Trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội:

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: “Bảo vệ cái tốt, đấu tranh chống lại cái xấu chính là chuẩn mực”

VietTimes – “Bảo vệ cái tốt, đấu tranh chống lại cái xấu chính là chuẩn mực” - Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã nêu quan điểm với VietTimes về chủ đề Trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội (MXH).
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam luôn nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới phẳng, báo chí đang đứng trước nhiều thách thức với MXH, nhà báo càng phải khẳng định vai trò và trách nhiệm của mình với sứ mệnh cung cấp thông tin chính xác, tin cậy và định hướng thông tin.

Người làm báo phải chính trực

Hiện nay, MXH đã trở thành công cụ thiết yếu trong việc tiếp cận thông tin. Trong bối cảnh nhiều luồng thông tin đa dạng như hiện nay, nhất là khi người dân có thể “làm báo” trên mạng xã hội đang trở thành trào lưu, trách nhiệm của nhà báo khi tham gia MXH là gì, thưa ông?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Có thể thấy rằng, MXH hiện nay đang gây áp lực mạnh lên cả đời sống xã hội chứ không chỉ riêng trong báo chí, bởi những cơ hội và tiện ích mà nó mang lại. Nhưng phải thấy rằng, MXH cũng là nỗi “khiếp đảm” đối với nhiều người. Chính vì đặc tính nhanh, liên tiếp, không giới hạn nên một thông tin đưa lên MXH sẽ gây ra tác động rất lớn và khó kiểm soát, nhất là đối với những thông tin có thể kích thích trí tò mò, thị hiếu của một số người.

Thông tin lan truyền từ người này sang người khác theo cấp số nhân, có thể “gây bão” trên MXH. Có một điều đáng lưu tâm là những thông điệp tốt đẹp thường ít được lan truyền, thay vào đó là những thứ không tốt đẹp, thậm chí các thông tin có thể gây tổn hại về nhân phẩm, danh dự, lợi ích đối với các cá nhân, tập thể lại có xu hướng “lan nhanh như lửa cháy”.

Chính vì vậy, tham gia vào MXH để truyền tải thông tin hay bình luận những vấn đề trên MXH luôn luôn đòi hỏi sự tử tế. Lan truyền sự tử tế là một điều tốt, nhưng đi ngược lại sẽ vô tình gây ra những tác hại khó lường.

Ai cũng có thể tham gia bày tỏ ý kiến trên MXH, nhưng đối với những người của công chúng, những người nổi tiếng và các nhà báo, khi tham gia MXH phải đảm bảo tính chuẩn mực và tinh thần trách nhiệm cao.

Được biết, việc này đã được Hội Nhà báo Việt Nam quy định đạo đức nghề báo. Tuy nhiên, nhiều nhà báo cho rằng quy định như vậy vẫn rất mơ hồ, thưa ông?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Đối với Hội nhà báo Việt Nam, trong 10 điều quy định về đạo đức nghề báo, điều 5 đã quy định rất rõ, “Nhà báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia MXH và các phương tiện truyền thông khác”. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi: thế nào là chuẩn mực, thế nào là trách nhiệm?.

Theo quan điểm của tôi, bảo vệ cái tốt, đấu tranh chống lại cái xấu chính là chuẩn mực chung. Bên cạnh đó, vẫn cần những điều cụ thể hóa để các nhà báo nâng cao tinh thần trách nhiệm khi tham gia MXH. Vì thế Hội Nhà báo đã ban hành bộ quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam, xuất phát từ điều 5 trong quy định về đạo đức nghề nghiệp.

Cụ thể, bộ quy tắc nêu rõ 4 điều nhà báo nên làm và 8 điều nhà báo không được phép làm. Nhà báo cần có trách nhiệm truyền tải thông tin tích cực, bảo vệ điều tốt, đấu tranh với những điều xấu, độc. Đối với người nổi tiếng, nhất là người có ảnh ảnh hưởng lớn trong xã hội, có nhiều lượt theo dõi, tinh thần trách nhiệm càng phải nâng cao hơn nữa khi đưa thông tin lên mạng xã hội.

Có một số tòa soạn báo cấm phóng viên thể hiện quan điểm cá nhân trên mạng xã hội trái với quan điểm của tòa soạn. Theo ông, việc này có nên không?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Tôi nghĩ, tư cách nhà báo chỉ có một, dù trên MXH hay trên mặt báo. Không thể có nhà báo hai mặt, trên báo viết một kiểu nhưng khi chia sẻ quan điểm trên MXH lại nói kiểu khác, thậm chí nói ngược lại.

Theo tôi, đó là hành xử không đàng hoàng. Bởi lẽ, đức tính chính trực là phẩm chất quan trọng nhất của người làm báo. Không thể viện cớ rằng mình là công dân, một cư dân mạng nên có quyền phát biểu ý kiến cá nhân để đưa ra những quan điểm ngược lại với cái chung, ngược với quan điểm của chính cơ quan báo chí đang phục vụ.

Đó là điều không thể chấp nhận được!

MXH hiện nay đang gây áp lực mạnh lên cả đời sống xã hội chứ không chỉ riêng trong báo chí.
MXH hiện nay đang gây áp lực mạnh lên cả đời sống xã hội chứ không chỉ riêng trong báo chí.

Quản lý bằng quy định và pháp luật

Theo những chia sẻ nêu trên của ông về trách nhiệm phát ngôn của nhà báo trên MXH, với cương vị đại diện một tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp của các nhà báo, xin ông cho biết nếu vi phạm các quy định đạo đức nghề nghiệp thì nhà báo sẽ bị xử lý như thế nào?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Đối với các nhà báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra các quy định như “bản cam kết” về mặt tinh thần, trách nhiệm, hay nói cách khác là định hướng về lương tâm nghề nghiệp.

Đối với người làm báo, điều quan trọng nhất là tư cách làm nghề, tư cách của bản thân trước xã hội. Nếu vi phạm, tùy mức độ, sẽ bị xử lý về tư cách bằng các biện pháp như phê bình, khiển trách, cảnh cáo, nặng hơn nữa là khai trừ khỏi Hội Nhà báo Việt Nam.

Trong trường hợp nghiêm trọng, phải truy tố hình sự, việc xử lý vi phạm sẽ do các cơ quan thực thi pháp luật chịu trách nhiệm, dựa theo Luật pháp Việt Nam hiện hành.

Trong bối cảnh nhiều luồng thông tin trên MXH hiện nay, những thông tin bôi nhọ, nói xấu có xu hướng chiếm ưu thế về lan tỏa hơn những thông tin đích thực. Đối với những người đang trở thành chủ đề nói xấu, bôi nhọ nên có phản ứng như thế nào để bảo vệ chính mình, thưa ông?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Quyền bảo vệ danh dự và nhân phẩm là quyền của bất cứ công dân nào. Tuy nhiên, khi trở thành chủ đề bàn tán trên MXH, mỗi người đều có cách tự bảo vệ riêng, không thể áp dụng một công thức giống nhau. Có người bảo vệ mình bằng cách không tham gia vào các cuộc tranh cãi, dùng các công cụ khác để bảo vệ, thậm chí có thể nhờ đến pháp luật can thiệp.

Tuy nhiên, tôi cho rằng khi đã cần đến sự can thiệp của pháp luật có nghĩa là người trong cuộc đã phải chịu nhiều tổn thương sâu sắc về danh dự và nhân phẩm. Những người chọn cách bảo vệ mình bằng pháp luật thì họ tin chắc là sẽ thắng.

Đó là quyền lựa chọn của bất cứ công dân nào khi bị xúc phạm trên mạng xã hội. Tôi ủng hộ điều đó!

- Xin cảm ơn ông!