanh và các loại vũ khí laser. Các nhân viên Google cũng đang lo ngại rằng quân đội sẽ sử dụng AI cho mục đích giết người. Nhưng nhiều quan chức đương nhiệm và đã nghỉ hưu cho rằng AI thực tế sẽ được sử dụng để phục vụ cho các mục đích nhân đạo, đảm bảo an toàn cho người Mỹ, các đồng minh và những công dân vô tội.

Vậy Dự án Maven chính xác là gì? Hiện nay trên toàn thế giới, các nhà phân tích thực hiện sàng lọc hàng triệu video do các drone thu được ở các khu vực nhạy cảm để tìm kiếm phát hiện các đối tượng hay mối đe dọa cụ thể nào đó. Các vị chỉ huy sẽ sử dụng thông tin này cho các mục đích khác nhau, như là phát hiện hướng di chuyển của lực lượng nhà nước Hồi giáo cực đoan IS và xác định chính xác mục tiêu đã định để đảm bảo chắc chắn cuộc tấn công không gây thương vong cho dân thường.

Ý tưởng đằng sau Dự án Maven đó là huấn luyện cho các máy tính nhanh chóng khai thác các thông tin trinh sát thô thu được và sàng lọc để lấy các thông tin hữu ích. Điều này không chỉ giúp đẩy nhanh quá trình chắt lọc các thông tin chiến trường quan trọng cho các vị chỉ huy mà còn giúp giải phóng con người, tạo điều kiện cho họ có thời gian để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp hơn mà máy tính không thể làm được, trung tá Gary Floyd, phó chỉ huy Dự án Maven cho biết.

Một lính không quân Mỹ đang hướng dẫn chiếc máy bay không người lái MQ-9 Reaper thuộc Lực lượng Không quân Mỹ vào đường băng tại Căn cứ không quân Kandahar, Afghanistan (Ảnh Reuters)
Một lính không quân Mỹ đang hướng dẫn chiếc máy bay không người lái MQ-9 Reaper thuộc Lực lượng Không quân Mỹ vào đường băng tại Căn cứ không quân Kandahar, Afghanistan (Ảnh Reuters) 

Cuối cùng, Dự án Maven sẽ xây dựng một trung tâm dữ liệu toàn diện đã được sàng lọc mà các dữ liệu này sau đó sẽ được sử dụng để đào tạo cho các thuật toán phức tạp giúp tự động phát hiện các đối tượng từ các kho dữ liệu khổng lồ. Đây mới là lúc Google tham gia vào dự án – ông lớn công nghệ này là một trong số ít các đối tác được Bộ Quốc phòng Mỹ lựa chọn để xây dựng, thử nghiệm và triển khai các thuật toán.

Nhưng Google không phải là công ty duy nhất có thể thực hiện được nhiệm vụ này. Quyết định rút khỏi Dự án Maven của họ lại tạo cơ hội cho các ông lớn khác như là Amazon, Microsoft và IBM – đây là những tập đoàn trước đó đã tham gia đấu thầu dự án này – hay thậm chí là cho cả các công ty mới nổi, ông Micheal Horowitz, giáo sư về khoa học chính trị và là phó giám đốc trung tâm Perry World House thuộc đại học Pennsylvania cho biết.

“Tôi cho rằng trước mắt sẽ có nhiều tập đoàn khác sẵn sàng thay thế Google, vì thế Dự án Maven sẽ vẫn tiếp tục. Nguy cơ đối với Bộ Quốc phòng Mỹ là những dự án tương tự thế này về sau có thể sẽ bị phản đối mạnh hơn”, ông Horowitz cho biết.

Dự án này hiện nay nhận được sự hợp tác từ rất nhiều các startup ở thung lũng Silicon, các công ty AI và dữ liệu lớn nhất thế giới, các viện nghiên cứu AI hàng đầu nước Mỹ, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết. ECS Federal hiện nay là nhà thầu chính.

Về dài hạn, các hợp đồng với Bộ Quốc phòng mang lại rất nhiều lợi nhuận – đó là còn chưa nói đến cơ hội được tham gia giải quyết các thách thức an ninh quốc gia lớn nhất – làm cho các tập đoàn công nghệ rất khó từ chối, ông Horowitz nói. Thực tế, những nguyên tắc đạo đức về AI mới đây của Google đã để ngỏ khả năng tham gia vào các chương trình quân sự như là Dự án Maven trong tương lai, ông nói.

Ông Matthew Colford, một cựu quan chức trong chính phủ tổng thống Obama và là đối tác với tập đoàn đầu tư tài chính mạo hiểm Andreessen Horowitz, cho biết những phản ứng gần đây của người dân không phải là “một mối đe dọa gì to tát” đối với mối quan hệ giữa Lầu Năm góc và thung lũng Silicon. Các nhân viên của Google ủng hộ việc từ bỏ hợp tác hoàn toàn với quân đội chỉ là một số ít, cần lưu ý rằng Google có đến hàng chục ngàn nhân viên, nhưng chỉ có 3.000 người ký vào đơn phản đối, ông Colford nhấn mạnh.

Nhưng rõ ràng Lầu Năm góc đang có vấn đề mang tính thông điệp

“Cuối cùng, những khía cạnh mà sản phẩm của họ được sử dụng thường xuyên lại không được hiểu một cách thấu đáo nhất. Các vấn đề này rất dễ bị tô vẽ một cách phức tạp và thổi phồng quá mức rằng đây là những sản phẩm hỗ trợ giết người. Câu trả lời ở đây phức tạp hơn nhiều; theo cách hiểu khác thì đây chỉ là một công cụ mà thôi”, ông Colford nói.

Ông Bob Work, cựu phó bộ trưởng Bộ Quốc phòng, một nhân vật quan trọng góp phần thực hiện Dự án Maven, lúc đó đã buộc tội Google gián tiếp giúp ngành nghiên cứu về AI của Trung Quốc đồng thời từ chối hỗ trợ chính phủ Mỹ.

“Google có một trung tâm ở Trung Quốc, tại đó họ có một khái niệm được gọi là hợp nhất dân-quân sự. Bất cứ công nghệ gì trong trung tâm đó đều sẽ được quân đội sử dụng”, ông Work nói.

Các quan chức chính phủ Mỹ nhấn mạnh rằng việc hợp tác với các tập đoàn công nghệ về AI là một ưu tiên an ninh quốc gia của Mỹ, đặc biệt là khi các đối thủ tiềm năng của Mỹ như là Nga và Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt, từ giờ đến năm 2030, Trung Quốc sẽ đầu tư 150 tỷ USD vào AI, ông Floyd cho biết. Trong khi đó, trong năm tài khóa 2017, Bộ Quốc phòng Mỹ dành 7,4 tỷ USD đầu tư vào AI, big data, và dữ liệu đám mây.

Lầu Năm góc cũng vừa mới công bố một kế hoạch thành lập một trung tâm AI chính thức cho quân đội Mỹ, có tên là Trung tâm Trí tuệ nhân tạo chung (Joint Artificial Intelligence Center). Giám đốc trung tâm mới này, ông Micheal Griffin, hiện đang bàn thảo về cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của trung tâm. Trung tâm này được cho là giúp nước Mỹ duy trì ưu thế cạnh tranh với các đối thủ khác.

Dự án Maven chỉ là bước khởi đầu cho việc Bộ Quốc phòng Mỹ bước chân vào lĩnh vực AI. Bước tiếp theo là tiến vào hệ thống dữ liệu đám mây, đây là hệ thống có tính sống còn đối với khả năng thúc đẩy toàn diện sự phát triển của Bộ Quốc phòng Mỹ trong lĩnh vực AI. Bước đi này bao gồm rất nhiều sáng kiến riêng biệt, như là chương trình Joint Enterprise Defence Infrastructure đang gây tranh cãi nảy lửa, là một hợp đồng trị giá 10 tỷ USD trong 10 năm tới đây. Amazon, Microsoft, Google, Oracle và nhiều tập đoàn khác được cho là đang chạy đua để giành được hợp đồng này.

Đối với những vụ việc như ở Google vừa rồi, ông Holmes thừa nhận rằng quân đội cần phải làm tốt hơn công việc truyền thông để giới công nghệ ở thung lũng Silicon và công chúng biết được mục đích của họ. Ông hy vọng công chúng hiểu được rằng “tất cả chúng ta đều phải chung tay để tránh những cuộc chiến tranh lớn”.

“Tất cả người Mỹ đều có hy vọng vào những gì mà chính phủ của họ làm và xem việc chính phủ sử dụng công nghệ và các công cụ có vi phạm các quyền của họ không. Vì thế chúng tôi phải luôn tính toán thận trọng cách công nghệ được sử dụng và áp dụng như thế nào”, ông Holmes nói.