Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho ý kiến về đề xuất cơ chế đặc thù các dự án PPP Hà Nội

VietTimes -- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về một số cơ chế đặc thù triển khai các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để giải quyết ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội.
Nhiều cơ chế đặc thù đã được UBND TP. Hà Nội đề xuất Chính phủ để triển khai các dự án PPP liên quan đến giao thông - Ảnh minh họa, Q.V
Nhiều cơ chế đặc thù đã được UBND TP. Hà Nội đề xuất Chính phủ để triển khai các dự án PPP liên quan đến giao thông - Ảnh minh họa, Q.V

Ngày 27/12/2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì buổi họp với lãnh đạo UBND TP. Hà Nội về một số cơ chế đặc thù triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP để giải quyết ùn tắc giao thông và môi trường bức xúc dân sinh của Hà Nội.

Theo đó, về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định của Điều 26 Luật Đấu thầu đối với các dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng chỉ đạo giao UBND TP. Hà Nội xây dựng phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định của Điều 26 Luật đấu thầu đối với từng dự án cụ thể trong đó lưu ý làm rõ yếu tố đặc thù của từng dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ.

Yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện thẩm định phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ do UBND TP. Hà Nội cung cấp.

Về chuyển đổi hình thức đầu tư đối với Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND TP. Hà Nội thực hiện chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 25/01/2017, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Về ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn của Thành phố ký kết các hợp đồng dự án nhóm A theo hình thức BT, Phó Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội chủ động quyết định việc ủy quyền theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, UBND TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hà Nội xây dựng kế hoạch tổng thể đầu tư hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội trong thời gian tới; trong đó nêu rõ khả năng huy động nguồn lực đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2018.

Thông báo số 35/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP. Hà Nội tập trung đầu tư hoàn thiện khép kín vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5, vành đai 3, vành đai 3,5, vành đai 4, vành đai 5; các hướng tâm: Quốc lộ 6, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 21, Đường 70, các trục chính đô thị kết nối với các tuyến đường vành đai,...

Triển khai đầu tư các cầu qua sông Hồng, sông Đuống theo hệ thống đường vành đai như: Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở, cầu Tứ Liên, cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Đuống 2.

Hoàn thành dứt điểm các tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông), số 3 (Nhổn - ga Hà Nội). Tập trung triển khai sớm 06 tuyến đường sắt đô thị còn lại theo quy hoạch.

Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc áp dụng cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư đối với 05 dự án cầu sông Hồng và khép kín đường vành đai gồm: Dự án cầu chui Trần Hưng Đạo; dự án cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 theo hình thức hợp đồng BT; dự án nút giao các mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long; xây dựng khép kín đường vành đai 2,5 và 3,5.