Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần xóa mù công nghệ như đã từng xóa mù chữ!

VietTimes – Đồng thuận với quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng, CMCN 4.0 là cơ hội tốt để Việt Nam đảo chiều về dịch vụ, đào tạo, thương mại,… Sự đảo chiều rất quan trọng và thành công hay không chính là nhận thức và hành động của chúng ta”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Trước đây chúng ta xóa mù chữ thì giờ cần xóa mù về tri thức công nghệ”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia đối thoại tại diễn đàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia đối thoại tại diễn đàn.

Đó là những nội dung được đặc biệt chú ý tại Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, vừa diễn ra sáng nay 13/7tại Hà Nội.

Cơ hội đảo chiều quan trọng

Trước khi vào phiên chính thức của Diễn đàn, Thủ tướng và đoàn đại biểu, các quan khách đã đi thăm các gian hàng trình diễn công nghệ mới của FPT, CMC, Huawei, VNPT, VinFast, Vietcombank,…

Ngay trong phần đầu bài phát biểu chính thức tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Chúng ta đã xem triển lãm và chúng ta thấy cuộc cách mạng 4.0 đã ở rất gần với Việt Nam và thậm chí ở trong Việt Nam. Đặc biệt là những tập đoàn lớn trong và ngoài nước như FPT, CMC…, chúng tôi rất mừng về những kết quả bước đầu thành công. Đây là điều rất vui mừng”.

Thủ tướng cho biết, qua Diễn đàn này, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn về cuộc cách mạng công nghệ lần này, về cách làm, về kinh tế số. Ở Việt Nam là thay đổi công nghệ. Chúng ta cần nhanh chóng làm rõ nhận thức này hơn.

Vấn đề thứ 2, Thủ tướng nói về hành lang chính sách. Từ ý kiến của một vị đại biểu, cho rằng Việt Nam đã có CMCN 4.0, nhưng tốc độ không lớn, Thủ tướng bày tỏ băn khoăn có chính sách nào để phát triển ứng dụng CMCN tốc độ cao hơn.

Lắng nghe các ý kiến Diễn đàn, Thủ tướng cho biết ông ủng hộ một quyết định từ hội thảo này là đào tạo nguồn nhân lực. Nhân lực của Việt Nam chủ yếu là nông nghiệp, năng suất thấp, chúng ta cần có nhân lực chất lượng cao nên càng cần trang bị kỹ năng mới cho người lao động.

Ngoài những lưu ý về việc phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng CNTT, Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý những mặt trái của CMCN lần thứ tư, để không ai bị bỏ lại phía sau.

“Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng vẫn còn những bất cập về chính sách quản lý, phát triển. Tôi rất hoan ngênh và đánh giá cao các kiến nghị về chính sách. Tôi mong rằng mục tiêu về chính sách rất quan trọng, nhất là chính sách công”, Thủ tướng bày tỏ, “CMCN 4.0 là cơ hội tốt để Việt Nam đảo chiều về dịch vụ, đào tạo. Sự đảo chiều rất quan trọng, kể cả ở những địa phương, những công ty, những tập đoàn”.

Đổi mới bằng được hệ thống sáng tạo quốc gia

Từ góc nhìn về việc phát triển bền vững trong CMCN 4.0, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Người luôn đồng hành cùng giới Khoa học Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, nhận định: CMCN 4.0 đang thực sự diễn ra, dù còn nhiều tranh luận. Việc quan trọng hàng đầu hiện nay là phải hành động.

“CMCN 4.0 mang tới cả thời cơ và thách thức, là bình đẳng với mọi người và mọi quốc gia. Tuy nhiên, với các quốc gia có thu nhập thấp như Việt Nam thì dù bình đẳng về cơ hội thì cũng rất dễ bị bỏ lại phía sau nếu không nắm bắt thật nhanh những bước tiến mới của KHCN. Việc này phải thực hiện ở các cấp, chứ không chỉ ở riêng bộ KHCN hay ngành công nghệ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đi thăm Triển lãm trình diễn công nghệ. Tại gian hàng CMC, ông xem các chuyên gia bảo mật CMC trình diễn các tính năng giám sát, phát hiện các lỗi bảo mật ứng dụng công nghệ 4.0 như Big Data, Automation...
 Thủ tướng đi thăm Triển lãm trình diễn công nghệ. Tại gian hàng CMC, ông xem các chuyên gia bảo mật CMC trình diễn các tính năng giám sát, phát hiện các lỗi bảo mật ứng dụng công nghệ 4.0 như Big Data, Automation...

Ông phân tích, một trong những việc phải làm đầu tiên là phải đổi mới cho bằng được hệ thống sáng tạo quốc gia, mà trước đây vốn là các chủ thể như Chính phủ, viện nghiên cứu, các trường Đại học, còn các doanh nghiệp không rõ vai trò. Để bắt kịp với CMCN 4.0, cần thay đổi để các doanh nghiệp phải là trung tâm. Còn các đối tượng khác đóng vai trò hỗ trợ.

“Hệ thống sáng tạo quốc gia tôn vinh sáng tạo của mọi cá nhân, phải làm sao trang bị kiến thức, tri thức về công nghệ cho mọi người. Trước đây chúng ta xóa mù chữ thì giờ cần xóa mù về tri thức công nghệ”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.

Phó Thủ tướng bày tỏ, nói CMCN 4.0 xuất phát từ công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất nhưng quan trọng nhất là thay đổi xã hội, tăng cường tính kết nối, kết nối thiết bị với con người, đặc biệt là con người với con người. Một khi chúng ta kết nối và kết nối thông mình thì sẽ huy động được sự ủng hộ của toàn xã hội. Có như vậy, tưng người không bị bỏ lại phía sau, Việt Nam không bị bỏ lại phía sau trong cuộc Cách mạng này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, Quốc hội rõ ràng phải đồng hành cùng Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành trong cuộc CMCN 4.0. Gần đây nhất, Quốc hội đang thảo luận Luật chăn nuôi, Luật trồng trọt, và trong nội dung các luật này sẽ có những phần ứng dụng CMCN 4.0.
Luật Kiến trúc cũng tương tự, sẽ có những quy định để có thể vận dụng được những quá trình mới của CMCN 4.0 vào kiến trúc.
Ông khẳng định, với tư cách là cơ quan lập pháp, Quốc hội sẽ triển khai tốt, tạo hành lang pháp lý để tăng nhanh mức độ ứng dụng CMCN 4.0.