Qatar "chào đón" du khách tới dự World Cup bằng 15.000 camera nhận diện khuôn mặt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các cầu thủ bóng đá không phải là những người duy nhất sẽ được theo dõi tại FIFA World Cup 2022 ở Qatar.
Qatar "chào đón" du khách tới dự World Cup bằng 15.000 camera nhận diện khuôn mặt (Ảnh: Insider)
Qatar "chào đón" du khách tới dự World Cup bằng 15.000 camera nhận diện khuôn mặt (Ảnh: Insider)

Các cầu thủ bóng đá không phải là những người duy nhất sẽ được theo dõi tại FIFA World Cup 2022 ở Qatar: Những người tham dự cũng vậy.

Theo Niyas Abdulrahiman, Giám đốc Công nghệ của FIFA World Cup 2022, toàn bộ sự kiện - bao gồm cả người xem - sẽ được giám sát bởi 15.000 camera trang bị công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

Hệ thống giám sát này là một phần trong những nỗ lực của Qatar nhằm giảm thiểu những mối đe dọa an ninh như khủng bố và hooligan trong suốt quá trình diễn ra giải đấu, được cho là sẽ thu hút hơn 1 triệu khách đến xem.

Theo ước tính của Bloomberg, kể từ năm 2010, khi Qatar giành được quyền chủ nhà của FIFA World Cup, quốc gia này đã chi hơn 300 tỉ USD xây dựng cơ sở hạ tầng mới, bao gồm 7 sân vận động, để đáp ứng lượng khách cực lớn này.

Mạng lưới giám sát sẽ được điều hành bởi Aspire Command and Control Center, vốn là trung tâm kỹ thuật phụ trách mọi hoạt động tại 8 sân vận động nơi các trận đấu được tổ chức, Abdulrahiman nói với AFP.

Một số bức ảnh được công bố cho thấy hàng dãy kỹ thuật viên an ninh ngồi sau màn hình, trong một căn phòng không khác gì ở trung tâm kiểm soát mặt đất của NASA.

Kỹ thuật viên làm việc trong trung tâm chỉ huy, nơi sẽ là trung tâm của các hoạt động World Cup ở Doha, Qatar (Ảnh: Insider)

Kỹ thuật viên làm việc trong trung tâm chỉ huy, nơi sẽ là trung tâm của các hoạt động World Cup ở Doha, Qatar (Ảnh: Insider)

“Về cơ bản, chúng tôi có thể mở một hoặc tất cả các cửa trong một sân vận động ngay từ đây” - Abdulrahiman nói.

Trung tâm điều khiển sẽ có “tai mắt” ở gần như tất cả các ga tàu điện và trạm xe bus. Các chuyên gia từ Đại học Qatar cũng đã phát triển những loại máy bay không người lái (drone) có khả năng ước tính số lượng người trên đường phố.

“Điều bạn thấy ở đây là một chuẩn mực mới, một xu thế mới trong kiểm soát đám đông, là đóng góp của Qatar cho thế giới thể thao. Điều bạn thấy ở đây là tương lai của kiểm soát sân vận động” - Abdulrahiman nói.

Các camera giám sát an ninh sẽ cho phép nhà tổ chức đánh dấu và điều khiển các căn phòng và trang thiết bị trong tình huống khẩn cấp, theo AFP.

“Dù gì xảy ra, thì vẫn sẽ có kế hoạch ứng phó” - theo Hamad Al-Mohannadi, giám đốc trung tâm điều khiển. “Miễn là không có thiệt hại về vật chất và không ai bị thương, chúng tôi chỉ cần ngồi nhìn tại đây thôi”

Đây không phải là lần đầu tiên công nghệ sinh trắc học được sử dụng để giám sát các fan bóng đá. Tại Chung kết Champions League 2017 ở Cardiff, Anh, công nghệ nhận dạng khuôn mặt từng gắn nhãn nhầm 2.000 người là tội phạm, theo BBC đưa tin.

Việc sử dụng công nghệ sinh trắc học để giám sát người xem không phải là mối quan ngại an ninh duy nhất đối với kỳ World Cup sắp tới.

Công ty phát sóng Na-uy NRK từng đưa tin hồi tháng 10 rằng khách đặt chân vào Qatar sẽ bị buộc phải tải về 2 ứng dụng di động tiềm ẩn nguy cơ liên quan quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân.

“Tôi không có trách nhiệm đưa ra lời khuyên về du lịch, nhưng cá nhân tôi sẽ không bao giờ mang theo điện thoại di động đến Qatar” - theo Oyvind Vasaasen, giám đốc an ninh của NRK, sau một thời gian đánh giá 2 ứng dụng nêu trên.

FIFA World Cup 2022 - có 32 đội tranh tài xuyên suốt 64 trận đấu - dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 20 tháng 11 đến ngày 18 tháng 12.

Theo Insider