Putin mắng Thổ Nhĩ Kỳ “liếm gót Mỹ” và chiến tranh lạnh Nga-Thổ

Khu phố cổ ưa thích Laleli ở Istanbul trước đây tấp nập du khách Nga giờ các cửa hàng vắng ngắt. Đó là những dấu hiệu của cuộc Chiến tranh Lạnh Nga-Thổ ngày càng leo thang và ngày càng tồi tệ hơn, trang The Daily Beast ghi nhận.
Tổng thống Nga Putin
Tổng thống Nga Putin

Chưa đầy một tháng trước, từ Laleli và những nơi khác của Thổ Nhĩ Kỳ những chuyến tàu chở hàng tấn lương thực, thiết bị và quần áo tới Nga. Hàng năm, khoảng 3-4 triệu du khách Nga đổ về Istanbul và các bãi biển ở Antalya. Mỗi du khách Nga chi trung bình 1.000 USD, mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ hàng tỷ USD. Nhưng Ankara bắn hạ Su-24 và Putin tuyên bố ông cảm thấy “bị đâm sau lưng”.

Các công ty vận tải và cung cấp hàng hóa mất hợp đồng, tiền bạc, công việc. “Hàng trăm xe tải chở hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ nằm chết dí ở biên giới Nga, các thanh sát viên cứ đến và đi. Công việc kinh doanh đang chết dần, đã đến lúc gói ghém đồ đạc và về nhà”, lãnh đạo công ty vận tải Gleb Trifonov làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1997 chia sẻ với The Daily Beast.

Cuộc đấu giữa hai nước và cũng là giữa hai nhân vật quyền lực. Một người là lãnh đạo nước thành viên NATO lớn thứ hai trong khối, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, còn người kia là tổng thống Nga President Vladimir Putin. Mặc dù trước đây họ đã có rất nhiều lợi ích chung, từ du lịch đến dầu lửa…

Ông Putin phát động chiến dịch quân sự tại Syria để bảo vệ đồng minh là tổng thống Syria Bashar al-Assad, người mà Erdogan muốn lật đổ. Và ngày 24/11, máy bay F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 Nga trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Và thế là Chiến tranh Lạnh Nga-Thổ bắt đầu.

Tuần rồi, phát biểu trong cuộc họp báo marathon, ông Putin tuyên bố ở cấp độ nhà nước quan hệ giữa hai nước Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã bị hủy hoại khó sửa chữa. Theo tổng thống Putin, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ “đã quyết định liếm gót Mỹ”. Phó chủ tịch Duma Nga Vladimir Zhirinovsky đe rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ “hành xử như hooligan”, Nga sẽ đáp trả bằng ném bom hủy diệt khiến “một nửa Thổ Nhĩ Kỳ thành đống đổ nát”.

Kremlin đã trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ trước tiên là cấm hàng triệu du khách Nga đổ tới Thổ Nhĩ Kỳ nghỉ ngơi và mua sắm; tiếp đó Moscow cấm vận hàng nông nghiệp và các hàng hóa khác của Thổ Nhĩ Kỳ. Nga cũng đe dọa cắt nguồn cung khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ (50% năng lượng của Thổ phụ thuộc vào Nga).

Nhưng Thổ không phải nước nhỏ như Georgia hay là Ukraine để Nga dễ áp đảo. GDP của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga không hơn kém nhau bao nhiêu (xếp thứ 17 và 15 trên thế giới). Moscow đòi Ankara phải xin lỗi vụ bắn hạ máy bay và đây là điều kiện đầu tiên để khôi phục quan hệ bình thường. Nhưng Erdogan không chịu xin lỗi.

Vụ bắn hạ Su-24 đã đẩy hai nước Nga-Thổ vào một cuộc chiến tranh lạnh chưa thấy hồi kết
Vụ bắn hạ Su-24 đã đẩy hai nước Nga-Thổ vào một cuộc chiến tranh lạnh chưa thấy hồi kết

Tiếp đó, Nga cáo buộc con trai Erdogan dính líu vào việc buôn bán dầu lậu với IS, lời buộc tội mà Thổ đã bác bỏ. “Đây là một tình huống bế tắc. Lãnh đạo chúng tôi  muốn giải quyết xung đột thông qua ngoại giao. Họ muốn ngồi xuống và thương lượng với Nga. Nhưng có vẻ Putin làm mọi thứ để leo thang xung đột”, ông Vügar İmanbeyli, nhà nghiên cứu về chính trị, kinh tế và xã hội Thổ Nhĩ Kỳ nhận xét.

Sinh viên Thổ Nhĩ Kỳ bị trục xuất khỏi các trường đại học Nga. Nga đã đình chỉ hoặc hủy chương trình trao đổi với 41 đại học Thổ Nhĩ Kỳ. Mới đây, chiến hạm Nga đã bắn cảnh cáo tàu Thổ Nhĩ Kỳ để tránh va chạm, theo Moscow giải thích.

“Quan hệ giữa Putin và Erdogan đã xấu đi trong hai năm qua. Sẽ không có lời xin lỗi từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tình hình knh doanh sẽ ngày càng tồi tệ hơn, quan hệ Nga-Thổ sẽ không bao giờ giống như trước cuộc chiến Syria và điều đó khiến chúng tôi lo lắng”, Ahmet Han, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Trung Đông nhận định.

Theo QPAN