Putin đại đế hay thời thế tạo anh hùng

Tân Hoa Xã vừa có bài phân tích lý giải nguyên nhân khiến tổng thống Nga Putin đạt được tỉ lệ ủng hộ cao ngất ngưởng trong bối cảnh nước Nga bị phương Tây phong tỏa về kinh tế, ngoại giao chồng chất khó khăn như hiện nay.
Ông Putin luôn là người hùng trong lòng người dân Nga
Ông Putin luôn là người hùng trong lòng người dân Nga

Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine đến nay, dường như lời đánh giá của thế giới phương Tây và dân chúng Nga đối với tổng thống Nga Putin xuất hiện một  “lỗ hổng về nhận thức”. Tại Mỹ, từ giới quyết sách Washington  đến các bình luận viên truyền hình hay những người dân bình thường liên tiếp đưa ra những lời phê bình và chỉ trích dày đặc đối với tổng thống Nga Putin. Cùng với đó, tỉ lệ ủng hộ ông Putin của dân chúng Nga tăng vùn vụt, ở thời điểm cao nhất đạt tới 89%.

Nhà Trắng những tưởng rằng lệnh chế tài hà khắc có thể khiến dân chúng nước Nga “oán hận” chính phủ, làm dao động hoạt động cầm quyền của ông Putin, nhưng cuối cùng họ đã phát hiện ra rằng, điều này lại kích thích tinh thần yêu nước và sự ủng hộ đắc lực với tổng thống Putin của người dân nước Nga. Rốt cuộc nguyên nhân nào đã khiến tỉ lệ ủng hộ tổng thống Putin tăng vùn vụt trong bối cảnh nước Nga đang bị bao vây tứ phía, ngoại giao chồng chất khó khăn như hiện nay? Lẽ nào người dân Nga không hề có cảm nhận gì về cuộc sống khốn đốn trước mắt?

Nỗi lòng nước lớn của dân tộc Nga

Từ lâu, tính cách của dân tộc Nga đã vấp phải nhiều  lời tranh cãi, đây là một dân tộc thường xuyên bị ngoại tộc xâm lăng, chịu đựng rất nhiều khổ nạn, đồng thời, Nga cũng là quốc gia nhiều lần phát động chiến tranh, xâm chiếm lãnh thổ của các nước lân bang. Truyền thống mở rộng lãnh thổ lập nước của nước Nga đã hun đúc lên tinh thần chủ nghĩa dân tộc và tinh thần nước lớn của người dân Nga.

Cần phải biết rằng, chủ nghĩa dân tộc ở Nga không chỉ là một vấn đề lịch sử, mà còn là một vấn đề hiện thực. Tại các trường học ở Nga, niềm vinh dự nước lớn không ngừng được bồi đắp, kể cả học sinh tiểu học cũng đều biết rằng, Sa Hoàng Nga đã từng làm chủ vận mệnh châu Âu, Liên Xô cũng đã từng độc bá một phần thế giới trong Chiến tranh lạnh. Nhà triết học tôn giáo Nga Nikolai Alexandrovich Berdyaev đã từng nói rằng: “Chỉ có chiến tranh kích thích niềm tự hào dân tộc và thúc giục một cách tự phát con người bồi dưỡng ý thức dân tộc”.

Trải qua hơn 300 năm mở rộng biên cương, diện tích lãnh thổ của nước Nga từ thời đại quận công IVAN IV tại vị hồi giữa thế kỷ XVI là 2,8 triệu km vuông lên tới 22,8 triệu km vuông vào trước Chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1914, dưới thời Liên Xô, về cơ bản Stalin lại khôi phục lại được lãnh thổ cho đế quốc Nga. Dân tộc Nga nhận thức được rằng, thông qua chiến tranh, gần như Nga có thể có được tất cả những cái họ mong muốn. Trong vòng 525 năm – từ năm 1368 đến năm 1895, có 329 năm nước Nga sống trong chiến tranh.

Do đó, dân tộc Nga coi chiến tranh là niềm tự hào, chỉ cần đó là nơi đã từng chiến thắng trong chiến tranh, người Nga đều lập bia tưởng niệm, rất nhiều cặp vợ chồng mới cưới của Nga đều đến đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ vô danh trong ngày cử hành hôn lễ. Moscow khiến châu Âu tránh được vết chân dày xéo của người Tatar Mông Cổ, nước Nga đã đánh bại quân đội Napoleon, giải phóng châu Âu, Liên Xô lại một lần nữa giải cứu châu Âu khỏi bàn tay của kẻ độc tài Hitler, dân tộc Nga cảm thấy kiêu hãnh và tự hào vì lịch sử nước mình.

Mỗi chiến thắng trong một cuộc chiến tranh gần như đều đồng nghĩa với việc nước Nga mở rộng được bờ cõi, đều cung cấp chứng cứ thực tế cho tâm lý Nga là “dân tộc hùng cường”, sau đó suy nghĩ này lại được biểu hiện dưới nhiều hình thức như tâm thế dân tộc, tâm lý xã hội, tiêu chuẩn giá trị và khuynh hướng chính trị, trở thành một phần trong tính cách dân tộc của dân tộc Nga, do đó, nhiều người trên thế giới đặt cho người Nga biệt danh “dân tộc chiến đấu”.

Thời thế tạo anh hùng

Chính vì tính cách đó của dân tộc Nga mới tạo ra đại đế Putin thời hiện đại. Trong lòng dân chúng Nga, tổng thống Putin chính là vị anh hùng đưa nước Nga quay trở lại với võ đài quốc tế. Sau khi Liên Xô giải thể, thực lực, vị thế của Nga giảm đi rõ rệt, độ ảnh hưởng trên trường quốc tế cũng không được như trước, từ siêu cường quốc ngày nào biến thành quốc gia hạng hai.

Tổng thống Yeltsin lựa chọn chính sách ngoại giao hướng về phía Tây, trong các vấn đề quốc tế phục tùng phương Tây một cách mù quáng, lập trường mềm yếu, khiến độ ảnh hưởng của nước Nga trên trường quốc tế ngày càng yếu hơn, càng khiến phương Tây coi thường Nga hơn, không ngừng chèn ép không gian chiến lược của nước Nga. Người dân Nga cảm thấy hẫng hụt và bị sỉ nhục chưa từng có, lòng tự tôn dân tộc bị xúc phạm nghiêm trọng.

Dưới sự ảnh hưởng của cảm giác “bị sỉ nhục” này, nhân dân Nga khát khao có một người giúp họ lấy lại được sự tự tin và niềm vinh quang trong quá khứ. Khi tổng thống Nga Putin bước lên võ đài nước Nga, nhân dân Nga phát hiện ra rằng người đàn ông khá thấp bé này đang nỗ lực dẫn dắt nước Nga trở thành một nhà lãnh đạo trên võ đài quốc tế chứ không phải là một kẻ bám đuôi.

Tổng thống Putin chinh phục người dân với tính cách độc lập, quyết đoán
Tổng thống Putin chinh phục người dân với tính cách độc lập, quyết đoán

Kể từ năm 2000-  tổng thống Nga Putin lên nắm quyền đến nay, về cơ bản tỉ lệ ủng hộ ông nằm ở 50%-60%. Năm 2008, khi Nga can thiệp vào cuộc xung đột ở Gruzia, đưa quân sang ủng hộ Nam Ossetia và Abkhazia độc lập, tỉ lệ ủng hộ ông Putin trên cương vị thủ tướng khi ấy tăng mạnh lên 88%. Ngoài ra, lần thứ 2 tỉ lệ này tăng vọt là tháng 3/2014, khi tổng thống Putin “thu hồi” thành công Crimea từ Ukraine, tỉ lệ ủng hộ là 89%.

Mặc dù sau đó Nga bị phương Tây cô lập, tình hình kinh tế xấu đi rõ rệt, nhưng nhờ vào tinh thần chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước nồng nàn, tỉ lệ ủng hộ nhà lãnh đạo Putin không hề sụt giảm. Và tháng 9/2015, Nga triển khai các đợt không kích chống khủng bố ở Syria lại một lần nữa khiến tỉ lệ tổng thống Putin lập kỷ lục. Các nhà chính trị Nga cho rằng, tỉ lệ ủng hộ tổng thống Putin tăng mạnh có mối liên hệ mật thiết với tình hình chính trị quốc tế và những đề xướng của Nga trên võ đài quốc tế.

Bản thân tổng thống Putin cũng nói, ông là con chim bồ câu có đôi cánh sắt: Bồ câu với đôi cánh sắt nỗ lực bay trên võ đài quốc tế, để người Nga tìm lại được lòng tự tôn của nước lớn. Cũng chính vì tác nhân chiến tranh này đã thổi bùng lên lòng nhiệt huyết cho nhân dân nước Nga, khiến lòng tự hào dân tộc bị niêm phong quá lâu được phóng thích trở lại.

Lý trí không thể lý giải nước Nga

Tính cách dân tộc mạnh mẽ không thể giải quyết được vấn đề no ấm, cũng không thể giúp một quốc gia phục hưng, vậy tại sao người dân Nga đều không chỉ trích tổng thống Putin bất chấp đời sống của nhân dân, liên tục mở rộng cảnh cửa ngoại giao?

Rất nhiều người Nga mâu thuẫn trong tính cách. Khi được hỏi: “Anh có thích tổng thống Putin không?” Nhiều người sẽ trả lời rằng: “Đây không phải là vấn đề thích hay không thích, ở mặt này ông Putin làm tốt, mặt kia làm chưa tốt”.

Rất nhiều giáo sư Nga cũng cho rằng, mặc dù Putin không phải là vị tổng thống tốt nhất, thậm chí không phải là tốt, nhưng hiện tại nước Nga không có người thứ hai có đủ tư cách làm tổng thống của họ. Trên thực tế, nếu bạn nói chuyện về các vấn đề chính trị với người dân Nga, họ cũng sẽ thường nói “tôi không biết, tôi cũng không quan tâm”.

Những người dân không hề quan tâm đến chính trị này lại lấy lại được lòng tự tôn của nước lớn trong chiến tranh, nhìn từ góc độ lịch sử, bất kỳ khó khăn nào cũng không thể khiến họ cúi đầu, tiến bước mới là sự lựa chọn duy nhất của họ. Đây cũng chính là nguyên nhân giải thích tại sao tỉ lệ ủng hộ tổng thống Putin lại tăng vọt trong thời kỳ chiến tranh. 

Tuy nhiên, tỉ lệ ủng hộ cao ngất ngưởng không hẳn nói lên được rằng Putin là vị tổng thống được đại chúng đón nhận, thái độ của người Nga đối với tổng thống Putin cũng không phải duy  nhất, với các nhà lãnh đạo của Liên Xô cũ, người Nga cũng có thái độ mâu thuẫn và khó lý giải như vậy, họ hoài niệm giai đoạn hoàng kim dưới thời Liên Xô, nhưng cũng không ủng hộ các nhà lãnh đạo Liên Xô.

Tóm lại, người Nga là những con người tràn đầy nhiệt huyết, thậm chí nhiệt huyết còn lấn át cả lí trí, giống như một câu danh ngôn của nhà thơ Nga Fyodor Tyutchev, dựa vào lý trí không thể lý giải nước Nga.

Huy Long (theo THX)