Phó Chủ tịch VDCA: Cần khung pháp lý phù hợp để bảo vệ dữ liệu riêng tư của người dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Bảo vệ dữ liệu cá nhân là một yếu tố quan trọng khi quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ ở cả trong lĩnh vực công cộng và tư nhân. 
Nhiều cơ quan nhà nước ở địa phương và người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về bảo vệ dữ liệu của công dân
Nhiều cơ quan nhà nước ở địa phương và người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về bảo vệ dữ liệu của công dân

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Lâm Thanh - Phó Chủ tịch VDCA tại cuộc tọa đàm về bảo vệ dữ liệu cá nhân vừa diễn ra sáng 28/6. Ông Lâm Thanh nói rằng quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam với những quyết tâm của Chính phủ cùng sự phổ cập của các dịch vụ số với đông đảo người dân. Trong quá trình đó, việc bảo vệ dữ liệu riêng của mọi người dân là hết sức quan trọng. Để làm được việc này thì rất cần khung pháp lý phù hợp cùng ý thức tự bảo vệ thông tin của người dân.

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Phó Chủ tịch VDCA

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Phó Chủ tịch VDCA

Ông Patrick Haverman - Phó Giám đốc UNDP Việt Nam cũng khẳng định, trong thời đại số hoá thì mọi công dân về cơ bản đều thực hiện rất nhiều giao dịch trên các nền tảng số với rất nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, bảo vệ dữ liệu cho công dân là trách nhiệm của Nhà nước và phải xây dựng niềm tin cho các dịch vụ công trực tuyến cho đông đảo người dân.

Ông Patrick Haverman - Phó Giám đốc UNDP Việt Nam

Ông Patrick Haverman - Phó Giám đốc UNDP Việt Nam

Tại buổi tọa đàm, đại diện Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) đã trình bày báo cáo khảo sát về dịch vụ công và bảo vệ thông tin cá nhân tại Việt Nam. Báo cáo cho biết, tại không ít địa phương, nhiều công chức vẫn chưa bỏ được thói quen giao dịch qua thư điện tử bằng các địa chỉ email của các nền tảng miễn phí như Gmail - không hề an toàn, bảo mật thông tin.

Ngoài ra, còn rất nhiều thực tế tồn tại khác không chỉ ở cơ quan Nhà nước mà cả người dân khi tham gia các giao dịch trực tuyến đã vô tình "đồng ý" để các đối tác cung cấp dịch vụ "sưu tập" và phát tán thông tin cá nhân của họ.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự và Hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, Hiến pháp Việt Nam đã ghi rõ về quyền bảo vệ bí mật cá nhân cho mọi công dân. Bộ luật Hình sự cũng đã đề cập đến vấn đề này nhưng chưa thực sự rõ ràng. Bà nói rằng khi xã hội số phát triển thì quyền về thông tin cá nhân càng phải có những khung pháp lý rõ ràng và cần thiết, phải xây dựng Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân.

Ông Nguyễn Trọng Khánh - Trưởng phòng Hạ tầng và Dữ liệu số, Cục Tin học hoá - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, với quá trình số hoá đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam, mọi doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đều được hưởng lợi khi tham gia các dịch vụ công. Tuy nhiên, vấn đề là cứ mỗi lần thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, họ đều phải khai báo lên các nền tảng số thông tin riêng của mình. Vì thế, chính các cơ quan công quyền cũng rất mong sớm có các khung pháp lý phù hợp để vừa làm hết trách nhiệm vừa bảo vệ thông tin của các khách hàng sử dụng dịch vụ công do mình cung cấp.

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện IPS trình bày tham luận

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện IPS trình bày tham luận

Kết luận toạ đàm, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện IPS cảm ơn các đại biểu đang tham dự và đóng góp tham luận, ý kiến. IPS sẽ tổng hợp các thông tin này để gửi đến các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm về xây dựng pháp luật liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Buổi toạ đàm do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) và Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp tổ chức.