Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần phát triển mạnh hạ tầng băng rộng, chính phủ điện tử

VietTimes -- Vào đề từ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc quan trọng tiên quyết là phải hiểu đúng để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng này, tránh việc hô khẩu hiệu. Theo đó, việc phát triển hạ tầng băng rộng, chính phủ điện tử,… phải được phát triển mạnh mẽ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, muốn phát triển đất nước, cần có ngành mở đường và ngành TT&TT cần nâng cao tinh thần tiên phong đi trước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, muốn phát triển đất nước, cần có ngành mở đường và ngành TT&TT cần nâng cao tinh thần tiên phong đi trước.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông, vừa diễn ra ngày 23/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã biểu dương những nỗ lực và thành quả mà ngành TT&TT đạt được trong năm 2016. Phó Thủ tướng đánh giá năm nay tuy có nhiều thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến những sự cố gây ảnh hưởng trực tiếp đến ngành. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng toàn ngành vẫn đạt 9,3%, gấp rưỡi tốc độ tăng trưởng trung bình của cả nước. Đây là con số rất đáng mừng.

Nhìn vào thực chất

Ngành TT&TT đã kế thừa truyền thống của ngành Bưu điện, với phẩm chất luôn là tiên phong đi đầu, trong thời kỳ chiến tranh trước đây và cả trong giai đoạn đổi mới ngày nay. Riêng trong lĩnh vực báo chí, chúng ta ngày càng thấy rõ vai trò định hướng của báo chí, báo chí đã đi trước dư luận một bước, phản ánh rất tốt tình hình. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, báo chí cần đề cao vai trò định hướng dư luận, góp phần ổn định tình hình trong nước, tuyên truyền để người dân nhận thức rõ được những thay đổi có thể ảnh hưởng tới lợi ích sát sườn của người dân.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, muốn phát triển đất nước, cần có ngành mở đường. Ngành TT&TT cần nâng cao tinh thần tiên phong đi trước, trong đó chú trọng đặc biệt việc phát triển dịch vụ 4G, Chính phủ điện tử, phát triển Công nghệ thông tin.

“Muốn cải cách hành chính, nếu không có CNTT, không làm dịch vụ trực tuyến, không giảm thiểu thủ tục xin - cho thì không thể làm được. Chúng ta đã có truyền thống đi đầu của ngành Bưu điện và tới đây, chúng ta phải làm tốt hơn nữa việc này. Chúng ta đang xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động. Một trong những công việc để liêm chính là phải công khai hóa, minh bạch hóa, đẩy mạnh Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công. Chúng ta phải làm bằng được việc cung cấp dịch vụ qua mạng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng trong buổi họp Tổng kết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra bài toán với ngành TT&TT, khi Việt Nam luôn ấp ủ trở thành nước mạnh về CNTT trong khi chỉ số Chính phủ điện tử hiện vẫn nằm ở xếp hạng thứ 89 theo đánh giá của thế giới.

“Đã đến lúc chúng ta phải nhìn vào thực chất, phải có những chỉ đạo cụ thể, có những bước đi cụ thể để có những tiến bộ cụ thể”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Triển khai nhiều biện pháp đồng bộ bắt kịp xu thế công nghệ

Thực tế, năm 2016, Bộ TT&TT tiếp tục triển khai các đề án lớn về CNTT, phát triển công nghiệp CNTT, nguồn nhân lực CNTT. Trong đó, Bộ đã ban hành nhiều đề án, chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử, cập nhật các xu thế công nghệ mới trên thế giới như Thành phố Thông minh, Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Cùng với đó, công tác đảm bảo an toàn thông tin và năng lực dự báo, ứng cứu sự cố an toàn thông tin được chú trọng tăng cường.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn.

Bộ trưởng cũng cho biết, theo thống kê đến hôm qua (22/12), đã có tổng cộng 15 triệu SIM kích hoạt sẵn bị khóa và thu hồi.

Nói về hoạt động của ngành trong năm nay, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đánh giá: Công nghiệp CNTT vẫn chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp FDI, thiếu công nghiệp hỗ trợ, chưa phát triển được những sản phẩm trong nước có khả năng xâm nhập và cạnh tranh trên thị trường thế giới; đội ngũ nhân lực công nghiệp phần mềm, phần cứng còn thiếu. Đầu tư cho ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước còn rất hạn chế; thói quen làm việc chủ yếu dựa trên văn bản giấy vẫn còn phổ biến trong hoạt động của các cơ quan nhà nước làm ảnh hưởng đến việc triển khai các hệ thống thông tin phục vụ cho xây dựng chính quyền điện tử, chính phủ điện tử.

Đồng thời, công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức với tần suất, quy mô  và mức độ phức tạp  trong các cuộc tấn công mạng ngày càng cao. “Trong khi đó nhiều trang thông tin điện tử, hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, tổ chức trong nước vẫn tồn tại lỗ hổng gây mất an toàn thông tin. Nhiều sản phẩm CNTT nhập khẩu từ nước ngoài cài sẵn phần mềm độc hại tạo ra các nguy cơ về an toàn, an ninh thông tin cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân”, Bộ trưởng nói.

Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh 16 nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện trong năm 2017. Trong đó, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tập trung xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực TT&TT, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường ứng dụng CNTT trong thực thi nhiệm vụ.

Đây cũng là năm việc thực hiện Luật Báo chí được tăng cường, đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Bộ sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ quan báo chí, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại, quản lý chặt chẽ các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, qua đó xây dựng lòng tin của nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Việc quản lý chặt chẽ hoạt động cạnh tranh, khuyến mại, giá cước, chất lượng dịch vụ để bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ được tiếp tục triển khai trong năm 2017, tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, mua bán lưu thông SIM di động sai quy định và xây dựng các chính sách thúc đẩy sự phát triển thuê bao di động trả sau.

Bộ TT&TT cũng lên kế hoạch để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý, phát triển tài nguyên, đảm bảo an toàn hệ thống Internet và hệ thống tên miền quốc gia, tích cực thúc đẩy các quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Internet.

Báo cáo tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận, trong năm 2016, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã hoạt động quyết liệt, mở ra nhiều triển vọng trong tương lai.

Cụ thể, Hội đã tổ chức thực hiện được những hoạt động có ý nghĩa như tích cực tổng hợp các ý kiến hội viên để góp ý xây dựng các văn bản chính sách của nhà nước liên quan đến ngành; Trung tâm Truyền thông kí ức người lính tiếp tục thực hiện thành công công trình sách “Kí ức người lính” và đồng hành cùng Tổng cục Chính trị trong chương trình “Khát vọng Việt” đưa gần 2 triệu cuốn sách tặng cho các người lính.

Về công tác đào tạo và nghiên cứu, Hội đã tổ chức được 31 lớp bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hội viên về Khởi sự doanh nghiệp, Quản trị doanh nghiệp với gần 1500 học viên đến từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài Chính, Trung tâm Đào tạo của VDCA đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo hội viên về quản trị doanh nghiệp…