Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa HN: CMCN 4.0 đã làm thay đổi tư duy dạy và học

VietTimes -- Cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi tư duy trong dạy và học, hướng sinh viên học phải làm việc teamwork và hướng tới việc phát triển các ý tưởng phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp. Trong đó, CMCN 4.0 ảnh hưởng rất quan trọng đến ngành CNTT nên càng cần phải nhìn nhận ngành CNTT khác biệt so với trước. 

Đó là nhận định của PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội tại Workshop: “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?” diễn ra chiều qua (5/8). Đây là sự kiên nằm trong chuỗi chương trình giao lưu với cộng đồng khởi nghiệp tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017.

Tại đây, PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, sinh viên trường đại học Bách Khoa có truyền thống cần cù, say mê, đam mê tham gia các giải thưởng để có thể đem các sản phẩm của mình vào thực tế. Vì vậy, nhà trường xây dựng các chính sách hỗ trợ sinh viên để tạo ra sản phẩm tốt hơn.

Cụ thể, hiện chương trình của nhà trường đang được thiết kế lại theo hướng tích hợp, tổ chức sinh viên làm việc theo nhóm và chúng tôi đẩy mạnh tính chất liên ngành. Nhà trường hình thành các nhóm project liên ngành để các sinh viên có thể làm việc team work, hợp sức tạo ra các ý tưởng mới để có sản phẩm tốt hơn.

Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa HN: CMCN 4.0 đã làm thay đổi tư duy dạy và học ảnh 1PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng (áo đỏ) và  ông Nguyễn Văn Tấn (áo trắng) đang trao đổi với những người khởi nghiệp trẻ. Ảnh: Ánh Dương

Cùng với đó, ĐH Bách khoa Hà Nội xây dựng CLB sinh viên nghiên cứu, sáng tạo do sinh viên tự điều hành. Các giảng viên sẽ là cố vấn, hướng dẫn để sinh viên được tự do xây dựng các ý tưởng.

Thứ 3, nhà trường cũng tổ chức các cuộc thi nội bộ trong trường, từ ý tưởng đến sản phẩm cho tới các khởi nghiệp, giúp các em bộc lộ hết khả năng, các em có thể kết hợp với nhau để tạo ra sản phẩm, với mong muốn khởi nghiệp quốc gia

Cuối cùng, nhà trường cũng sẽ có học bổng để hỗ trợ các sinh viên giỏi, tài năng, hỗ trợ đặc biệt các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn… Hy vọng sau 1 – 2 năm phong trào sinh viên nghiên cứu sáng tạo sẽ tạo ra sản phẩm tốt hơn để tạo nên các dự án khởi nghiệp thực sự.

Ngoài các chương trình hỗ trợ của Trường ĐH Bách Khoa, ông Nguyễn Văn Tấn cũng cho biết VNPT ngoài vai trò là nhà tài trợ, là một đơn vị đồng tổ chức giải thưởng thì còn là một doanh nghiệp. Vì vậy, VNPT rất hoan nghênh và mong đợi những dự án tiềm năng, phù hợp với lĩnh vực của VNPT để cùng nghiên cứu, phát triển.

Hiện Tập đoàn VNPT đã và đang tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác với các trường ĐH trên cả nước để đưa những công trình nghiên cứu, sản phẩm nghiên cứu, ý tưởng của sinh viên, của các giáo sư để triển khai ngay trên hệ thống của VNPT.

Không chỉ hợp tác với trường ĐH BKHN, hiện VNPT đang hợp tác, đầu tư những trung tâm R&D tại một số trường khác như: ĐH Đà Lạt để nghiên cứu về nông nghiệp thông minh, ĐH Quốc gia Tp.HCM để nghiên cứu về phân tích dữ liệu…

Hiện VNPT đang phục vụ khoảng 5,5 triệu thuê bao băng rộng cố định và gần 30 triệu thuê bao băng rộng di động. Vì vậy, chúng tôi cũng mong muốn được hợp tác với các bạn có những sản phẩm, dịch vụ sáng tạo để phong phú hơn nữa cho khách hàng của mình.

Ngoài gần 35 triệu khách hàng nói trên, VNPT còn đang có quan hệ hợp tác chiến lược với rất nhiều cơ quan, tổ chức quản lý ở các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp khác. Khi hợp tác với VNPT, ngoài cơ hội để hoàn thiện, phát triển hơn nữa sản phẩm của mình mà còn có thể cùng khai thác cộng đồng khách hàng đó, đẩy nhanh quá trình đưa sản phẩm ra thị trường.

Bên cạnh đó, từ quá trình sản xuất kinh doanh của tập đoàn và những chiến lược đầu tư của VNPT trong thời gian tới là môi trường rất tốt để sản phẩm sáng tạo có thể triển khai nhanh chóng. Ví dụ như VNPT hiện đang có chiến lược phát triển rất mạnh cho mảng băng rộng, đầu tư hàng nghìn trạm 4G để hình thành một mạng băng siêu rộng di động, với độ thông minh cao. Chúng tôi có rất nhiều giải pháp thông minh, công nghệ nền tảng sẵn sàng mở để các đối tác cùng phát triển trên đó.

PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng và ông Nguyễn Văn Tấn cùng chia sẻ về ảnh hưởng của CMCN 4.0 đến cách dạy và học cho SV.
CMCN ảnh hưởng gì đến dạy và học về ngành CNTT ở Bách khoa Hà Nội?
Về vấn đề này, ông Huỳnh Quyết Thắng khẳng định: CMCN ảnh hưởng rất quan trọng đến ngành CNTT.
Trước nhất, cần phải nhìn nhận ngành CNTT khác biệt so với trước. Theo ông Thắng, tư duy đột phá trong việc xây dựng chương trình, cả dạy và học là vấn đề quan trọng hàng đầu, bởi chỉ có như vậy mới có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực

Chia sẻ thêm về cách đổi mới phương pháp giảng dạy của trường Bách khoa, thầy Ngô Hồng Sơn, Giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang thay đổi chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận nhiều hơn với doanh nghiệp. Chương trình đào tạo của trường cho cử nhân trong 4 năm và kỹ sư là 5 năm".

Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa HN: CMCN 4.0 đã làm thay đổi tư duy dạy và học ảnh 2Chương trình thu hút đông đảo sự tham gia của các bạn trẻ đang khởi nghiệp hoặc ấp ủ mong muốn khởi nghiệp. Ảnh: Ánh Dương.

Hiện nay trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang có các dự án hợp tác với Tập đoàn VNPT để có thể mang các nghiên cứu, các dự án vào thực tiễn, hoặc đào tạo theo chương trình doanh nghiệp cần và thực hiện các dự án nghiên cứu đặt hàng từ doanh nghiệp. Và thường các sinh viên năm thứ 5 sẽ tham gia các dự án của doanh nghiệp và được định hướng học tập phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp và được làm việc trực tiếp với doanh nghiệp.

Với đào tạo sau đại học, trường và ngành đang hướng tới đào tạo những người có khả năng nghiên cứu phát triển. Đây là nguồn nhân lực tiềm năng cho các R&D của doanh nghiệp và đáp ứng được nhu cầu của thị trường sau này.