Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris: Châu Á không cần phải “chọn phe” giữa Mỹ và Trung Quốc!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chuyến thăm của bà Kamala Harris tới Singapore và Việt Nam được xem như nhiệm vụ ngoại giao, nhưng lại bị phủ bóng bởi vấn đề Afghanistan.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại chặng dừng chân Singapore (Ảnh: Reuters)
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại chặng dừng chân Singapore (Ảnh: Reuters)

Trong bài phát biểu tại Singapore về kế hoạch của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, Phó Tổng thống Harris nói rằng tầm nhìn của Washington hướng tới “hòa bình và ổn định, tự do trên biển, thương mại không bị cản trở, thúc đẩy nhân quyền, tuân thủ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế và nhận thức những lợi ích chung”.

“Cam kết của chúng tôi ở Đông Nam Á và Ấn Độ-Thái Bình Dương không chống lại bất cứ quốc gia nào, cũng không được thiết kế để khiến cho bất cứ ai phải lựa chọn phe” – bà Kamala Harris phát biểu tại Singapore – “Chúng tôi sẽ đầu tư thời gian và năng lượng của mình để tăng cường mối quan hệ đối tác quan trọng với Singapore và Việt Nam”.

Bà Harris đã tới Singapore từ hôm 22/8 và sẽ tới Việt Nam vào cuối ngày hôm nay, 24/8.

“Mỹ sẽ theo đuổi một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, giúp thúc đẩy các lợi ích của chúng tôi và của các đối tác, đồng minh của chúng tôi” – bà nói.

Cũng giống như các quan chức trong chính quyền Biden từng tới thăm khu vực châu Á mới đây, bà Harris cũng coi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông như một mối đe dọa chính trong khu vực.

“Chúng tôi biết rằng Bắc Kinh vẫn tiếp tục đe dọa và đưa ra tuyên bố chủ quyền với khu vực rộng lớn của Biển Đông” – bà Harris nói – “Những tuyên bố phi pháp này đã bị bác bỏ trong phán quyết của tòa trọng tài vào năm 2016, nhưng những hành động của Bắc Kinh vẫn tiếp tục làm tổn hại tới trật tự dựa trên luật pháp và đe dọa chủ quyền của nhiều quốc gia”.

Bắc Kinh chưa từng công nhận phán quyết của tòa trọng tài, đồng thời khẳng định rằng họ có quyền lịch sử đối với vùng biển giàu tài nguyên – vốn là tuyến thương mại trên biển quan trọng với tổng giá trị hàng hóa lưu thông lên tới 4 nghìn tỉ USD mõi năm.

Bà Harris cũng nhấn mạnh rằng Mỹ mong muốn mở rộng hợp tác trong 2 lĩnh vực gồm thương mại và y tế công.

“Nhìn về phía trước, tầm nhìn của chúng tôi là một thế giới nơi mà an ninh y tế toàn cầu được củng cố và nơi mà chúng ta có thể phát hiện, tấn công các chủng virus mới từ sớm, và chúng tôi đang có những bước đi để hiện thực hóa tương lai đó” – bà Harris nói.

Phó Tổng thống Mỹ thêm rằng, Mỹ đã đề nghị đứng ra tổ chức các cuộc họp APEC vào năm 2023 như một phần trong nỗ lực tăng cường hợp tác kinh tế với khu vực.

Nydia Ngiow – Giám đốc tổ chức tủ vấn BowerGroupAssia tại Singapore – nhận định rằng điểm nhấn trong bài phát biểu của bà Harris chính là Mỹ “đã trở lại với chủ nghĩa đa phương”.

“Một trong những mục đích chính trong chuyến công du lần này của bà Harris chính là đảm bảo với các nước trong khu vực rằng, Mỹ ưu tiên khu vực này và một lần nữa trở thành người chơi quan trong trên trường quốc tế” – Ngiow nói.

Chuyến thăm của bà Harris cũng tiếp nối nhiều chuyến thăm của giới chức cấp cao Mỹ tới khu vực này. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã tới thăm Indonesia, Thái Lan và Campuchia trong tháng 5. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới thăm Singapore, Việt Nam và Philippines trong tháng trước. Gần đây nhất, Đặc phái viên của Mỹ tại LHQ, Linda Thomas-Greenfield, đã tới thăm Thái Lan sau khi tham dự lễ bế mạc Olympics ở Tokyo.

Trước khi thực hiện chuyến công du, giới chức Mỹ nói rằng bà Harris sẽ tận dụng chuyến thăm để nhấn mạnh về cam kết của Mỹ trong việc duy trì sự hiện diện an ninh và kinh tế ở châu Á.

Tuy nhiên, giới truyền thông Trung Quốc lại cho rằng chuyến thăm này có động cơ chủ yếu là nhằm vào Trung Quốc. Một bài xã luận đăng trên Thời báo Hoàn cầu nói rằng, bà Harris đang tìm cách “tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực…để biến Đông Nam Á thành một mặt trận chống Trung Quốc”.

Alfred Wu – Giáo sư tại Trường ĐH Chính sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore – nhận định rằng những phát ngôn của bà Harris có khả năng sẽ được tiếp nhận tốt bởi nó giải quyết được một số “sự hiểu sai” về cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc hiện nay.

“Bà ấy nói rằng Mỹ không cố gắng tấn công Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào khác, mà chỉ muốn duy trì hệ thống dựa trên luật pháp” – Wu nói, nhưng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh chắc chắn sẽ phản bác lại luận điểm của bà Harris về hành động của họ trên Biển Đông.