Sáng nay (24/4), Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã tổ chức phiên toàn thể Đại hội IV nhiệm kỳ 2016 - 2020 tại Hà Nội. Đây là sự kiện quan trọng của ngành Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam.
Chia sẻ tại sự kiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về CNTT Vũ Đức Đam cho biết, chúng ta nói rất nhiều về sự tự hào của Việt Nam: Việt Nam phát triển nhanh thứ hai thế giới trong 20 năm qua, những thành quả phát triển được dành phần lớn cho công tác xã hội. Tuy nhiên, nếu muốn đuổi kịp các nước phát triển trong khu vực thì chỉ riêng về tốc độ tăng trưởng, nước ta phải tăng trưởng liên tục 8 - 9% trong 20 năm tới.
“Còn nếu không chắc chắn chúng ta không thoát ra khỏi được bẫy thu nhập trung bình. Chúng ta đang ở trong bẫy, chúng ta cần thoát ra khỏi nó. Nhưng nếu chỉ tăng trưởng, phát triển 9% mà các vấn đề môi trường xã hội không chú ý thì cũng không được bởi bây giờ có thể nhanh song sau này sẽ bị kéo lùi lại. Vậy vấn đề hiện nay, không còn cách nào khác là phải phát triển khoa học công nghệ. Trong khoa học công nghệ có rất nhiều thứ nhưng rõ ràng CNTT trong đó có phần mềm và dịch vụ CNTT cần phải được đẩy mạnh. Quy mô doanh thu của phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam hiện vẫn còn khiêm tốn, do đó phải làm sao để đẩy lên”, Phó Thủ tướng nói.
Đề cập đến việc tư vấn, phản biện chính sách pháp luật liên quan đến ngành CNTT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: VINASA cực kỳ chuyên nghiệp và công phu, tổ chức nghiên cứu đưa ra những khuyến nghị về chính sách thuế CNTT và dịch vụ CNTT, đặc biệt là đã làm rõ khái niệm dịch vụ CNTT. Thậm chí VINASA đã bàn với Hội tư vấn thuế Việt Nam kết hợp làm một bản kiến nghị rất đầy đủ luật sửa thế nào, Nghị định, Thông tư điều chỉnh ra sao. Kiến nghị này đã được đưa ra Chính phủ họp, soạn Nghị quyết, Bộ Tài chính cũng đã tiếp thu, tranh luận. “Cơ bản là chúng ta đã ngồi cùng nhau, giữa VINASA và cơ quan thuế để cái gì làm được thì làm. Không chỉ vấn đề thuế thu nhập cá nhân mà rất nhiều vấn đề, trong đó có lẽ đóng góp lớn nhất vào chính sách của ngành là đã làm rõ được khái nhiệm dịch vụ CNTT. Bởi lẽ, trước đây có rất nhiều chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân… được quy định áp dụng cho ngành phần mềm nhưng không định nghĩa rõ dịch vụ CNTT có được áp dụng không”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Liên quan đến câu chuyện chính sách cho cộng đồng khởi nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, cộng đồng startup cần nhất là cơ chế để có vốn đầu tư ban đầu, làm sao để có thể “active” ý tưởng, dự án.
Phó Thủ trướng nhận định: “Chính sách cho CNTT suy cho cùng cũng chỉ có mấy thứ. Theo tôi hiểu thì chính sách lớn nhất là liên quan đến thuế, chứ CNTT không cần nhiều lắm tới các chính sách về đầu tư, tín dụng, đất đai… Chúng ta kiên trì tiếp tục, cùng sát cánh làm chính sách với Chính phủ như vừa qua là rất tốt”.
Về phương hướng thời gian tới, Phó Thủ tướng khẳng định cộng đồng CNTT đã xác định đúng trọng tâm. Ủng hộ tinh thần của cộng đồng startup song Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần hiểu cho đúng về khởi nghiệp: “Chúng ta đã bàn rất nhiều, tôi đã cũng đã tham gia với anh chị em nhiều. Nhưng tôi nghĩ rằng quan trọng nhất là phải làm sao để các trường đại học đều có không gian cho cộng đồng startup làm. Ví dụ như, trường có không gian khoảng 1.000 m2 để anh em startup. Startup luôn luôn gắn với sinh viên, đó là những người rất mơ mộng, rất hoài bão, có nhiều ý tưởng và có khả năng sáng tạo nhưng không có tiền. Nếu làm tốt điều này sẽ thay đổi cả cách học trong trường đại học, hình thành cho sinh viên tinh thần lập nghiệp”.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề xuất: “Cộng đồng khởi nghiệp rất cần đầu tư mạo hiểm ban đầu dưới hình thức các quỹ. Cái này Chính phủ cũng đã bàn. Chính phủ sẽ có một số chính sách tham gia đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng trước hết là các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong VINASA phải tích cực tham gia cái này. Chúng ta nói nhiều về quốc gia khởi nghiệp song tôi cho rằng cần phải cụ thể, thiết thực”.
Đặc biệt trăn trở đến vấn đề nguồn nhân lực CNTT, Phó Thủ tướng cho hay, so với các ngành khác, CNTT có cần đất, có cần tín dụng nhưng không cần nhiều bằng những ngành khác mà cần nhân lực. Đến nay, thực sự nhân lực CNTT vẫn thiếu. Có một nghịch lý chúng ta phải đặt ra câu hỏi: tại sao chúng ta hiện nay thừa mấy trăm nghìn cử nhân cao đẳng, hơn một trăm nghìn cử nhân đại học, kỹ sư thất nghiệp nhưng trong khi đó CNTT lại thiếu nhân lực. Có thứ học ra không xin được việc, có thứ cứ thiếu nhân lực, vậy tại sao không đào tạo được.
“Tôi cho rằng đây là câu hỏi rất lớn mà VINASA nên tập trung giải quyết. Hiện nay, có rất nhiều mô hình đào tạo mới, học liệu mở, đào tạo từ xa… tại sao mình không tập trung làm, phối hợp với Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng để làm. Ví dụ, tại sao không dám nghĩ đến chuyện hơn 100.000 kỹ sư cử nhân thất nghiệp, mình đào tạo chính họ về CNTT. Chúng ta đã nhắc đến nhưng chúng ta chưa làm đến cùng. Tôi rất mong muốn VINASA sẽ làm việc này”, Phó Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng bày tỏ mong muốn VINASA sẽ lớn nhanh hơn, phải làm cho số doanh nghiệp CNTT tăng lên thật nhanh và đi cùng với nó thì thành viên VINASA cũng phải tăng thật nhanh.
Theo ICT News