'Quái kiệt' AI Lê Viết Quốc - người đứng sau thuật toán Transformers của ChatGPT

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cái tên Lê Viết Quốc không còn xa lạ với giới khoa học, nhất là những người quan tâm đến Trí tuệ nhân tạo (AI), ông xuất hiện gắn liền với những dự án nổi tiếng của Google như Google Translate, Google Search.
"Quái kiệt" AI Lê Viết Quốc
"Quái kiệt" AI Lê Viết Quốc

Trên trang cá nhân của CEO BKAV, ông Nguyễn Tử Quảng, đã bất ngờ tiết lộ một người Việt Nam có vai trò quyết định với thành công của ứng dụng đang hot nhất hiện nay – ChatGPT.

Ông giải thích rằng, ChatGPT là do công ty OpenAI phát triển dựa trên thuật toán có tên là Transformers (AI model), do đội Google Brain phát triển vào năm 2017. Đây cũng là công nghệ cốt lõi giúp Google Dịch có chất lượng cao như hiện nay.

Năm 2011, Google Brain được đồng sáng lập bởi 4 người, trong đó có ông Lê Viết Quốc là người Việt Nam.

Năm 2014, ông Lê Viết Quốc phát triển thành công thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên có tên là seq2seq. Điều thú vị là nhờ thuật toán này của ông, Google phát triển một phiên bản nâng cấp với tên gọi Transformers nói trên.

Với những căn cứ trên, ông Quảng khẳng định, ông Lê Viết Quốc chính là nhân vật góp phần quan trọng vào thành công của thế giới về xử lý ngôn ngữ tự nhiên nói chung và ChatGPT nói riêng.

Nên biết, thuật toán Transformer rất đột phá, cụ thể là đột phá về huấn luyện AI ngôn ngữ.

Trước đây, khi con người muốn dạy AI, họ phải tạo tập dữ liệu huấn luyện sẵn theo cặp câu hỏi - trả lời (labeling data), và máy móc thực ra chỉ ghi nhớ cặp câu hỏi - trả lời chứ không 'hiểu' được ý nghĩa của câu văn đó, khác nhau rất lớn giữa học vẹt và học hiểu.

Nhưng với Transformer, chúng ta chỉ cần đổ dữ liệu chữ vào nhiều nhất có thể, máy tính sẽ tự tìm hiểu dữ liệu đó có ý nghĩa gì thay vì mình phải chỉ cho chúng.

Google rất nhân văn khi công bố tài liệu chi tiết về thuật toán Transformer công khai cho tất cả mọi người truy cập được. Đồng thời cung cấp quyền sử dụng mở (Open-Source) đối với thuật toán này.

Chính vì vậy, toàn bộ giới khoa học làm AI được hưởng lợi từ phát minh của Google trong đó có OpenAI - công ty phát triển ChatGPT đã đề cập ở trên.

Tháng 1/2018, OpenAI cho ra mắt con AI đầu tiên có tên gọi GPT-1 - đời đầu của ChatGPT - dựa trên Transformer. OpenAI đã ứng dụng rất nhanh, nhanh hơn cả chính Google.

Đây chính là thứ trông có vẻ 'vi diệu' của việc bạn chat một câu với ChatGPT và nó nói lại được một câu. Thực chất không phải là nó đang trả lời bạn mà là nó đang chơi nối từ bằng cách 'sinh chữ' để nối tiếp ý nghĩa của câu mà bạn nhập chat với nó.

Lê Viết Quốc – thiên tài AI

Thiên tài AI Lê Viết Quốc chính là nhân vật mà VietTimes đã chia sẻ trong một bài viết 5 năm trước với tiêu đề: "Người Việt trầm lắng ở Google".

Là một người khá kiệm lời và rất ngại nói về mình, luôn từ chối trả lời phỏng vấn báo chí, nên ai tiếp xúc lần đầu với Lê Viết Quốc sẽ dễ có cảm giác ông là người khó gần. Nhưng khi câu chuyện trở nên rôm rả quanh chủ đề mà Quốc có thể say sưa không dứt về công nghệ trí tuệ nhân tạo và máy học, người đối thoại không ít lần bất ngờ trước những chia sẻ chân thật của ông về công việc, dự định và ước mơ.

Sinh năm 1982 tại một ngôi làng nhỏ ở Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, Lê Viết Quốc kể rằng nơi mình sống suốt thời thơ ấu thậm chí không có điện. Khi đó, thư viện nhỏ gần nhà là cả một thiên đường đối với cậu bé.

Hàng ngày, Quốc vùi đầu trong thư viện, ngấu nghiến đọc các cuốn sách về những phát minh vĩ đại và mơ mộng một ngày nào đó, mình cũng sẽ có tên trong danh sách ấy.

Năm 14 tuổi, ông quyết định rằng, phát minh hữu ích nhất cho nhân loại có lẽ là một cái máy đủ thông minh để có thể tự theo đuổi và cho ra các sáng chế - một ý tưởng cho đến giờ vẫn còn là một giấc mơ.

Sau khi tốt nghiệp trường chuyên Quốc học Huế, ông Quốc theo học tại Đại học Quốc gia Australia và bắt đầu nghiên cứu về AI và máy học (learning machine) từ năm 2004 dưới sự dẫn dắt của một trong những chuyên gia về AI của Úc.

Ông Lê Viết Quốc cùng các đồng nghiệp trong nhóm nghiên cứu về xe tự lái hợp tác giữa Google Brain và Waymo
Ông Lê Viết Quốc cùng các đồng nghiệp trong nhóm nghiên cứu về xe tự lái hợp tác giữa Google Brain và Waymo

Sau đó, ông tiếp tục làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ). Tại đây, ông đã khám phá ra chiến lược để cải thiện khả năng tự học của máy và tìm ra được cách làm thế nào để tăng tốc - bằng việc xây dựng các mạng nơ-ron thần kinh mô phỏng lớn hơn 100 lần, từ đó có thể xử lý dữ liệu với độ lớn gấp hàng ngàn lần.

Cách tiếp cận của ông đã thu hút sự chú ý của Google. Từ đó, ông được mời tham gia đồng sáng lập dự án Google Brain năm 2011 cùng nhà nghiên cứu AI nổi tiếng khi ấy, Andrew Ng. (hiện là giám đốc nghiên cứu của hãng công nghệ tìm kiếm Baidu, Trung Quốc).

Tốt nghiệp Stanford vào năm 2013, ông chính thức đầu quân cho Google với tư cách là một nhà nghiên cứu trụ cột tại Google Brain.

Ông Quốc sớm đạt được những đột phá ấn tượng trong lĩnh vực dịch máy (Machine Translation), một trong những lĩnh vực nghiên cứu năng động nhất trong cộng đồng học máy.

Dưới sự dẫn dắt của ông, các nhà nghiên cứu của Google Brain đã mang đến cho người dùng một tiện ích nhận diện giọng nói, dịch thuật mà có lẽ chỉ vài năm trước, chúng ta không thể hình dung được, đó là Google Translate. Sản phẩm này vẫn đang được ông và cộng sự tiếp tục hoàn thiện.

Với một bảng thành tựu nghiên cứu quá dày dặn so với tuổi đời, Tiến sĩ Lê Viết Quốc đã được Tạp chí MIT Technology Review vinh danh là một trong 35 nhà phát minh dưới 35 tuổi xuất sắc nhất thế giới năm 2014, với phần mềm nhận dạng hình ảnh và giọng nói.

Trong bài phỏng vấn cũ với VietTimes, TS. Lê Viết Quốc tin rằng các bạn trẻ Việt Nam có tiềm năng rất lớn để theo đuổi khoa học máy tính, trong đó có AI. "Nhưng nếu bây giờ vào đại học mình mới dạy các khái niệm cơ bản như thuật toán, cơ sở dữ liệu, lập trình…thì quá trễ. Chương trình đào tạo khoa học máy tính ở đại học cần theo xu hướng của thế giới hiện tại, đó là tập trung vào dữ liệu, và áp dụng phương pháp học theo dự án, thay vì những kiến thức hàn lâm”.

“Học AI giống như lái máy bay vậy. Bạn có thể đọc sách về lái máy bay nhưng không thể lên máy bay mà lái được ngay. Bạn phải tập lái máy bay hàng nghìn giờ mới có thể tự tin điều khiển máy bay”, TS. Quốc ví von.