Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Hà Nội trực tiếp giải quyết luồng tuyến vận tải

VietTimes -- Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trực tiếp chỉ đạo giải quyết dứt điểm các bất cập, tồn tại trong việc điều chuyển các tuyến vận tải trên địa bàn Hà Nội.
Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phản ứng gay gắt trước việc điều chỉnh luồng tuyến vận tải của Hà Nội.
Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phản ứng gay gắt trước việc điều chỉnh luồng tuyến vận tải của Hà Nội.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ GTVT giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp vận tải về việc điều chuyển tuyến vận tải hành khách trên địa bàn thành phố Hà Nội và kiến nghị của một số doanh nghiệp vận tải, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc này.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trực tiếp chỉ đạo giải quyết dứt điểm, hiệu quả các bất cập, tồn tại trong việc điều chuyển các tuyến vận tải trên địa bàn thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu đi lại thuận lợi cho người dân.

Đồng thời giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, chống lợi ích nhóm, chống ùn tắc giao thông và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết trong tháng 4/2017.

Cụ thể, Văn bản báo cáo của Bộ GTVT nêu rõ, triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đại diện các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT cùng với Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nắm tình hình tại Bến xe Nước Ngầm; Đồng thời, đại diện cơ quan tham mưu của Bộ GTVT đã làm việc với Sở GTVT để chuẩn bị nội dung và tập hợp toàn bộ các kiến nghị liên quan để chuẩn bị cho nội dung họp đối thoại giữa Bộ GTVT và UBND TP. Hà Nội với doanh nghiệp.

Tại văn bản, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP. Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng của thành phố tiếp tục rà soát để bố trí hợp lý các tuyến thuộc diện điều chuyển về bến Nước Ngầm hay bến xe Giáp Bát, hoặc tái cơ cấu lại giữa Bến xe Giáp Bát với Bến xe Nước Ngầm để đảm bảo cạnh tranh công bằng, công khai, minh bạch đối với các tuyến từ các địa phương (Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình); Thông báo công khai về quy hoạch bến xe trên địa bàn TP. Hà Nội, trong đó làm rõ tính pháp lý đối với Bến xe Nước Ngầm và được quy hoạch thực hiện dài hạn hay ngắn hạn.

Bên cạnh đó, thông báo rõ đến các đơn vị vận tải đang hoạt động tại Bến xe Gia Lâm được hoạt động đến khi xây dựng xong Bến xe Cổ Bi; Bến xe Giáp Bát được hoạt động cho đến thời điểm xây dựng xong và đưa vào khai thác Bến xe Yên Sở để doanh nghiệp bến xe cũng như đơn vị vận tải chủ động trong đầu tư và hoạt động vận tải.

Rà soát bố trí tăng lượng phương tiện xe buýt để kết nối giữa các Bến xe phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, phối hợp với Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng xe buýt có thiết kế để chở cả hàng hóa được hoạt động trên các tuyến buýt kết nối giữa các bến xe; Kiểm tra việc kê khai đăng ký giá dịch vụ xe ra vào bến của bến xe Nước Ngầm, đảm bảo công bằng, phù hợp với mặt bằng giá chung trên địa bàn thành phố.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 6 Điều 6 Luật Giao thông đường bộ để tổ chức lập, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định quy hoạch về số lượng phương tiện phù hợp tình hình thực tế của địa phương mình để tránh hiện tượng cung vượt quá cầu và lợi dụng chạy trá hình xe tuyến cố định gây mất trật tự vận tải và cạnh tranh không công bằng giữa các loại hình vận tải hành khách.

Thời gian qua, kể từ khi Hà Nội có kế hoạch điều chuyển một số luồng tuyến xe khách, các cuộc bãi công với sự tham gia của hàng trăm ôtô đã xảy ra, bất chấp nỗ lực giải thích, thuyết phục của ngành chức năng thành phố và Bộ GTVT. Mới nhất là sự việc khoảng 100 xe tuyến Nam Định, Thái Bình xếp hàng trên cao tốc ngày 28/2, mang theo băng rôn kêu cứu.

Theo kế hoạch có hiệu lực từ 2/1/2017, nhà xe chạy tuyến Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An... phải chuyển từ bến Mỹ Đình (đường vành đai 3 Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm) sang đón trả khách tại bến Nước Ngầm (đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai) - cửa ngõ phía Nam thành phố, cách gần 15km.

Doanh nghiệp vận tải cho rằng, việc thay đổi đầu đón trả khách khiến họ phải đối mặt khó khăn chồng chất bởi Mỹ Đình nằm gần nhiều trường đại học lớn và các khu đô thị mới, lượng khách có nhu cầu đi lại đông hơn rất nhiều so với cửa ngõ phía Nam.

Chuyển sang Nước Ngầm, tình hình kinh doanh của các nhà xe sa sút nghiêm trọng. Do vắng khách, nhiều xe hoạt động cầm chừng, một số trả phù hiệu để hoạt động tự phát theo hình thức "dù" hoặc chạy hợp đồng ngoài, gây mất trật tự an toàn giao thông.

Đặc biệt, ngay sau khi sự việc xảy ra Sở GTVT Hà Nội còn thông báo, ngày 10/2 là hạn chót thực hiện phương án điều chuyển xe khách liên tỉnh đang hoạt động tại các bến trên địa bàn Hà Nội, nếu các đơn vị vận tải không thực hiện phương án điều chuyển, Sở sẽ tiến hành cắt lốt một tháng theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Nếu sau một tháng các đơn vị vẫn tiếp tục không thực hiện, Sở sẽ tiếp tục cắt lốt thời hạn dài hơn và cuối cùng là từ chối hoạt động trên địa bàn Hà Nội.