Phương pháp chữa bệnh mới giúp người khiếm thị lấy lại được một phần thị lực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Kỹ thuật chữa khiếm thị mới yêu cầu người bệnh đeo một cặp kính điện tử có khả năng thu được những tương phản ánh sáng từ môi trường bên ngoài
Phương pháp mới giúp cải thiện thị lực cho người khiếm thị (Ảnh: Technology Review)
Phương pháp mới giúp cải thiện thị lực cho người khiếm thị (Ảnh: Technology Review)

Người đàn ông 58 tuổi này bị khiếm thị nặng tới mức không thể phân biệt được ban ngày và ban đêm. Nhưng sau khi được chữa trị bằng phương pháp mới, cụ thể là thêm những phân tử cảm nhận ánh sáng vào võng mạc, thì bệnh nhân khiếm thị đã có thể nhìn thấy một cuốn sổ được đặt trên bàn.

Các nhà khoa học tại Châu Âu và Mỹ vừa báo cáo ca chữa trị khiếm thị thành công đầu tiên bằng phương pháp optogenetics - tạm dịch là chỉnh sửa gen thị giác, sử dụng ánh sáng để điều chỉnh những neuron đã được chỉnh sửa gen. Bằng việc đưa vào mắt người khiếm thị một loại gen được lấy từ tảo qua đó hồi phục lại thị lực cho người bệnh.

"Tôi cho rằng một lĩnh vực mới đã được sinh ra", Botond Roska, giáo sư công tác tại Đại học Basel và là người đứng đầu nghiên cứu mới, nói trong một buổi họp báo thực hiện qua điện thoại. Trên tạp chí Nature Medicine, các tác giả nghiên cứu nói rằng họ đã áp dụng phương pháp trên và chữa trị thành công cho một bệnh nhân khiếm thị 40 năm do mắc retinitis pigmentosa, một chứng bệnh thoái hóa mắt hủy hoại cơ quan cảm nhận ánh sáng.

Nhóm nghiên cứu đưa những phân tử cảm nhận ánh sáng có tên “chrimson” vào trong mắt bệnh nhân và nhận được kết quả khả quan. Chrimson có nguồn gốc từ loài tảo đơn bào có khả năng cảm nhận và di chuyển về nguồn sáng. Kỹ thuật chỉnh sửa gen sẽ tác động tới một nhóm tế bào có tên ganglion, khiến chúng phản ứng được với ánh sáng và gửi tín hiệu về não bộ.

Được cấp vốn bởi công ty GenSight Biologics tới từ Pháp, kỹ thuật chữa khiếm thị mới yêu cầu người bệnh đeo một cặp kính điện tử có khả năng thu được những tương phản ánh sáng từ môi trường bên ngoài, chiếu hình ảnh thu được lên võng mạc ở cường độ cao thông qua những bước sóng đặc biệt có khả năng kích thích các chrimson.

Theo lời nhận định của nhà nghiên cứu José-Alain Sahel, một nhà khoa học tham gia dự án và đồng sáng lập GenSight, ban đầu người đàn ông 58 tuổi được chữa trị đã không nhận thấy hiệu ứng gì, nhưng dần ông đã bắt đầu nhìn thấy được ánh sáng. Thành công này khiến người đàn ông này trở thành "người đầu tiên hưởng lợi từ phương pháp optogenetics".

Sau một khoảng thời gian tập luyện, người đàn ông khiếm thị đã có thể nhìn thấy được cuốn sách đặt trên bàn. Ông còn có thể đếm được cả số lượng những chiếc cốc tối màu đặt trên bàn, tuy nhiên không phải lần đếm nào cũng chính xác.

Phương pháp chỉnh sửa gen thị giác vốn được dùng nhiều trong các thử nghiệm trên động vật, khi các nhà khoa học thêm những phân tử cảm nhận ánh sáng vào tế bào não của vật thí nghiệm. Sử dụng cáp quang để phát ánh sáng, các nhà nghiên cứu sẽ kích thích được những dây thần kinh nhất định, nhằm làm xuất hiện những hành động cụ thể.

Lần đầu tiên các nhà nghiên cứu ứng dụng phương pháp chỉnh sửa gen thị giác vào việc chữa trị cho người khiếm thị là vào năm 2016, khi một công ty cố gắng chữa trị cho một cô gái khiếm thị sống tại bang Texas. Kết quả của thí nghiệm này không được công bố, tuy nhiên công ty đứng ra chữa trị khẳng định bệnh nhân đã nhìn thấy được ánh sáng, cụ thể là bệnh nhân đã có thể nhận ra vị trí của cửa sổ, nơi có ánh sáng chiếu vào trong một căn phòng tối.

Theo báo cáo khoa học, mức thị lực mà người đàn ông lấy lại được rất hạn chế. Hình ảnh ông nhìn được là đơn sắc, bên cạnh đó bệnh nhân cũng không thể đọc được chữ, thậm chí không thể phân biệt được các vật thể khác nhau. Tuy nhiên, thiết bị kính chữa khiếm thị sẽ còn được cải thiện trong thời gian tới, và hứa hẹn sẽ cải thiện thị lực tốt hơn cho người khiếm thị.

Theo Technology Review