Quan chức Bộ Ngoại giao Đức: Châu Âu và Mỹ cần phải liên kết đối mặt với thách thức từ Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ông Peter Beyer, Điều phối viên hợp tác xuyên Đại Tây Dương của Bộ Ngoại giao Đức, cho rằng “Châu Âu phải sát cánh với Mỹ cùng nhau đối phó với những thách thức to lớn từ Trung Quốc”.
Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – châu Âu hôm 14/9 đã làm nổi bật những bất đồng lớn giữa hai bên về các vấn đề thương mại, khí hậu, Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương và dịch bệnh (Ảnh: ucpnz).
Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – châu Âu hôm 14/9 đã làm nổi bật những bất đồng lớn giữa hai bên về các vấn đề thương mại, khí hậu, Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương và dịch bệnh (Ảnh: ucpnz).

Theo trang Deutsche Welle ngày 29/9, ông Peter Beyer là một trong 7 điều phối viên của Bộ Ngoại giao Đức, ông nhậm chức vào tháng 4/2018. Chức năng của Điều phối viên Bộ Ngoại giao Đức là hỗ trợ công việc của Bộ Ngoại giao theo cách độc lập và cung cấp tư vấn. Ông cũng chỉ ra rằng một cuộc chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu và sẽ định hình lại bộ mặt của thế kỷ này.

Trước khi đến thăm Bắc Kinh, Thượng Hải và Washington vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2019, ông Peter Bayer đã nói trong một tuyên bố: “Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cục diện thế giới trong thế kỷ 21. Đức và châu Âu phải tìm được vị trí của mình trong cấu trúc đó. Như Ngoại trưởng Mỹ (lúc bấy giờ) Hillary Clinton đã dự đoán, thế kỷ này là thế kỷ của Thái Bình Dương. Đức sẽ tiếp tục kiên quyết đứng về phía Mỹ. Đó là điều không thể nghi ngờ, nhưng đối thoại sâu hơn với Bắc Kinh cũng rất quan trọng”.

Sau khi xảy ra sự kiện Mỹ và Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán của nhau vào tháng 7 năm nay, chính trị gia thuộc Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cùng với bà Merkel này đã bày tỏ lo ngại về xung đột ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông nói với giới truyền thông: “Chúng ta đang trải qua giai đoạn đầu của phiên bản Chiến tranh Lạnh 2.0, mặc dù nhiều tình huống khác với xung đột Mỹ - Xô trước đây”.

Điều phối viên Bộ Ngoại giao Đức Peter Bayer: sự cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh sẽ để lại dấu ấn cho mấy chục năm tới đây. Đức và châu Âu cần phải định vị chính mình (Ảnh: Deutsche Welle).
Điều phối viên Bộ Ngoại giao  Đức Peter Bayer: sự cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh sẽ để lại dấu ấn cho mấy chục năm tới đây. Đức và châu Âu cần phải định vị chính mình (Ảnh: Deutsche Welle).

Mặc dù bày tỏ rất khó hiểu trước việc Mỹ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, nhưng ông nhấn mạnh rằng phương hướng cơ bản trong chính sách đối ngoại của Đức nhất quán với Mỹ, không có gì thay đổi so với trước khi xung đột Mỹ - Trung gia tăng. Đức cam kết hướng tới mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương tốt đẹp và chặt chẽ. “Mỹ là đối tác lớn nhất của chúng ta bên ngoài EU, và điều này sẽ được tiếp tục”. Về Trung Quốc, ông nói: “Người Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng và đối thủ truyền thống. Chúng ta hầu như không có những giá trị chung với họ”. Ông cũng nói rằng sự đối đầu ngày càng tăng giữa Washington và Bắc Kinh đã buộc người châu Âu phải độc lập hơn: “Không nghi ngờ gì rằng sự cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh sẽ để lại dấu ấn cho mấy chục năm tới đây. Đức và châu Âu cần phải định vị chính mình”.

Sau hai tháng, định vị của Đức về chính họ đã trở nên rõ ràng hơn. Trong thời gian này, hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – châu Âu đã làm nổi bật những bất đồng lớn giữa hai bên về các vấn đề thương mại, khí hậu, Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương và dịch bệnh. Đối thoại nhân quyền Đức-Trung đã kết thúc một cách vô ích. Bộ Ngoại giao Đức đã đưa ra lời kêu gọi về vấn đề Hong Kong và Tân Cương, nhưng đều bị phía Trung Quốc cự tuyệt và những tiếng nói của các đảng đối lập chỉ trích chính sách Trung Quốc của chính phủ Đức là quá thiên về kinh tế ngày càng gia tăng.

Hồi đầu tháng 9, chính phủ Đức đưa ra Phương châm chỉ đạo chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương, xác định việc mở rộng quan hệ đối tác với ASEAN và Ấn Độ, một số nhà phân tích cho rằng đây cũng là một tín hiệu gửi tới Trung Quốc để họ thấy rằng Đức đang tìm kiếm việc tăng cường quan hệ với các nước khác ở châu Á.

Với tư cách là người điều phối hợp tác xuyên Đại Tây Dương, Peter Bayer gần đây đã trả lợi phỏng vấn hãng tin Pháp AFP, ngôn từ của ông trở nên rõ ràng hơn. Ông tuyên bố, dù kết quả cuối cùng của cuộc tổng tuyển cử ngày 3/11 của Mỹ như thế nào thì châu Âu và Mỹ cũng cần phải đối mặt với “cuộc chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc”. Ông nhấn mạnh giữa châu Âu và Mỹ có nhiều lợi ích chung hơn là bất đồng. “Châu Âu cần phải sát cánh với Mỹ để đối mặt với những thách thức to lớn từ Trung Quốc”. Ông cũng chỉ ra rằng “một cuộc chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu và sẽ định hình bộ mặt của thế kỷ này”.

Nước Đức phải điều chỉnh lại chính sách với Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung ở vào tình trạng xấu chưa từng thấy (Ảnh: Deutsche Welle)
Nước Đức phải điều chỉnh lại chính sách với Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung ở vào tình trạng xấu chưa từng thấy (Ảnh: Deutsche Welle)

Bayer cho rằng, trong vấn đề Trung Quốc và Iran, lợi ích của Mỹ và châu Âu là “tương tự và có lúc hoàn toàn giống nhau”. Ông thất vọng vì hai bên không tìm được điểm chung trong một số vấn đề, chẳng hạn như hỗ trợ Tổ chức Y tế Thế giới trong thời kỳ đại dịch COVID-19, kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông cũng nói, sự hợp tác giữa Liên minh châu Âu và Mỹ trong những thập kỷ sau chiến tranh đã đặt nền tảng cho cái gọi là “các giá trị lâu đời” về tự do, dân chủ, hòa bình và thịnh vượng. “Chúng ta phải ghi nhớ những giá trị mà Mỹ đã trao cho chúng ta; chúng ta rất cảm kích về điều này”. Những giá trị này trái ngược hẳn với “chế độ độc tài, thiếu tự do báo chí và nhân quyền, giám sát kỹ thuật số, áp bức người Duy Ngô Nhĩ và Hồng Kông, tàn phá môi trường” của Trung Quốc.

Về quan hệ Đức - Mỹ, ông Bayer nói rằng ông Trump và bà Merkel đã thường xuyên có xích mích về các vấn đề Iran, thương mại, NATO và các vấn đề khí hậu trong 4 năm qua, vì vậy không có gì bí mật khi Đức cảm thấy hợp tác với Joe Biden sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ông nói, “đừng bao giờ ngây thơ nghĩ rằng một khi Joe Biden đắc cử, mọi bất đồng sẽ được giải quyết và thời kỳ hoàng kim sẽ bắt đầu”. Ngoài ra, ông cũng cho rằng, ngay cả khi Trump tái đắc cử thành công, nội bộ thế giới phương Tây cũng sẽ không sụp đổ, bởi vì châu Âu, Quốc hội Mỹ và các bang của Mỹ đều đang hợp tác chặt chẽ: “Ai vào Nhà Trắng cũng quan trọng, nhưng sẽ không thống trị được tình hữu nghị xuyên Đại Tây Dương. Washington, nhất là nước Mỹ, không chỉ là Nhà Trắng”.