Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo thu xếp vốn làm đường cao tốc Bắc – Nam

VietTimes -- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có chỉ đạo về nguồn vốn tín dụng trong nước để đầu tư xây dựng Dự án cao tốc Bắc – Nam.
Trở ngại lớn nhất của dự án cao tốc Bắc - Nam là huy động vốn đầu tư
Trở ngại lớn nhất của dự án cao tốc Bắc - Nam là huy động vốn đầu tư

Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước VN, kịp thời báo cáo Thủ tướng chính phủ giải pháp thu xếp vốn để triển khai dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam.

Được biết, đây là dự án quan trọng quốc gia, khi hình thành có khả năng đáp ứng năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn; kết nối các trung tâm kinh tế xã hội từ Hà Nội đến TP. HCM qua 20 tỉnh thành phố, kết nối các khu kinh tế, KCN, cảng biển nhằm phát triển kinh tế - xã hội những khu vực có đường cao tốc chạy qua nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó, dự án này sẽ giảm thiểu áp lực và khai thác có hiệu quả hơn quốc lộ 1.

Tháng 4/2017, Chính phủ đã đồng ý phương án nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 để thực hiện các dự án xây đường cao tốc Bắc – Nam, trong đó bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng.

Sau đó, Bộ Giao thông đã có tờ trình gửi Thủ tướng về thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Theo đó, dự án đường cao tốc Bắc-Nam sẽ được phân kỳ thành 3 giai đoạn trong đó đầu tư trước tiên giai đoạn 1 (từ năm 2017-2022) với tổng chiều dài đầu tư là 684km, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 140.116 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước khoảng 55.000 tỷ đồng (thực hiện giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư khoảng 27.422 tỷ đồng; vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình khoảng 27.578 tỷ đồng), nguồn vốn BT trả bằng ngân sách để thanh toán các đoạn Cam Lộ-La Sơn và La Sơn-Túy Loan giai đoạn đến năm 2020 là 5.700 tỷ đồng, giai đoạn sau năm 2020 khoảng 17.825 tỷ đồng, nguồn vốn nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu và vốn nhà đầu tư huy động khoảng 61.591 tỷ đồng).

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự án này diễn ra mới đây, liên quan đến vấn đề thu xếp vốn của dự án, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp huy động nguồn vốn trong nước để có thêm nguồn lực đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc cung cấp tín dụng, bảo đảm Nhà đầu tư phải có trách nhiệm bảo đảm đủ vốn chủ sở hữu theo đúng quy định tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư PPP, không để tình trạng nhà đầu tư dùng toàn bộ tiền vay ngân hàng để thực hiện dự án BOT.