Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần khơi dậy, rèn luyện tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên

VietTimes -- Sáng 5/10, lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2019 (SV-Startup) đã diễn ra tại Trường Đại học Bách khoa, Hà Nội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: VGP

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Mục đích chính của Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” là khơi dậy, rèn luyện tinh thần khởi nghiệp; trang bị các kiến thức cần thiết cho học sinh, sinh viên về khởi nghiệp; kết nối tất cả các trường học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp". 

Qua 2 năm thực hiện Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, ngành giáo dục đã xây dựng tiêu chí các nhà trường, đơn vị khởi nghiệp, đặc biệt là xây dựng tài liệu, kỹ năng về khởi nghiệp.

Nhiều trường học đã kết nối với doanh nghiệp, xây dựng không gian khởi nghiệp, khuyến khích hỗ trợ, thầy cô giáo và học sinh, sinh viên cùng tham gia vào quá trình khởi nghiệp.

Năm 2018, SV-Startup mới có gần 200 dự án khởi nghiệp tham dự, thì năm nay đã có hơn 300 dự án. Chất lượng của các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tốt hơn và được các doanh nghiệp đánh giá cao.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay: "Chúng ta đang đổi mới giáo dục, một trong những vấn đề rất căn bản là đổi mới phương pháp dạy và học. Trước đây ở cả đại học lẫn phổ thông chúng ta chú trọng  phương pháp truyền thụ kiến thức một chiều, thụ động.

Bây giờ trường đại học cần đặt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, sáng tạo ra tri thức lên trên. Trường phổ thông phải khơi dậy sự sáng tạo của giáo viên, học sinh để hình thành một lớp người biết sáng tạo, dám nghĩ khác, làm khác trong khoa học” - Phó Thủ tướng nói. 

Thời gian tới, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cam kết sẽ phối hợp với các bộ ngành để kết nối hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của học sinh, sinh viên với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời, tháo gỡ vướng mắc sở hữu trí tuệ; tạo nguồn ngân sách hỗ trợ cho quỹ khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng tài liệu kỹ năng, kinh nghiệm trong khởi nghiệp của sinh viên; nhân rộng mô hình “vườn ươm” giữa nhà trường và doanh nghiệp.