“Quái vật” Oscar Nga - Sát thủ diệt tàu sân bay Mỹ

VietTimes -- Theo RI, tàu ngầm hat nhân lớp Oscar của Nga mang theo 24 tên lửa P-700 Granit kích cỡ khủng. Loại tên lửa hành trình này dài 10 mét, nặng gần 8 tấn, có thể phóng từ dưới mặt nước để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất ở cách xa gần 650 km.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Oscar II của Nga. Ảnh: WarTools
Tàu ngầm hạt nhân lớp Oscar II của Nga. Ảnh: WarTools

Các tàu ngầm tấn công hạt nhân khổng lồ lớp Oscar của Nga, hay gọi là Đề án 949A, được thiết kế trong thời Chiến tranh Lạnh để thực hiện một sứ mệnh đặc biệt: Săn lùng và tiêu diệt các tàu sân bay Mỹ, niềm tự hào của Hải quân nước này.

Vì mỗi tàu sân bay Mỹ đều được bảo vệ bởi một đội tàu hộ tống riêng, mà nhiều chiếc trong số đó chuyên về tác chiến chống ngầm, nên Oscar không dùng chiến thuật tiến lại gần để tấn công bằng ngư lôi.

Thay vào đó, Oscar được thiết kế để phóng tên lửa hành trình diệt hạm cỡ lớn (ASCMs) từ khoảng cách xa hàng trăm km.

Các tàu ngầm mang tên lửa hành trình, được Hải quân Mỹ định danh là SSG và SSGN, không phải là một khái niệm mới. Những tàu ngầm mang tên lửa hành trình đầu tiên được cải tiến từ các tàu ngầm thông thường trong những năm 1950, cùng với tàu ngầm lớp Echo của Liên Xô, được đưa vào biên chế năm 1961, là những tàu ngầm đầu tiên được thiết kế để sử dụng tên lửa hành trình làm vũ khí chính.

“Quái vật” Oscar Nga - Sát thủ diệt tàu sân bay Mỹ ảnh 1Một tàu ngầm lớp Oscar II của Nga. Ảnh: Military-Today.com

Việc chế tạo tàu ngầm mang tên lửa hành trình thế hệ thứ 3, hay còn gọi là Đề án 949 Granit, được bắt đầu vào giữa những năm 1970. Tàu ngầm có thiết kế lớp vỏ kép giống với các tàu ngầm lớn của Liên Xô. Lớp vỏ trong, cũng là lớp vỏ của các khoang thủy thủ đoàn và hệ thống tàu, được bao bởi một lớp vỏ ngoài làm bằng thép mỏng, có hình dáng khí động học giúp làm giảm lực cản của nước khi di chuyển dưới nước. Trên những chiếc Oscar II đang hoạt động này, lớp vỏ ngoài cách lớp trong từ 5,08 cm đến 1,83 m, tùy thuộc vị trí. Hai lò phản ứng hạt nhân đã tạo ra 73 Megawatt điện cho chiếc tàu ngầm khổng lồ này. Thủy thủ đoàn mỗi tàu gồm khoảng 100 người, được phân vào 9 hoặc 10 khoang, những khoang này có thể ngăn cách kín với nhau.

Tàu ngầm lớp Oscar rất lớn, để có thể mang theo các loại vũ khí hạng nặng. Có chiều dài gấp rưỡi một sân bóng đá (154 mét), và lượng giãn nước 12.500 tấn khi nổi, lớp Oscar trở thành mẫu tàu ngầm lớn thứ 4 từng được sản xuất. Tàu ngầm lớp Oscar có thể đạt vận tốc tối đa là 60 km/h khi lặn, và lặn sâu tới 500 m. Tuy nhiên, tàu bị cho là lặn chậm và thiếu tính cơ động.

“Quái vật” Oscar Nga - Sát thủ diệt tàu sân bay Mỹ ảnh 2Tên lửa P-700 Granit (SS-N-19 Shipwreck). Ảnh: airandspace.ir

Mục tiêu chính của tàu ngầm lớp Oscar là hoạt động như một bệ phóng cho 24 tên lửa P-700 Granit kích cỡ khủng, được NATO định danh là SS-N-19 Shipwreck. Loại tên lửa hành trình này dài 10 mét, nặng gần 8 tấn, có thể phóng từ dưới mặt nước để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất ở cách xa gần 650 km. Các tên lửa được động cơ tên lửa đẩy khỏi các ống phóng trước khi chuyển sang hệ thống động cơ phản lực để tên lửa có thể đạt tốc độ cao Mach 2,5 (gấp 2,5 lần vận tốc âm thanh) trong giai đoạn hành trình. Chúng được dẫn đường đến mục tiêu bởi một hệ thống vệ tinh, mà tàu ngầm Oscar có thể kết nối qua ăng-ten. Nếu nhiều tên lửa Granits được phóng đi đồng loạt, chúng có thể kết nối với nhau để chuyển tiếp thông tin về mục tiêu và tiếp cận từ nhiều hướng khác nhau. Các tên lửa Granit cũng có thể trang bị đầu đạn hạt nhân có sức công phá 500 kiloton.

Mặc dù các tàu tuần dương lớp Kirov và tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov cũng có thể mang theo các tên lửa Granit, nhưng chúng dễ bị phát hiện hơn hẳn Oscar. Tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa từ dưới biển nên ít bị đe dọa trả đũa hơn.

Tàu ngầm lớp Oscar cũng không thiếu các loại vũ khí dự phòng tầm ngắn hơn. Ngoài 4 ống phóng cỡ 533 mm thông thường có thể bắn tên lửa chống ngầm "Starfish" RPK-2, tàu còn được trang bị 2 ống phóng cỡ 650mm có thể bắn các tên lửa SS-N-16 Stallion cực lớn để tấn công các mục tiêu cách xa tới 100 km. Cả hai loại tên lửa này đều có thể thả ngư lôi thông thường hoặc bom chìm.

Hai tàu ngầm lớp Oscar đầu tiên có tên là Arkhangelsk và Murmansk đã được hoàn thiện ở nhà máy đóng tàu Severodvinsk vào năm 1980 và 1982. Tiếp sau đó là 11 tàu ngầm thuộc Đề án 949A Antey được sản xuất trong giai đoạn 1982-1996. So với phiên bản trước, những chiếc tàu ngầm lớp Oscar II mới hơn và có thể tàng hình tốt hơn này dài hơn 10 mét, được trang bị các hệ thống điện tử hiện đại và được nâng cấp từ 4 lên thành 7 chân vịt. Việc chế tạo thêm 3 chiếc Oscar được bắt đầu trong giai đoạn 1992-1994, nhưng sau đó bị bỏ dở và các bộ phận tàu được sử dụng cho những mục đích khác.

Trong thời hậu Xô viết, Hải quân Nga tập trung vào việc bảo dưỡng và nâng cấp hạm đội tàu Oscar và bỏ qua các tàu cũ. Các tàu ngầm lớp Oscar tiếp tục theo dõi các tàu sân bay Mỹ trong những năm 1990, và một chiếc trong số đó thậm chí đã bị mắc vào lưới tàu đánh cá Tây Ban Nha năm 1999.

Cũng giống với tất cả, trừ một số ít tàu ngầm kể từ Thế chiến II, tàu ngầm Oscar may mắn chưa bao giờ phải tham gia chiến đấu. Tuy nhiên, các hoạt động của tàu ngầm vẫn đối diện với nguy hiểm ngay cả khi không bị ngư lôi và bom chìm của đối phương đe dọa.

“Quái vật” Oscar Nga - Sát thủ diệt tàu sân bay Mỹ ảnh 3Xác tàu ngầm Kursk sau vụ nổ. Ảnh: SmartAge.pl

Ngày 12/8/2000, một vụ nổ, kéo theo là một vụ nổ kinh hoàng có sức công phá tương đương 3-7 tấn TNT, đã xảy ra trên tàu ngầm Kursk khi tàu đang lặn trong lúc tham gia cuộc tập trận hải quân ở Severomorsk. 23 trong tổng số 118 thủy thủ ở khoang thứ 9 vẫn còn sống sau vụ nổ đầu tiên, nhưng bi kịch là các nhân viên cứu hộ đã không thể can thiệp kịp thời. Cuộc điều tra sau đó đã kết luận rằng hydrogen peroxide rò rỉ từ một quả ngư lôi Type 65 có mối hàn kém có thể là nguyên nhân gây ra vụ nổ đầu tiên, dẫn đến một chuỗi vụ nổ dây chuyền của các ngư lôi khác. Một giả thuyết khác được đưa ra là thủy thủ đoàn vì chưa được huấn luyện kỹ nên đã mắc sai lầm gây ra vụ nổ ngư lôi.

Vào ngày 7/4/2015, tàu ngầm Orel lớp Oscar đã bị cháy khi đang ở xưởng sửa chữa tại Severodvinsk. Lần này, thủ phạm là lớp cách điện giữa lớp vỏ trong và ngoài tàu đã bị đốt cháy khi đang hàn các bộ phận của tàu. May mắn là nhiên liệu hạt nhân và vũ khí không có trên tàu vào thời điểm đó.

“Quái vật” Oscar Nga - Sát thủ diệt tàu sân bay Mỹ ảnh 4Ngọn lửa bùng lên trên tàu ngầm Orel lớp Oscar. Ảnh: Militaar.net

Hiện có 7 hoặc 8 tàu ngầm lớp Oscar II tiếp tục phục vụ trong Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội phương Bắc của Hải quân Nga. Dự kiến các tàu ngầm lớp Yasen mới, có khả năng tàng hình tốt hơn, sẽ thay thế tàu ngầm lớp Oscar để thực hiện vai trò chống tàu sân bay, mặc dù cho tới nay mới chỉ có một tàu ngầm lớp Yasen là Severodvinsk được hoàn thành.

Tuy nhiên, quân đội Nga đã tuyên bố sẽ nâng cấp ít nhất 3, song có thể là tất cả các tàu ngầm Oscar còn lại theo thiết kế Đề án 949AM vào năm 2020, với chi phí ước tính là 180 triệu USD/tàu. Gói nâng cấp sẽ thay thế các tên lửa Granit cũ bằng 72 tên lửa hành trình chống hạm Oniks and Klub hiện đại. Các nâng cấp khác bao gồm các hệ thống cảm biến, thông tin chiến đấu và định vị mới.

RI đánh giá, tàu ngầm lớp Oscar tuy không được trang bị công nghệ tàng hình tiên tiến nhất hiện nay, nhưng vẫn là phương tiện chiến đấu hiệu quả, có khả năng đe dọa các tàu nổi mặt nước giá trị cao của đối phương từ khoảng cách cực xa bằng tên lửa hành trình.